Mắm Cáy

HQVN -

Ngồi nghỉ ngơi dưới gốc cây phong ba sau giờ huấn luyện, mấy chiến sĩ trẻ kể cho nhau nghe về những món đặc sản quê mình.

Một chiến sĩ trẻ ở TP.Hồ Chí Minh mới ra đảo quay sang hỏi tôi: Xa quê, anh nhớ nhất món gì? Lúc ấy, mình ngẩn ngơ một chút rồi gật đầu bảo có. Quê mình gần sông, bây giờ tháng Sáu đang mùa. Món quà ấy mỗi năm chỉ có một lần khi dòng Thái Bình mở cửa cho phù sa tràn vào, đưa con cáy, con rạm vào theo. Mấy hôm nắng gắt, đêm nào trong giấc ngủ nghe tiếng mưa rì rầm, kiểu gì sáng hôm sau, bọn mình cũng dậy sớm, theo người lớn đi đuổi cáy.

Sáng sớm sau mưa, trời êm rời rợi. Đất mềm mát lạnh dưới bàn chân. Lũ cáy thong dong gọi nhau chui ra khỏi hang, nhởn nhơ đi dạo. Đứng trên bờ, tỉnh mắt, chạy xuống thật nhanh để chộp. Mười lần không sai lấy một. Một lúc, cáy lạo xạo gần đầy giỏ.

Lũ trẻ quê tôi rất thích được đi bắt cáy ngoài bờ sông. Ảnh minh họa

Rồi con nước ròng, khi sông dâng phù sa lên mấp mé bờ đê, lút đầu lau lách ven bờ rồi cũng hạ dòng nhanh chóng, trả lại đôi bờ mịn mượt phù sa non sánh mềm như bột. Lũ cáy ròng lên theo con nước nhưng nhát chết xuống không kịp với nước, bám đầy vào thân lau lách hai bên bờ vẫn nhuộm đỏ phù sa, chỉ khẽ động là rào rào chạy xuống. Cứ mang dậm chặn dọc đường cáy chạy. Cáy ròng chắc nhưng nhỏ thôi, không sợ bị cắp, nhiều không bắt xuể, chẳng cần nhẹ chân làm gì.

Buổi trưa rần rật lửa, đun nước ruộng chân rạ vừa lật gốc, nóng như sôi. Mọi người đi bắt cáy ngôm-lũ cáy tránh nóng bò lên mô đất, bám vào gốc rạ. Nắng chết mệt, thấy người, cáy lười chẳng buồn xuống, chỉ việc nhặt, chỉ một chốc đầy giỏ.

Nhưng cáy ngôm là cáy bé. Muốn có cáy to, cần chờ xế buổi, dịu trời, lúc ấy trốn nấu cơm, mình hò nhau đi câu cáy. Mỗi người một cái cần câu bằng tay tre. Chọn cái nào càng mảnh càng tốt. Đầu buộc sợi chỉ. Gút lại vài gút cho chắc. Đầu kia buộc mồi ốc ao, quấn trong lớp bao trong cùng của kén tằm. Lũ cáy sồng chắc ninh ních, nhát lồi mắt, ngửi lâu bén mồi, rón rén thò lên. Chỉ cần chạm nhẹ chân vào mồi là ngạnh càng đã mắc chặt vào lớp kén. Câu cáy sồng cần tĩnh và kiên nhẫn.

Chiều tàn, cả lũ dắt nhau về. Tiện qua ngõ ngắt nắm mùng tơi ta lá nhỏ, ngọn nhỏ, leo bờ rào, nắm rau đay lá hình mắt thon dài, có răng cưa, mềm mà thơm, với quả mướp hương vỏ xanh cạnh bờ ao cho bà làm bữa tối. Canh cáy không vàng ươm váng sao như canh rạm, không thơm như canh cua mà hơi xám, hoi hoi mùi cáy nhưng cũng ngọt nhức chân răng.

Mỗi đứa chúng mình chỉ cần hai, ba buổi như thế là đủ cho bà, cho mẹ làm mắm cáy ăn cả năm. Những hũ mắm phơi góc sân suốt mùa Hè. Cho đến một hôm thấy thơm lừng mùi thính rang trong bếp mới chợt nhớ ra. Chai mắm cáy của bà chắt trực tiếp từ hũ, đỏ au, đặc sánh, thơm lừng, ngọt đậm. Rau muống ao hái về, ngọn to non múp rụp, luộc chấm vào bát mắm cáy đỏ au, vắt chanh thả ớt, thử hỏi sau này còn tìm thấy món rau muống nào chế biến đơn giản mà ngon hơn? Còn nếu không thì chỉ rưới mắm cáy với cơm nguội cũng đủ mê rồi.

Những chum mắm cáy được phơi ngoài sân suốt mùa Hè

Cơm gạo chiêm mới nấu trong nồi gang, ủ tro. Chín nức. Hạt căng mõng như xôi và ngọt mềm như cốm. Mắm sánh từng giọt, vị ngọt sắc trong cái đậm đà của muối, trong cái dẻo bùi, thơm ngậy của trứng vịt vào mùa. Trộn đều cả tô. Xúc một thìa đầy. Ăn một miếng thấy có cả trời xanh, đồng bãi, thấy sóng phù sa, thấy cả lau lách bãi bờ và thấy cả tình quê, tình đất vời vợi, mênh mông mà gần gũi như phù sa như đồng bãi.

Thoáng thế mà đã hơn hai mươi năm qua rồi. Lũ trẻ con bé nhỏ ngày nào giờ đã đi khắp mọi miền đất nước. Mình cũng ngần ấy năm khoác lên mình bộ quân phục Hải quân và gắn bó với quần đảo tiền tiêu. Nhưng có một điều chẳng đứa nào quên, mỗi mùa Hè về vẫn nhắc nhau nhớ dòng sông Thái Bình rong chơi mùa lũ, nhắc nhớ con nước lên đều đặn theo mùa, nhắc con cáy, con rạm, nhắc những buổi chiều mưa bưng tô cơm nguội, rưới mắm cáy dầm trứng vịt.

Nhớ rồi nhắc, rồi hẹn hò ngày nào mình về phép cả lũ sẽ tụ họp, nghe kể chuyện biển khơi, rồi gửi ra cho đảo, cho bạn bè anh em ngoài đó món quà là can mắm cáy, chắt chiu vị ngọt ngào từ đồng bãi quê hương.

Nguyễn Kim Ngân

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn