Linh hoạt tạo quỹ để phát triển phong trào Hội

HQVN -

Sau buổi làm việc với lãnh đạo, chỉ huy của Lữ đoàn 161, Vùng 3 Hải quân, chúng tôi đề xuất ý định tìm hiểu về hoạt động của Hội phụ nữ đơn vị. Trung úy QNCN Lê Thị Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở cùng chúng tôi xuống bếp ăn của đơn vị. Trên đường đi, chị kể cho chúng tôi nghe rất nhiều hoạt động của Hội trong năm vừa qua. Chị cho biết, để có được hoạt động phong phú như vậy thì điều quan trọng nhất là phải tạo được nguồn quỹ dồi dào.

Vừa bước chân vào khu chế biến của nhà bếp, chúng tôi gặp các chị em thuộc Tổ “Căng tin” vừa cười nói rôm rả vừa sơ chế thực phẩm. Gọi là Tổ “Căng tin” nhưng các chị em là những người đang công tác ở các đơn vị hành chính của Lữ đoàn. Đại úy QNCN Lê Thị Hường, Thủ kho quân nhu đang thái thịt quay ra khoe tếu với chúng tôi: “Nhặt cả Hội mới được 5, 6 chị em nấu nướng “chuyên nghiệp” để thành lập tổ này đó chị. Các buổi liên hoan lễ, tết hay liên hoan cá nhân trong đơn vị là chúng em “thầu” tất. Toàn anh em, đồng đội với nhau cả nên giá cả cũng phải chăng. Được bao nhiêu là góp hết vào quỹ Hội”.

Sau một hồi say sưa chuyện trò, bữa ăn liên hoan chào mừng năm mới 2018 nhanh chóng được dọn ra các bàn ăn. Quả đúng như lời chị Hường nói. Vẫn chế độ ăn thường ngày, cộng thêm chút đỉnh bồi dưỡng từ nguồn quỹ của đơn vị nhưng qua bàn tay chế biến khéo léo của các chị bữa ăn thịnh soạn hơn hẳn. Trên mâm có tới 6,7 món, nào gà rang muối, tôm chiên trứng mặn, rồi cá sốt... Chị Hường chia sẻ thêm: Nắm bắt nhu cầu của anh em, tranh thủ trước giờ làm việc hàng ngày, các chị còn tổ chức bán trà, cà phê. Mỗi năm, hoạt động của Tổ “Căng tin” đã đem lại cho quỹ Hội từ 10-12 triệu đồng.

Hội viên Hội phụ nữ Lữ đoàn 161 thêu tranh làm quà tặng

Trong lúc bộ đội thưởng thức bữa ăn trưa đầu năm do chị em Tổ Căng tin đảm nhiệm, chúng tôi được Lê Thị Thanh Vân dẫn qua thăm Tổ chị em làm quà tặng. Các chị đang cùng nhau thêu một bức tranh lớn. Đây là đơn đặt hàng của một đồng chí trong đơn vị làm quà tặng tân gia đồng đội. Đại úy QNCN Trần Thị Tịnh đã gắn bó với đơn vị nhiều năm cho biết: Thêu, đính tranh là một công việc không khó lắm, chỉ cần tỉ mỉ. Vì thế, từ năm 2012, một số chị em nhà xa, buổi trưa ở lại đơn vị đã cùng nhau nhận thêm việc này để có thêm tiền góp vào quỹ Hội. Đồng thời, đây cũng là dịp để chị em tâm sự, sẻ chia những khó khăn và kinh nghiệm trong “giữ lửa” hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con.

Được biết, Hội phụ nữ cơ sở Lữ đoàn còn phát động phong trào nuôi heo đất thu hút sự tham gia của 100% hội viên. Theo đó, mỗi hội viên mỗi ngày sẽ tiết kiệm ít nhất 5 nghìn đồng. Đến cuối năm, tất cả cùng nhau mổ lợn để thi xem ai “nuôi lợn” giỏi nhất. Ngoài ra, hàng tuần, các chị trong Hội thay phiên nhau thu gom giấy, báo cũ, chai lọ… trong các phòng, ban, các tàu, bãi biển vừa giúp giữ gìn cảnh quan môi trường đơn vị vừa có thể bán lấy tiền góp quỹ.

Theo số liệu tổng kết, mỗi năm từ các hoạt động trên chị em đã đóng góp cho quỹ Hội được hơn 30 triệu đồng. Con số này tuy chưa phải lớn nhưng với một hội phụ nữ cơ sở chỉ có hơn 20 cán bộ, hội viên thì đó là sự nỗ lực rất lớn. Nhờ đó, Hội thường xuyên tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa cho chị em như: Tặng quà, thăm chị em những dịp lễ, tết, ốm đau, gia đình có việc hiếu hỷ; tổ chức tham quan, giao lưu, liên hoan văn nghệ, thể thao… Các phong trào của phụ nữ ở Lữ đoàn cũng được đẩy mạnh và nâng lên rõ rệt.

Chị Lê Thị Thanh Vân, Phó chủ tịch Hội cho biết thêm, Nghị quyết Đại hội Hội phụ nữ Lữ đoàn 161 xác định 1 trong 3 nội dung đột phá của nhiệm kỳ 2016-2021 là “Nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động phong trào”. Mặc dù số lượng hội viên giảm nhiều do Hội mới chia tách nhưng Hội vẫn cố gắng duy trì, linh hoạt hơn các hoạt động gây quỹ để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên.

Bài, ảnh: Phúc Vinh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn