Lừa đảo trên mạng - vấn đề không chỉ của riêng ai
Sự phát triển của internet, mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT… bên cạnh những lợi ích, kết nối, cũng đang là những kênh bị kẻ gian “mượn đường” thực hiện nhiều vụ lừa đảo nhiều đối tượng người sử dụng từ người cao tuổi, đến trẻ em, nhân viên văn phòng, công nhân, người lao động, cho đến thanh niên, sinh viên...
* Lừa đảo không loại trừ bất kỳ ai
Với mỗi nhóm đối tượng ở từng độ tuổi, những kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản. Về các hình thức lừa đảo trên mạng, theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với đối tượng người cao tuổi có khoảng 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên, thanh niên có 13 hình thức; công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo; phụ huynh học sinh có 10 hình thức lừa đảo...
Bộ Công an đã liệt kê 24 hình thức lừa đảo trực tuyến, từ những hình thức tinh vi nhất như lừa đảo bằng các Video Deepfake, đến những hình thức lừa đảo đơn giản như bán hàng giả, hàng kém chất lượng thông qua các kênh bán hàng trực tuyến...
Các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan báo chí, truyền thông và trên internet liên tục chia sẻ các thông tin về thủ đoạn tội phạm này, tuy nhiên vẫn còn nhiều người cả tin, mắc lừa. Nhiều trường hợp bị lừa không chỉ vì thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức pháp luật hay thiếu thông tin về thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm mà còn có phần vì cả tin, bị “hấp dẫn” bởi “những món quà khủng” mà đối tượng hứa hẹn hoặc tâm lý hoang mang, mất bình tĩnh trước những lời đe dọa của đối tượng…
Sự phát triển của internet, mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT… bên cạnh những lợi ích, kết nối, cũng đang là những kênh bị kẻ gian “mượn đường” thực hiện nhiều vụ lừa đảo
Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư,… Mục tiêu cuối cùng của các đối tượng là tiền. Nhiều người bỗng dưng bị biến mất hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng do bị sập bẫy lừa đảo trực tuyến. Không chỉ làm thiệt hại về tiền bạc, lừa đảo trực tuyến còn gây các hệ lụy về tinh thần, về sự bất ổn trong cuộc sống và những nguy hại khó đo lường được.
Ai cũng có thể bị lừa đảo nhưng nguy cơ với đối tượng trẻ em và người già cao hơn cả. Về nguyên nhân trẻ em và người già là “đích ngắm” ưa thích của các nhóm lừa đảo trực tuyến, nhiều chuyên gia về an ninh mạng,cơ quan chức năng phân tích: khi phổ người dùng Internet và các thiết bị thông minh mở rộng, có thêm nhiều người già và trẻ em sử dụng smartphone để tham gia vào môi trường mạng. Đây là nhóm đối tượng hầu như chưa có sức đề kháng trước các cách thức tấn công mạng. Vì thế, họ thường xuyên bị kẻ xấu nhắm đến.
“Hiện nay, trẻ em, người cao tuổi, sinh viên, người lao động thu nhập thấp đều đã có smartphone. Thế nhưng, khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo của các nhóm đối tượng này còn khá thấp. Vì thế, các nhóm lừa đảo đã tập trung mạnh vào những đối tượng này” - ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết. Gần đây, các nhóm người dùng bị lừa đảo trực tuyến đang có sự dịch chuyển mạnh sang đối tượng là người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, người lao động thu nhập thấp.
Không chỉ với những người thiếu "sức đề kháng", thiếu thông tin, cả những người tự tin cho mình là không thể sập bẫy vì đã quá quen và cảnh giác rất cao, thậm chí còn trêu đùa qua lại khi nhận được tin nhắn vay tiền từ Facebook rồi gọi điện cả video để kiểm tra trước khi chuyển tiền nhưng vẫn bị lừa.
Một người phụ nữ kể lại, mới đây, qua facebook, chị nhận được tin nhắn hỏi vay 20 triệu đồng từ một người bạn. Do số tiền lớn, chị đã cẩn thận gọi video call để xác minh danh tính người vay. Đầu dây bên kia bắt máy, có hiện hình ảnh chủ tài khoản. Chỉ vài giây là cuộc gọi bị gián đoạn.. Nghĩ rằng đúng là bạn mình hỏi vay tiền, chị đã không ngần ngại chuyển tiền ngay vào một tài khoản ngân hàng mà người hỏi vay tiền cung cấp.
Theo nhận định của cơ quan Công an, với thủ đoạn này, sau khi chiếm quyền truy cập tài khoản của người dùng mạng xã hội, đối tượng lừa đảo chuẩn bị sẵn một đoạn video được cắt ghép từ những hình ảnh đã được chủ tài khoản đăng tải trước đó. Quá trình thực hiện màn kịch giả cuộc gọi video call để vay tiền, kẻ xấu đưa đoạn video này lên trước camera điện thoại để chiếm được lòng tin của nạn nhân. Để không bị lộ, các cuộc gọi video call thường rất ngắn, chất lượng âm thanh và hình ảnh thường là rất kém. Khi nạn nhân thắc mắc, lý do được các đối tượng đưa ra để chống chế thường là "đang đi đường", "mạng kém", "đường truyền mạng không ổn định". Nếu không cảnh giác, để ý kỹ, nhiều người có thể trở thành nạn nhân của loại hình lừa đảo này.
Cùng với việc sử dụng công nghệ Deepfake để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng còn tạo dựng nhiều kịch bản để lừa đảo. Lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hàng chục nghìn vụ, đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại, internet, mạng xã hội. Nhiều đối tượng còn giả danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện qua giao thức internet (VoIP) hăm dọa người bị hại có liên quan các vụ án đang điều tra, yêu cầu chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng cung cấp hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP ngân hàng để kiểm tra, xác minh, sau đó chiếm đoạt thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản...
Một hình thức lừa đảo khác mà các đối tượng xấu nhắm đến đó là nắm bắt được tâm lý muốn đầu tư làm giàu nhanh, sinh lợi nhuận cao, ít rủi ro, cùng với sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của nhiều người dân, gần đây các đối tượng lừa đảo đã thực hiện thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản với hình thức "kêu gọi đầu tư". Các phương thức lừa đảo thông qua "đầu tư tài chính" thường dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp nhưng bị biến tướng. Các sàn đều được quảng cáo có nguồn gốc từ nước ngoài, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao, an toàn, có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian khiến nhiều người tham gia dưới hình thức đầu tư. Để tạo uy tín, ban đầu việc trả lãi hay hoa hồng diễn ra đúng hạn. Khi nạn nhân đã tin tưởng, các đối tượng lừa đảo dẫn dụ người chơi bỏ ra số tiền đầu tư lớn. Nạn nhân sẽ nhận được lợi nhuận vài lần giao dịch với số tiền đầu tư nhỏ. Tuy nhiên, khi các nạn nhân đầu tư số tiền lớn, những kẻ lừa đảo lại đưa ra nhiều lý do nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Các công ty hoạt động trong lĩnh vực định chế tài chính, ngân hàng và chứng khoán... cũng là những mục tiêu mà khi mà thực hiện lừa đảo thành công, tin tặc sẽ thu về được rất nhiều thông tin có giá trị, từ đó có thể đánh cắp thông tin và tài sản của cá nhân trong mạng lưới ấy.
Lại có những trường hợp bị sập bẫy lừa đảo nhiều lần, với các hình thức khác nhau. Nhiều hội nhóm được lập ra trên các mạng xã hội liên tục chia sẻ các bài viết liên quan đến cách thức lấy lại tiền đã bị lừa đảo trực tuyến. Đánh vào tâm lý muốn lấy lại số tiền bị lừa đảo của các nạn nhân, các đối tượng sẽ mạo danh là Công an, luật sư, kiểm sát viên, người từng lấy được tiền sau khi bị lừa đảo... Chúng sẽ sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý, thuyết phục và xây dựng lòng tin của nạn nhân. Khi có được niềm tin của nạn nhân, đối tượng bắt đầu yêu cầu thanh toán dưới dạng phí xử lý, phí pháp lý.... Nạn nhân sau khi chuyển tiền sẽ bị khóa chặn các liên lạc trước đó. Lúc này, mọi người mới nhận ra mình tiếp tục dính bẫy lừa đảo lần thứ hai.
* Giải pháp căn cơ
Trên thực tế, các trường hợp bị lừa đảo trực tuyến, rất khó để lấy lại tiền bởi các đối tượng lừa đảo thường sử dụng nick ảo và sim rác để nhắn tin, gọi điện. Đến khi nạn nhân phát hiện ra, các đối tượng đã hoàn toàn mất hút. Nhiều nạn nhân mờ mắt vì lòng tham, nhẹ dạ cả tin, mơ hồ về pháp luật, tội phạm lừa đảo qua mạng rất chuyên nghiệp, bài bản, tinh vi.
Cơ quan Công an các địa phương trong cả nước đều tiếp nhận khá nhiều vụ trình báo bị lừa qua mạng. Thực tế là rất ít kẻ lừa bị sa lưới. Những kẻ giấu mặt điều hành các đường dây lừa đảo qua mạng hầu hết là ở nước ngoài.
Đầu tiên là chúng mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền chiếm đoạt của nạn nhân. Các tài khoản này chúng thuê người để mở, mua lại của những người không còn sử dụng và nhiều hình thức khác. Tất cả những người này đều không biết người mua, người thuê mình là ai. Nạn nhân chuyển vào tài khoản do kẻ lừa đảo cung cấp, ngay lập tức số tiền này được chia nhỏ chuyển tiếp cho rất nhiều tài khoản khác và cuối cùng tất cả các số tiền này sẽ đến một hoặc nhiều tài khoản ở các sàn giao dịch ngoại tệ ở nước ngoài… Cơ quan chức năng gần như không thể phong tỏa tài khoản ban đầu mà nạn nhân chuyển cho kẻ lừa.
Sau khi chuẩn bị xong khâu tài khoản, việc kế tiếp của kẻ lừa là thu thập thông tin cá nhân với rất nhiều thủ đoạn sử dụng công nghệ cao. Một số thủ đoạn phổ biến: Tạo trang web giả mạo ngân hàng hoặc dịch vụ trực tuyến với mục đích thu thập thông tin cá nhân của người dùng internet; sử dụng trạm phát sóng BTS giả mạo gửi tin nhắn lừa đảo tới người dùng. Nạn nhân làm theo hướng dẫn sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân; các đối tượng gài bẫy quảng cáo, ứng dụng cho vay. Nạn nhân sau khi cài đặt ứng dụng và cấp quyền cho ứng dụng truy cập điện thoại sẽ bị kẻ gian chiếm đoạt thông tin cá nhân; các đối tượng gọi điện thông báo khóa dịch vụ viễn thông. Nạn nhân làm theo hướng dẫn sẽ mất thông tin cá nhân… Chuẩn bị xong xuôi các "hàng trang", "kịch bản", những kẻ lừa đảo (thực chất chỉ là người Việt làm công hoặc bị ép làm việc cho các tay trùm lừa đảo người nước ngoài, “trụ sở” công ty đặt ở nước ngoài) bắt đầu “giăng lưới”, lừa đảo các nạn nhân. Tinh vi hơn là hiện nay chúng còn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến...
Cơ quan Công an xác định, qua nhiều vụ án cho thấy tội phạm lừa đảo qua mạng chủ yếu ở nước ngoài, nên công tác đấu tranh, ngăn chặn gặp nhiều khó khăn.
Để đấu tranh với loại tội phạm này, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát Hình sự đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản .Cục Cảnh sát Hình sự đã áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đấu tranh khám phá thành công nhiều chuyên án, bắt giữ nhiều đối tượng là người Việt Nam và người nước ngoài.
Điển hình, tháng 1/2023, Công an thành phố Thái Bình phát hiện đường dây lừa đảo hoạt động phạm tội có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao, móc nối với người nước ngoài hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam ở trong nước với quy mô lớn, với tổng số tiền trên 28 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 19 đối tượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tháng 3/2023, Công an tỉnh Quảng Nam đã phối hợp Bộ Công an và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an Đà Nẵng, Quảng Trị tích cực điều tra, bắt giữ nhóm 06 đối tượng đều ở tỉnh Quảng Trị đã thực hiện hành vi chiếm quyền quản trị Facebook, Zalo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 1/2023 đến thời điểm bị bắt, các đối tượng trong nhóm đã chiếm quyền sử dụng nhiều tài khoản Facebook, Zalo, lừa đảo hàng trăm bị hại trên địa bàn cả nước.
Tháng 5/2023, Công an thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 7 đối tượng để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và đưa hối lộ. Với thủ đoạn lừa đảo giới thiệu chương trình “tặng” thực phẩm chức năng cho bệnh nhân, các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng 3.000 người dân trên địa bàn toàn quốc, chủ yếu là người lớn tuổi, có tiền sử mắc một số bệnh xương khớp, bệnh tiểu đường...
Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng Internet tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Bởi vậy, giải pháp căn cơ và lâu dài nhất để “phòng bệnh” là cần nâng cao sức đề kháng của người dân với các thông tin xấu độc, lừa đảo trên mạng.
Các cơ quan chức năng đã tăng cường khuyến cáo người dân về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm; tăng cường lực lượng nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm. Để phòng ngừa, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản xã hội. Không chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng, mã OTP, không chuyển tiền cho người chưa xác thực. Các cơ quan nhà nước không làm việc với người dân, người vi phạm qua điện thoại, qua mạng xã hội hay yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP...
Bộ Công an đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc nâng cao chất lượng định danh tài khoản điện thoại, tài khoản ngân hàng, từ đó, làm sạch toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu tài khoản ngân hàng, tiến tới các tài khoản ngân hàng phải được mở tài khoản chính chủ. Bên cạnh đó, Bộ Công an tiếp tục tăng cường hợp tác về tư pháp quốc tế, tương trợ tư pháp với các nước để xử lý loại tội phạm sử dụng công nghệ cao có máy chủ đặt ở nước ngoài.
Theo TTXVN
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Một số điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ - ( 31-07-24 11:00 )
- Cảnh báo lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học - ( 08-07-24 05:00 )
- Đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vào nền nếp - ( 04-07-24 01:00 )
- Bộ Công an cảnh báo tội phạm đánh bạc, cá độ mùa EURO 2024 - ( 21-06-24 02:00 )
- Kho 858 phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2024 - ( 18-06-24 09:00 )