Lữ đoàn 161, Vùng 3: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật

HQVN -

Lữ đoàn 161 là một trong những lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Vùng 3 Hải quân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, những năm qua Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã có các giải pháp toàn diện, đồng bộ, trong đó chú trọng bảo đảm kỹ thuật cho những con tàu thực làm vụ trên biển.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Văn Dương, Chủ nhiệm Kỹ thuật, Lữ đoàn 161 cho biết: “Lữ đoàn luôn thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên; bám sát sự chỉ đạo của cơ quan kỹ thuật Quân chủng và Vùng để xây dựng kế hoạch công tác kỹ thuật hàng năm sát với tình hình thực tế. Chúng tôi phát huy tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó lấy ngành kỹ thuật là trung tâm phối hợp, điều hành công tác kỹ thuật. Cơ quan kỹ thuật thường xuyên chỉ đạo từ các ban, trợ lý kỹ thuật Hải đội đến cán bộ, nhân viên kỹ thuật trên từng tàu chấp hành nghiêm Điều lệ Công tác kỹ thuật, hướng dẫn thực hiện công tác kỹ thuật”.

Thủ trưởng Cục Kỹ thuật Hải quân kiểm tra công tác bảo đảm kỹ thuật của Tàu 863, Lữ đoàn 161

Đảng ủy, Lữ đoàn 161 luôn coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, yêu ngành, yêu nghề. Lữ đoàn lấy đội ngũ QNCN và hạ sĩ quan chiến sĩ làm nòng cốt cho công tác bảo quản, bảo dưỡng VKTBKT trên các tàu; sắp xếp, đúng người, đúng vị trí, chức năng công tác và đúng trình độ chuyên môn để phát huy cao nhất năng lực, sở trường của mỗi người. Cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm động viên và khuyến khích quân nhân tự giác học tập nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Mặt khác, Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn chủ động xây dựng hệ thống quy trình bảo quản, bảo dưỡng đối với mỗi trang bị được biên chế trên tàu; biên dịch tài liệu phục vụ quá trình huấn luyện và bảo quản, sửa chữa VKTBKT; kết hợp khai thác hiệu quả các nguồn vật tư, phụ tùng trên cấp với chủ động tìm kiếm những vật tư thay thế tương đương để nâng cao chất lượng công tác bảo quản, kiểm sửa. Công tác bảo quản, sửa chữa, đồng bộ VKTBKT được phối hợp chặt chẽ với hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới và phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong toàn Lữ đoàn. Hàng năm từ các cơ quan, đơn vị đã có hàng chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật các cấp phục vụ cho hoạt động bảo đảm kỹ thuật. Tiêu biểu như sáng kiến: Mô hình hệ thống Robot PlutoPlus và hướng dẫn vận hành thao tác hệ thống; nghiên cứu, thay thế các bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn Led của hệ thống chiếu sáng trên tàu; thiết kế, chế tạo bộ chuyển đổi nguồn điện một chiều cho các trang bị hàng hải...

Chia sẻ về mô hình hệ thống Robot PlutoPlus và hướng dẫn vận hành thao tác trên hệ thống, Đại úy Lương Hoàng Bản, Trưởng ngành Súng-pháo Tàu 852 cho biết: Sáng kiến của tôi ra đời giúp cán bộ, chiến sĩ nắm được tính năng kỹ, chiến thuật của trang bị Robot trên tàu mà không cần phải thao tác trên trang bị thật, không ảnh hướng đến tuổi thọ của trang bị thật. Mô hình có đầy đủ tính năng kỹ thuật của hệ thống Robot thật”.

Để bảo đảm tốt công tác kỹ thuật cho các tàu sẵn sàng rời bến thực hiện nhiệm vụ, Lữ đoàn chú trọng bảo đảm tốt trang bị, vật tư, phụ tùng cho từng tàu. Phòng Kỹ thuật chỉ đạo Ban Vật tư rà soát, kiểm tra số lượng vật tư, phụ tùng, bổ sung những vật tư dự phòng thiết yếu. Phòng tập trung những đồng chí có tay nghề, trình độ chuyên môn cao của các tàu để thành lập các tổ sửa chữa cơ động như: Tổ sửa chữa cơ động ngành tàu, ngành vũ khí, ngành khí tài điện tử... sẵn sàng khắc phục, sửa chữa hỏng hóc xảy ra trên biển giúp quá trình thực hiện nhiệm vụ của các tàu diễn ra liên tục, không phải về bến sửa chữa, hạn chế được chi phí phát sinh.

Việc thực hiện có hiệu quả ngày kỹ thuật tuần, tháng, quý được Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn coi là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Xác định quá trình bảo quản, sửa chữa, chuẩn bị máy móc khi tàu tại bến là rất quan trọng và thực hiện dễ dàng hơn nhiều so với thực hiện trên biển nên các tàu luôn chú trọng tới công tác bảo quản dự phòng, kiểm sửa định kỳ khi tàu đậu tại cảng, mà trọng tâm là ngày kỹ thuật.

Trung úy Cao Thiên Quân, Trưởng ngành 5, Tàu 863 cho biết: “Để thực hiện có hiệu quả ngày kỹ thuật thì trước hết người trưởng ngành phải lập kế hoạch cụ thể, chi tiết, xác định nội dung công việc của ngày kỹ thuật. Đầu giờ tôi giao nhiệm vụ cho từng bộ phận, cuối ngày kiểm tra tiến độ công việc, chỉ rõ những hạn chế của từng bộ phận và phương án khắc phục những lỗi đó trong những ngày tiếp theo. Nhờ vậy, ngày kỹ thuật đã giúp cho VKTBKT luôn ở trong tình trạng tốt nhất. Các tàu sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh".

Bài, ảnh: Quang Minh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn