Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến-Lời hịch non sông
HQVN -
Cách đây 74 năm, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi của Bác như lời hịch non sông, thúc giục lòng người ra trận. Nhân dân Việt Nam muôn người như một bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ nước nhà. Tuy nhiên, chính quyền cách mạng non trẻ ngay lập tức phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, cả thù trong và giặc ngoài. Giặc ngoại xâm bủa vây tứ bề. Giặc đói, giặc dốt hoành hành. Vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Phát lệnh toàn quốc khác chiến tại các của ngõ Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tư liệu
Ở miền Bắc, từ vĩ tuyến 16 trở ra, núp bóng quân Đồng minh giải giáp quân Nhật, gần 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch ồ ạt kéo vào, ráo riết thực hiện âm mưu tiêu diệt Đảng ta và chính quyền cách mạng, lập chính quyền phản động tay sai. Ở miền Nam, được quân Anh giúp sức, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở rộng vùng chiếm đóng, thực hiện dã tâm xâm lược nước ta lần thứ hai. Các tổ chức phản động ở cả hai miền Nam-Bắc cũng ra sức quấy nhiễu, cướp của, giết người, chống phá sự nghiệp cách mạng...
Nạn đói ở miền Bắc do Nhật, Pháp gây ra năm 1944-1945 không chỉ cướp đi sinh mạng của 2 triệu người dân Việt Nam mà còn để lại hậu quả vô cùng nặng nề, khó khắc phục. Ruộng đất bị bỏ hoang, làng mạc xơ xác tiêu điều. Nhà máy, xí nghiệp bị tàn phá, sản xuất đình trệ. Ngân khố quốc gia cạn kiệt, hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng vọt, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Cả nước có đến 95% dân số mù chữ cùng với đó là các tệ nạn xã hội và hủ tục do chế độ cũ để lại chưa được dẹp bỏ...
Trong tình thế cách mạng hiểm nghèo, Đảng ta và Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã sáng suốt vạch ra đường lối đấu tranh bảo vệ chính quyền và nền tự do, độc lập mới giành được. Chủ tịch Hồ Chí Minh khôn khéo tìm mọi cách nhân nhượng với Pháp để cứu vãn hòa bình và đích thân Người lên đường sang Pháp đàm phán. Hiệp định sơ bộ Việt-Pháp (3-1946) rồi Tạm ước Việt-Pháp (9-1946) được ký kết đã đuổi được quân Tưởng Giới Thạch ra khỏi miền Bắc nước ta.
Tuy nhiên, nỗ lực và thiện chí của Chính phủ ta vẫn không đạt được do thực dân Pháp quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không chỉ mở rộng chiếm đóng ở miền Nam, Pháp còn gây hấn, nổ súng tấn công ra nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc, tàn sát đồng bào ta. Đỉnh điểm là ngày 19-12-1946, tướng Pháp Molière trắng trợn gửi tối hậu thư cho Chính phủ lâm thời đòi tước vũ khí và kiểm soát Hà Nội, tuyên bố nếu yêu cầu không được đáp ứng thì chậm nhất sáng 20-12-1946 quân Pháp sẽ hành động.
Các chiến sỹ Vệ quốc quân và nhân dân Thủ đô chiến đấu giữ từng căn nhà, góc phố trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập khẩn cấp Ban Thường vụ Trung ương Đảng, bí mật họp tại làng Vạn Phúc, Hà Đông, thông qua quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đêm 19-12-1946, Người thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ lâm thời, ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngày 20-12-1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”.
Chỉ dài khoảng 200 từ nhưng bằng văn phong giản dị, súc tích, hùng hồn, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời hịch non sông, là hiệu lệnh cứu nước trong thời khắc Tổ quốc lâm nguy. Một quyết định lịch sử, đúng đắn và kịp thời của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh không thể nhân nhượng thực dân Pháp được nữa, vì nhân nhượng là mất nước. Chính phủ cách mạng lâm thời cũng không thể chần chừ, vì chần chừ sẽ bị địch tấn công tiêu diệt. Dân tộc ta không còn lựa chọn nào khác là buộc phải đứng lên kháng chiến chống quân xâm lược.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã khái quát một cách cô đọng đường lối kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lấy ít địch nhiều, từ đánh nhỏ tiến lên đánh lớn, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, giành thắng lợi từng phần đến thắng lợi hoàn toàn. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện một niềm tin mãnh liệt, tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân, tin vào thắng lợi tất yếu: “Dù phải gian lao kháng chiến nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định thuộc về dân tộc ta...”.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đoàn kết, chung sức đồng lòng, đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để bước vào cuộc trường chinh đầy gian khổ nhưng hết sức vinh quang. Đó là 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi oanh liệt, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Tiếp theo là 21 năm ròng chống Mỹ cứu nước, kết thúc bằng Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, cả nước thống nhất, vững bước đi lên trên con đường độc lập dân tộc và CNXH...
Hơn 7 thập kỷ trôi qua nhưng tinh thần của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vẫn còn vang vọng, như hồn thiêng sông núi Việt Nam, thôi thúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thịnh vượng, hùng cường, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Kao Dân
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Chương trình “Hướng về biển, đảo Tổ quốc” tại Vùng 3 Hải quân - ( 22-12-24 03:00 )
- Quân đội anh hùng, trung - hiếu sắt son - ( 22-12-24 12:00 )
- Quán triệt quan điểm của Đảng, xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại - ( 22-12-24 08:00 )
- Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm trang sử hào hùng - ( 22-12-24 08:00 )
- Phát huy truyền thống anh hùng, sự nghiệp vẻ vang, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - ( 22-12-24 08:00 )