Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân giáo dục lòng yêu nước
HQVN -
Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân - Xuân Bính Thân năm 2016 dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày 15, 16, 17-3 (tức ngày 7, 8, 9 tháng 2 năm Bính Thân) tại quần thể khu di tích Nữ tướng Lê Cn bao gồm: Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, đền Nghè, đình An Biên.
Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động phần lễ như: lễ cáo yết, dâng hương, lễ tạ, tế nữ quan và phần hội với nhiều hoạt động phong phú: chương trình chợ quê, cờ người; diễn xướng chầu văn, hát chèo cổ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc; lân sư, trống hội, võ dân tộc, các trò chơi dân gian…
Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân đã trở thành lễ hội thường niên của thành phố Cảng, được tổ chức trang trọng với những nghi lễ truyền thống tạo nên nét đẹp trong lễ hội văn hóa tâm linh của nhân dân trên địa bàn quận Lê Chân và thành phố. Lễ hội đã góp phần quảng bá các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn; ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, dâng hương, tham dự các hoạt động lễ hội.
Lần về lịch sử và theo nhiều tài liệu của các nhà nghiên cứu, Nữ tướng Lê Chân vốn là người An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn (nay là xã An Thủy, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Bà xuất thân trong một gia đình nền nếp chuyên nghề dạy học và chữa bệnh giúp dân, cha là Lê Đạo, mẹ là Trần Thị Châu. Sinh thời, Lê Chân nổi tiếng xinh đẹp, thông minh, giỏi võ nghệ và có chí hơn người. Thái thú Tô Định nghe danh, đòi lấy làm tỳ thiếp. Ông bà Lê Đạo kiên quyết khước từ, Lê Chân cùng với người nhà đã lánh về vùng ven biển thuộc huyện An Dương. Thái thú Tô Định tức giận đã hãm hại cha bà.
Nuôi chí lớn, Lê Chân đã cùng với người nhà, người làng khai khẩn vùng đất ven biển An Dương, lập nên một làng quê mới trù phú. Nhớ quê cha đất tổ, bà đã lấy tên làng quê cũ An Biên đặt cho làng quê mới. Trong 10 năm, bà đã ra sức tích lũy lương thảo, luyện tập nghĩa binh, liên kết hào kiệt khắp nơi, chờ thời cơ trả thù nhà, đền nợ nước.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân năm 2016
Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, đánh đuổi quân Đông Hán. Nhân dân khắp nơi sôi nổi hưởng ứng. Từ căn cứ An Biên, Lê Chân cùng với đội nghĩa binh của mình nhanh chóng gia nhập vào đội quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Trong thời gian ngắn, cuộc khởi nghĩa đã thu được thắng lợi vang dội. Nhờ công lao đóng góp to lớn, Lê Chân được Hai Bà Trưng phong chức “Chưởng quản binh quyền” kiêm Trấn thủ Hải Tần. Phụng mệnh, Nữ tướng Lê Chân quay về vùng An Biên, tiếp tục xây dựng lực lượng, đào hào, đắp lũy, trấn giữ vùng trọng yếu phía Đông Tổ quốc.
Trong tâm thức mỗi người dân đất Cảng, lễ hội đền Nghè và đình An Biên xưa là hai lễ hội lớn của cộng đồng cư dân ven biển Hải Phòng. Hằng năm, cứ đến mùa xuân là người người, nhà nhà nô nức chờ đón lễ hội tưởng niệm Nữ tướng Lê Chân vào ngày sinh của Bà. Hội diễn ra tưng bừng từ ngày 8 đến 10-2 âm lịch. Trong 3 ngày đó, dù là ai, ở đâu và làm bất cứ việc gì cũng đều sắp xếp thời gian để được đến đền, qua đình thắp nén hương thơm dâng lên Thánh Mẫu Lê Chân và cầu mong một năm mới suôn sẻ, mọi việc may mắn, tốt lành. Đó là những hành động đẹp, những biểu hiện mang tính chất văn hóa đặc trưng của người dân miền biển Hải Phòng.
Điểm nhấn trong lễ hội đền Nghè và đình An Biên là đám rước. Đám rước kéo dài cả cây số từ đền đến đình. Trong suốt đoạn đường ấy, âm nhạc được ngân lên réo rắt, mọi người đi lại nghiêm trang, thành kính, tỏ lòng biết ơn vị Thành hoàng của đất Cảng. Đám rước về tới đình thì dừng lại. Long ngai, mũ ấn và các đồ tế khí được đưa vào trong đình ngự ở đó suốt ba ngày. Mỗi ngày người ta làm lễ tế hai lần.
Theo truyền thống, lễ vật dâng lên Thánh Mẫu Lê Chân ngoài hương hoa, xôi quả, còn có thịt lợn làm sạch, bỏ lòng gan đem tế sống. Sau đó, thịt này sẽ được chia đều cho dân làng. Ngoài ra, lễ vật dâng lên Nữ tướng Lê Chân còn có bánh giày, gà, ngan, sò, ốc, cua bể và bún. Đây là những món ăn không thể thiếu khi dâng lên Thánh Mẫu. Tương truyền, đó là những món ăn mà sinh thời bà Lê Chân ưa thích.
Sau đám rước là lễ tế gợi nhắc công ơn của Nữ tướng Lê Chân đối với dân tộc và đối với thành phố Hải Phòng. Trong lễ tế này, các sắc phong của các triều đại dành cho bà cũng được đọc lên trước sự thành kính của dân làng.
Việc tổ chức thành công lễ hội không chỉ đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân địa phương, qua đó góp phần ôn lại truyền thống, giáo dục con cháu lòng yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tự hào dân tộc.
Bài, ảnh: PV
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Tuổi trẻ Lữ đoàn 147: Tọa đàm “Vững bước dưới quân kỳ quyết thắng” - ( 11-12-24 11:00 )
- Khi gió mùa về... - ( 07-12-24 01:00 )
- Mùa khoai trong ký ức - ( 05-12-24 02:00 )
- Quân chủng Hải quân tích cực hưởng ứng cuộc thi “80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng, chiến đấu và trưởng thành” - ( 04-12-24 04:00 )
- Đoàn cơ sở Lữ đoàn 957: Diễn đàn điểm “80 năm Vinh quang hào hùng – Tiếp bước cha anh” - ( 04-12-24 01:00 )