Lực lượng tàu ngầm Hải quân 38 năm xây dựng và phát triển
*Chuẩn Đô đốc Phan Tuấn Hùng, Phó Tư lệnh phụ trách Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân
HQ Online -
Ngày 28/4/1986 thành lập Hải đội 182-Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời một binh chủng mới của Hải quân nhân dân Việt Nam thể hiện một tầm nhìn xa, sâu sắc và chiến lược của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy Bộ Tư lệnh Hải quân. Ngày 18/12/2023, Tư lệnh Hải quân đã ký quyết định về việc lấy ngày 28/4/1986 là ngày truyền thống của lực lượng tàu ngầm với nội dung truyền thống “Đoàn kết, kỷ luật; bí mật, bất ngờ; quyết chiến, quyết thắng”.
Tàu ngầm với khả năng hoạt động bí mật, bất ngờ tiến công và giành thắng lợi trước kẻ thù, là lực lượng có sức mạnh răn đe lớn với đối phương cả trong thời bình và thời chiến, mang đến cho địch sự đe dọa ở mọi lúc, mọi nơi trên chiến trường biển và đại dương. Quân chủng Hải quân luôn xác định xây dựng lực lượng tàu ngầm có vị trí, ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Quá trình hình thành, xây dựng và phát triển lực lượng tàu ngầm Hải quân
Thời điểm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta có chương trình phát triển Hải quân Việt Nam, trong đó có phát triển lực lượng tàu ngầm. Trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, phải tuyển chọn thủy thủ tàu ngầm để đào tạo và sẵn sàng tiếp nhận tàu ngầm, tháng 1/1982, Bộ Tư lệnh Hải quân thành lập đoàn công tác đi các đơn vị của hải quân ở miền Bắc, tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ cho khung tàu ngầm đầu tiên để chuẩn bị sang Liên Xô huấn luyện. Ngày 1/6/1982, Tư lệnh Hải quân ký quyết định thành lập đơn vị khung tàu ngầm đầu tiên với mật danh là “Đoàn 682”, trực thuộc Bộ Tham mưu Hải quân. Nhiệm vụ của đoàn là quản lý học viên, bồi dưỡng sức khỏe, rèn luyện thể lực, học tiếng Nga để sẵn sàng đi huấn luyện.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Lữ đoàn Tàu ngầm 189 (tháng 5-2016). Ảnh: CTV
Tháng 6/1984, Tư lệnh Hải quân đã ký quyết định thành lập Hải đội 182 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân với ba thành phần: Cơ quan Hải đội, Khung tàu ngầm 1, Trạm nổi. Tháng 7/1984, khung tàu ngầm đầu tiên đi huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện tàu ngầm tại Riga thuộc nước Cộng hòa Latvia (Liên Xô).
Ngày 28/4/1986, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam ra Quyết định về việc thành lập Hải đội đặc biệt thuộc Quân chủng Hải quân, phiên hiệu Hải đội 182.
Hải đội 182 là Hải đội tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Việt Nam, đặt nền móng cho sự ra đời, phát triển của binh chủng tàu ngầm. Các thủy thủ tàu ngầm thuộc Hải đội 182 được tuyển chọn kỹ lưỡng có sức khỏe tốt, bản lĩnh vững vàng, được huấn luyện chuyên ngành tàu ngầm tại Trung tâm huấn luyện tàu ngầm Riga.
Kíp tàu ngầm Hải đội 182 nhận chứng chỉ huấn luyện về tàu ngầm tại Cộng hòa Latvia (Liên Xô cũ). Ảnh: TN
Giữa năm 1986, khi kíp tàu ngầm đầu tiên về nước cũng là thời điểm đất nước khó khăn chồng chất, cơ sở bảo đảm về kỹ thuật, hậu cần cho tàu ngầm còn nhiều hạn chế, vì vậy việc trang bị tàu ngầm cho Quân chủng Hải quân chưa thực hiện được. Trong quá trình chờ tiếp nhận tàu ngầm, tháng 8/1987, Bộ Tư lệnh Hải quân ra quyết định điều động các đồng chí thuộc Hải đội 182 về các đơn vị từ Đà Nẵng trở vào để rèn luyện, huấn luyện, sẵn sàng gọi trở lại khi có nhiệm vụ mới.
Bước sang năm 1996, sau 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nên các nhu cầu củng cố quốc phòng, an ninh, cải thiện đời sống lực lượng vũ trang được đáp ứng tốt hơn. Để nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân chủng Hải quân, ngày 2/8/1996, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định về việc thành lập Trung đoàn 196 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân.
Trung đoàn 196 tàu ngầm ra đời là bước khởi đầu cho quá trình xây dựng, phát triển lực lượng mới của Quân chủng Hải quân nhằm nâng cao khả năng tác chiến dưới nước và tạo cơ sở cho việc rèn luyện cung cấp nguồn nhân lực cho xây dựng phát triển lực lượng tàu ngầm hiện đại sau này.
Quang cảnh lễ tiếp nhận Tàu ngầm 182-Hà Nội. Ảnh: PV
Để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát vùng biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đặc biệt ở các vùng biển xa, tháng 12 năm 2009, Việt Nam đã ký hợp đồng mua tàu ngầm Kilo 636 của Liên bang Nga biên chế cho Quân chủng Hải quân.
Trước đó từ năm 2008, Quân chủng Hải quân đã chủ động đi trước một bước trong việc chuẩn bị nguồn lực, tổ chức khám sức khỏe tuyển chọn lực lượng tàu ngầm, chọn nguồn cán bộ, sắp xếp các kíp tàu, gửi cán bộ, học viên đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài. Trên cơ sở kết quả khám tuyển sức khỏe thủy thủ tàu ngầm, ngày 17/9/2010, Tư lệnh Hải quân ra Quyết định về việc thành lập Đoàn 189 và giao nhiệm vụ cho các đồng chí SQ, QNCN được tuyển chọn vào lực lượng tàu ngầm chiến dịch đi bồi dưỡng ngoại ngữ, tham gia học tập chuyên ngành tàu ngầm, lực lượng nòng cốt để tiếp nhận tàu ngầm tại Liên bang Nga.
Lữ đoàn 189 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Ảnh: TTV
Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ các vùng biển của Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập, điều chỉnh tổ chức biên chế một số cơ quan, đơn vị. Trong đó, ngày 25/3/2011, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam ra quyết định về việc thành lập Phòng Tàu ngầm trực thuộc Bộ Tham mưu Hải quân và bổ sung chức danh đối với cơ quan, đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân để chỉ đạo và bảo đảm cho lực lượng tàu ngầm thuộc Quân chủng Hải quân. Ngày 20/6/2011, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định về việc thành lập Lữ đoàn tàu ngầm 189 trực thuộc Quân chủng Hải quân. Ngày 23/5/2013, tại Hải Phòng, Quân chủng Hải quân tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Phòng Tàu ngầm.
Việc thành lập Phòng Tàu ngầm đánh dấu bước phát triển mới trong lộ trình xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ngày 29/5/2013, tại Căn cứ quân sự Cam Ranh, Quân chủng Hải quân đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ Quốc phòng về việc thành lập Lữ đoàn 189 tàu ngầm trực thuộc Quân chủng Hải quân. Đây là lữ đoàn tàu ngầm hiện đại, có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hiệp đồng với các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sự ra đời lữ đoàn tàu ngầm hiện đại đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam là kết quả từ tầm nhìn chiến lược của cấp trên, là mong ước, trăn trở từ lâu của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân và cũng là của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.
Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân chúc mừng Phòng Tàu ngầm tại lễ công bố quyết định thành lập năm 2013. Ảnh: TTV
Thực hiện lộ trình xây dựng, phát triển hải quân hiện đại, Quân chủng tiếp tục tổ chức các đợt tiếp nhận, đưa vào sử dụng khối lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật mới hiện đại, trong đó có tàu ngầm. Sau khi tiếp nhận các tàu ngầm Kilo 636, Quân chủng đã nhanh chóng tổ chức huấn luyện chuyển giao, huấn luyện làm chủ và đưa vào đội hình chiến đấu các tàu ngầm hiện đại. Hiện nay các đơn vị tàu ngầm đã làm chủ trong khai thác vận hành trang thiết bị tàu ngầm, đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, cải hoán, sản xuất, chế tạo nhiều vật tư, trang thiết bị thay thế trên tàu ngầm, nâng cao trình độ, sức mạnh, khả năng chiến đấu ngày càng cao, xứng đáng là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Quân chủng Hải quân, Quân đội.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng tiến trình xây dựng lực lượng tàu ngầm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phát huy truyền thống “Đoàn kết, kỷ luật; bí mật, bất ngờ; quyết chiến, quyết thắng” của lực lượng tàu ngầm, các cơ quan, đơn vị tàu ngầm trong Quân chủng phải thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Quân chủng, Tư lệnh Hải quân, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, mệnh lệnh cấp trên và tình hình nhiệm vụ; năng động, sáng tạo cụ thể hóa bằng các chủ trương, biện pháp tổ chức thực hiện sát tình hình, thực tiễn nhiệm vụ của lực lượng và đơn vị.
Hai là, giáo dục cho bộ đội tàu ngầm về bản chất cách mạng của quân đội, tích cực chăm lo giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, bồi đắp truyền thống của lực lượng tàu ngầm “Đoàn kết, kỷ luật; bí mật, bất ngờ; quyết chiến, quyết thắng”, gắn việc quán triệt sâu sắc và nắm vững mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đồng thời chuyển hóa thành mục tiêu chiến đấu của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng tàu ngầm.
Trung đoàn 196 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì năm 2016. Ảnh: PV
Ba là, Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết của Đảng ủy Quân chủng về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị tàu ngầm cần tập trung lãnh đạo, tổ chức huấn luyện theo phương châm: “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, lấy thực hành là chính; huấn luyện sát phương án, đối tượng tác chiến, môi trường biển, đảo, tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị kỹ thuật, tạo sự chuyển biến thực chất về chất lượng huấn luyện, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật, diễn tập, nâng cao trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu thực sự của lực lượng tàu ngầm.
Bốn là, xây dựng lực lượng tàu ngầm hải quân hiện đại, vững mạnh về chính trị, lấy xây dựng con người là quyết định, tiếp tục xây dựng giá trị văn hóa của bộ đội tàu ngầm, chính quy, mẫu mực về lễ tiết tác phong, nghiêm minh về kỷ luật, thông suốt, nhịp nhàng trong hiệp đồng tác chiến; tập trung lãnh đạo các đơn vị tàu ngầm khắc phục mọi khó khăn, có ý chí, trách nhiệm cao, chủ động, sáng tạo trong huấn luyện, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật, bảo đảm các yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành thắng lợi trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Tàu ngầm Lữ đoàn 189 huấn luyện thoát hiểm trên biển. Ảnh: PV
Năm là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lực lượng, đơn vị, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có sức khỏe và trình độ để tham gia xây dựng lực lượng tàu ngầm, đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng; chăm lo chính sách và đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội, động viên kịp thời cán bộ, đảng viên, quần chúng khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Sáu là, Cùng với việc chủ động tham mưu đề xuất cấp trên đầu tư mua sắm, trang bị những vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại cần thiết để hoàn thiện và tăng cường năng lực tác chiến cho lực lượng tàu ngầm, cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp với các đối tác trong nước nghiên cứu, cũng như phát huy phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong các đơn vị tàu ngầm để có khả năng độc lập, chủ động chế tạo, sửa chữa các trang thiết bị kỹ thuật trên tàu ngầm không ngừng nâng cao năng lực và hiệu quả sử dụng của các loại vũ khí trang bị hiện có, ứng dụng thực tiễn phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần giảm thiểu chi phí ngân sách quốc phòng cho Nhà nước.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, đối mặt với biết bao thử thách, khắc nghiệt, nhất là trước những diễn biến hết sức phức tạp trên biển, yêu cầu cán bộ, chiến sĩ lực lượng tàu ngầm tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết thống nhất, phát huy phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống của bộ đội tàu ngầm “Đoàn kết, kỷ luật; bí mật, bất ngờ; quyết chiến, quyết thắng”; nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng những chủ trương, giải pháp hiệu quả sử dụng lực lượng tàu ngầm trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; không ngừng nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.
Thành tích nổi bật của các đơn vị tàu ngầm: Huân chương Chiến công hạng Ba (Trung đoàn 196 năm 2003); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (hạng Ba: Phòng Tàu ngầm năm 2023; Lữ đoàn 189 năm 2016; hạng Nhì: Trung đoàn 196 năm 2016; hạng nhất: Lữ đoàn 189 năm 2021). Ngoài ra các đơn vị tàu ngầm còn vinh dự được nhận cờ thưởng thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 171: Hội nghị Quân chính năm 2024 - ( 23-11-24 05:00 )
- Cục Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân đào tạo nhận thức chung Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 - ( 23-11-24 05:00 )
- Học viện Hải quân: Bế giảng lớp bồi dưỡng kiến thức hải quân Khóa 30 - ( 23-11-24 01:00 )
- Bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới và nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú - ( 22-11-24 01:00 )
- Lữ đoàn 161: Hội thao cấp ủy năm 2024 - ( 22-11-24 08:00 )