Lê-nin - Người thầy lý luận cách mạng và đạo đức cộng sản
Đại tá, PGS, TS Lê Huy Bình, Học viện Chính trị
HQVN -
Suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng Nga và cách mạng vô sản thế giới, Lê-nin đã để lại hàng nghìn tác phẩm lý luận cách mạng và nêu tấm gương đạo đức cộng sản trong sáng, mẫu mực.
Lý luận soi sáng con đường giải phóng dân tộc
Tháng 7-1920, sau gần 10 năm tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê-nin.
Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin” và trả lời phỏng vấn báo L`Humanité, Người nêu rõ: Luận cương của Lê-nin đã làm tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta.
Lãnh tụ V.I.Lê-nin. Ảnh: Tư liệu
Lê-nin là người kế tục xuất sắc sự nghiệp của Mác và Ăng-ghen và đã đưa CNXH khoa học phát triển từ lí luận trở thành hiện thực. Tên tuổi của Lê-nin gắn liền với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, mở ra thời đại mới trong lịch sử loài người và con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa, thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH.
Năm 1927, Hồ Chí Minh viết trong “Đường cách mệnh”: Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin. Người tích cực hoạt động trong phong trào công nhân và giải phóng dân tộc, ra sức nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin và kinh nghiệm các cuộc cách mạng trên thế giới, nhất là Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 do Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga lãnh đạo.
Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa Mác - Lê-nin là cái cẩm nang thần kì vì nó chứa đựng lập trường, quan điểm và phương pháp khoa học. Ngày 15-7-1969, trả lời phỏng vấn báo L`Humanité, Người khẳng định: Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lê-nin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn.
Tấm gương đạo đức cộng sản vĩ đại
Lê-nin không chỉ là người thầy lý luận cách mạng, lãnh tụ thiên tài của cách mạng vô sản thế giới, mà còn là người thầy về giáo dục đạo đức cộng sản, đồng thời tự mình nêu tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng mẫu mực, trong sáng của giai cấp công nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Lê-nin là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc, và là người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lí luận cách mạng khoa học nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất.
Hồ Chí Minh luôn nghiên cứu, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức cộng sản của Lê-nin. Người nêu rõ: Nếu giai cấp vô sản phương Tây coi Lê-nin là một thủ lĩnh, một lãnh tụ, một người thầy thì các dân tộc phương Đông lại coi Lê-nin là một con người vĩ đại hơn nữa, cao quý hơn nữa… Không phải chỉ thiên tài, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc Châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về người không gì ngăn cản nổi.
Khi giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh căn dặn: Mọi người phải phải thấm nhuần và học tập, làm theo những chỉ dẫn của Lê-nin. Lê-nin dạy chúng ta phải ra sức chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Dù vô tình hay cố ý, duy trì ba bệnh ấy tức là giúp sức cho kẻ địch và làm hại cho nhân dân, cho Chính phủ, cho Đảng. Lê-nin dạy chúng ta khiêm tốn, trong sạch và chính trực, thật thà tự phê bình và phê bình để đoàn kết chặt chẽ và tiến bộ.
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin sống mãi cùng thời đại
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin ra đời từ giữa thế kỷ XIX, trong điều kiện những mâu thuẫn của CNTB trở thành gay gắt, phơi bày tất cả bản chất giai cấp của nó. Mác và Ăng-ghen đã kế thừa những thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước. Các ông phát hiện ra tính quy luật trong sự vận động của xã hội loài người, trong đó nhân tố quyết định là mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
Đó chính là cơ sở để các ông dự báo về sự phát triển tất yếu của loài người sẽ tiến tới CNCS qua giai đoạn quá độ CNXH. Các ông phát triển CNXH từ không tưởng trở thành khoa học khi nhìn nhận nó từ quy luật vận động của lịch sử, từ cơ sở xã hội, các yếu tố kinh tế, vật chất vốn đã được hình thành trong lòng xã hội tư bản. Sau đó, Lê-nin bổ sung, phát triển những tư tưởng của Mác và Ăng-ghen vào thời kì cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trong điều kiện CNTB đã chuyển sang giai đoạn đế quốc.
Những người khai sinh ra chủ nghĩa Mác - Lê-nin chưa bao giờ đưa ra một mệnh đề nào muốn quy các luận điểm trong học thuyết của mình về cách mạng xã hội, về CNXH tương lai thành những tín điều siêu hình, cứng nhắc. Như Ăng-ghen đã quan niệm: CNXH trở thành khoa học mà ngày nay, vấn đề trước hết là phải nghiên cứu thêm, trong mọi chi tiết và mối liên hệ của nó.
Bản thân chủ nghĩa Mác - Lê-nin không lỗi thời, mà chính những người cố tình phủ nhận nó mới là sai lầm, hoặc lảng tránh bản chất khoa học của nó. Sự lỗi thời nếu có chẳng qua là do chưa nghiên cứu đầy đủ thấu đáo, chưa vận dụng đúng đắn vào thực tiễn xây dựng CNXH mà thôi.
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn sống mãi cùng thời đại, vẫn là ngọn đuốc soi đường cho chúng ta hôm nay và mai sau. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà XHCN Việt Nam), đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, xoá bỏ chế độ thực dân, phong kiến, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc.
Bởi vậy, chúng ta “Kỷ niệm đồng chí Lê-nin, thương nhớ đồng chí Lê-nin thì càng phải học tập và thực hành chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đó là con đường duy nhất cho chúng ta đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công” (Hồ Chí Minh).
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 126: Hội thi cán bộ đại đội và các chức danh tương đương - ( 26-11-24 02:00 )
- Hội đồng thi đua - khen thưởng Quân chủng tổng kết phong trào thi đua quyết thắng năm 2024 - ( 25-11-24 02:00 )
- Khai mạc tập huấn kỹ thuật cho học viên Cam-pu-chia - ( 25-11-24 09:00 )
- Hợp tác để tự chủ đảm bảo kỹ thuật - ( 24-11-24 10:00 )
- Lữ đoàn 169 tập huấn hàn, cắt, gia công cơ khí - ( 23-11-24 01:00 )