Lễ hội thề không tham nhũng
Đó là nét độc đáo ở Lễ hội minh thề (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng). Những lời thề có ý nghĩa sâu sắc từ lễ hội này vẫn phát huy tác dụng trong cuộc sống hôm nay, nhất là trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Lễ hội minh thề được coi là nghi thức “độc nhất vô nhị” về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Lễ hội thường được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm tại Khu di tích lịch sử văn hóa đền - chùa Hòa Liễu (thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên). Theo các cụ cao niên ở Kiến Thụy kể lại thì Lễ hội minh thề có nguồn gốc từ giữa thế kỷ XVI, vào thời nhà Mạc. Khi đó, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (vợ của Thái Tổ Mạc Đăng Dung) đến ấp Lan Niểu (Hòa Liễu ngày nay) bỏ tiền của, đứng ra vận động nhân dân tu tạo lại chùa Hòa Liễu, rồi cùng dân làng lập ra hịch văn Hội minh thề (năm 1561). Trong đó quy định những điều được làm, phải làm và những điều không được làm cho tất cả thành phần từ hương chức đến dân thôn.
Tại lễ hội, người dân và du khách được chứng kiến nhiều hoạt động tế lễ, nổi bật là chủ tế dùng dao vẽ một vòng tròn lớn giữa đài thề. Đại diện tư văn đọc hịch văn, trong đó nêu rõ: “Nếu lấy của công làm việc công thì được các thần linh ủng hộ. Nhược bằng có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu các chư vị thần linh đả tử! Y như lời thề...”. Sau đó, chủ tế dùng dao cắt tiết gà vào bình rượu, mời mọi người cùng uống rượu thề.
Thề không tham nhũng trong Lễ hội minh thề
Hịch văn Hội minh thề gắn liền những quy phạm đời thường với các yếu tố tâm linh. Do đó, lễ hội mang giá trị lớn lao về đạo đức, lối sống, phép tắc ứng xử trong cộng đồng. Đồng thời mang đậm tính thời sự, răn dạy về xây dựng trật tự, kỷ cương, tinh thần thượng tôn pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lãng phí cho các thế hệ.
Gần 5 thế kỷ trôi qua, các quy phạm trong hịch văn Hội minh thề vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, việc “... lấy của công làm của tư” đã có các quy định khá chặt chẽ để xử lý, từ những quy định của Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội đến các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư... Thế nhưng trên thực tế, điều này vẫn diễn ra. Từ đó đòi hỏi phải thay đổi cách phòng ngừa, ứng xử, xử lý về tội tham nhũng, trong đó cần coi trọng hơn việc tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật đặc thù để không ai dám tham nhũng.
Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, kinh nghiệm quốc tế cũng như những bài học rút ra từ thực tiễn của nước ta đều cho thấy phải thiết lập bằng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả để “không dám tham nhũng” và cơ chế bảo đảm, đãi ngộ hợp lý để “không cần, không muốn tham nhũng”. Muốn thiết lập được các cơ chế đó thì việc trước hết phải làm là xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Những chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng phải được thể chế hóa thành pháp luật. Các quy định của pháp luật phải được rà soát, tổng kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung để ngày càng hoàn thiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, bịt kín những khoảng trống, kẽ hở dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Chính vì vậy mà việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật luôn là nội dung trọng tâm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng.
Tham nhũng có thể diễn ra ở tất cả lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, vì vậy không chỉ dừng lại ở việc rà soát hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng mà phải xem xét toàn diện chính sách, pháp luật trên tất cả lĩnh vực, nhất là những ngành, lĩnh vực, những khâu nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng. Mặt khác, chính công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nếu không làm tốt, có sơ hở thì cũng dễ tạo điều kiện, làm nảy sinh tham nhũng.
Lời thề không tham nhũng trong Lễ hội minh thề có thể gợi ý cho những nhà làm luật hôm nay về quy định đọc lời thề, lời tuyên thệ trong lễ nhậm chức. Nên chăng, cần có quy định bắt buộc một số chức danh khi được bầu, được phê chuẩn, được bổ nhiệm phải thề hoặc tuyên thệ không tham nhũng. Sau lời tuyên thệ là chương trình hành động. Đây cũng là cơ sở để quần chúng nhân dân giám sát và nếu hành động trái với lời tuyên thệ thì cán bộ đó phải bị xử lý kỷ luật.
Trở lại với Lễ hội minh thề đầu xuân, đông đảo người dân Kiến Thụy mong muốn lễ hội độc đáo này được nâng cấp lên tầm quốc gia. Khuyến khích cán bộ đến đây thề không tham nhũng-một cam kết công khai, minh bạch và thiêng liêng để giữ mình, không sa vào tội lỗi. Mặt khác, cần phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội, sự giám sát của nhân dân...
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Khi gió mùa về... - ( 07-12-24 01:00 )
- Mùa khoai trong ký ức - ( 05-12-24 02:00 )
- Quân chủng Hải quân tích cực hưởng ứng cuộc thi “80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng, chiến đấu và trưởng thành” - ( 04-12-24 04:00 )
- Đoàn cơ sở Lữ đoàn 957: Diễn đàn điểm “80 năm Vinh quang hào hùng – Tiếp bước cha anh” - ( 04-12-24 01:00 )
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng Quân chủng Hải quân năm 2024 khu vực II - ( 04-12-24 08:00 )