Lá cờ cách mạng tung bay trên Thành nội Huế
HQ Online -
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra cách đây tròn nửa thế kỷ. Có rất nhiều bài viết về sự kiện này của các cựu chiến binh (CCB) từng một thời trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu. Một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Mặt trận Huế mà nhiều CCB đề cập đến trong bài viết của mình là việc đánh chiếm kỳ đài và treo lá cờ Mặt trận tại Thành nội Huế.
Thành nội Huế nằm về phía Bắc sông Hương. Ngọ Môn “năm cửa, chín lầu” được xây dựng rất kiên cố, đi vào Đại nội; còn Phu Văn Lâu là một tòa lầu hai tầng. Kỳ đài được xây dựng như một pháo đài kiên cố bằng bê tông cốt thép, cao 3 tầng, trong đó có một tiểu đội lính đóng quân, có nhiệm bảo vệ cột cờ và quan sát cả một vùng xung quanh Huế. Kỳ đài nằm ở giữa Thành nội Huế, Ngọ Môn nằm ở phía Bắc, Phu Văn Lâu nằm ở phía Nam và đều nằm trên trục hoàng đạo của Thành nội Huế theo hướng Bắc-Nam.
Ngọ Môn và Phu Văn Lâu không có cột cờ, chỉ có kỳ đài mới có nên các tác phẩm viết về sự kiện cờ Mặt trận treo trên kỳ đài Thành nội Huế là chính xác.
Đánh chiếm cột cờ Đại nội là một mục tiêu, một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Ban chỉ huy Trung đoàn 6 (Quân khu Trị Thiên) giao cho Đại đội 4, Trung đoàn 2. Cán bộ, chiến sĩ đại đội thấy rõ ý nghĩa đặc biệt của nhiệm vụ này, tập trung huấn luyện về kỹ thuật, xác định tư tưởng, xây dựng quyết tâm chiến đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh mở màn cho trung đoàn, cho Mặt trận Huế.
Du kích huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) bắn rơi máy bay Mỹ trong
Theo CCB Nguyễn Đức Thuận (một trong 3 chiến sĩ nhận nhiệm vụ treo cờ cách mạng trên kỳ đài Huế), khoảng 5 giờ sáng 31-1-1968, mũi 2 của Đại đội 4 gồm 4 đồng chí do đồng chí Bùi Văn Các chỉ huy đã đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn kỳ đài. Sau đó, anh em vừa chiến đấu, giữ kỳ đài, vừa tìm cách hạ cờ của ngụy xuống. Lúc này, cờ Mặt trận chưa có bởi các chiến sĩ của ta đánh vào các vị trí của Thành nội theo phương thức tác chiến mật tập, chỉ mang theo cơ số vũ khí gọn nhẹ, dễ vượt chướng ngại vật nên không thể mang theo bất cứ vật gì cồng kềnh, ảnh hưởng đến chiến đấu. Khi đó, việc mang lá cờ được giao cho bộ phận cơ quan Sở chỉ huy Trung đoàn 6.
Thực hiện chính sách đại đoàn kết, căn cứ tình hình thực tế của cách mạng trong từng thời kỳ, nhằm tranh thủ, đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, nhất là ở các đô thị và chuẩn bị cho giải pháp chính trị khi đã giải phóng thành phố, Đảng ta chủ trương thành lập và chỉ đạo một lực lượng mới, đó là Liên minh các Lực lượng dân chủ và hòa bình, có lá cờ riêng (giữa là nền đỏ, sao vàng, hai bên màu xanh) để treo trên kỳ đài Huế trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Nhận nhiệm vụ trên, Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên giao Thành ủy Huế bí mật, khẩn trương triển khai may lá cờ này. Thành ủy Huế giao cho huyện Hương Trà đảm nhiệm. Vậy là vải màu đỏ, xanh, vàng may lá cờ được các cơ sở của ta ở trong TP Huế bí mật chuyển lên hậu cứ để may lá cờ rộng 96m2. Một trong những người tham gia may lá cờ đó là cô Thuý Mai. Lá cờ may xong được Quân khu Trị Thiên và Chỉ huy chiến dịch Mặt trận Huế giao cho Trung đoàn 6, đơn vị có trọng trách nặng nề, nhưng cũng rất vinh dự là đánh vào Thành nội Huế. Đảng ủy, Ban chỉ huy Trung đoàn 6 giao đồng chí Cao Sen, trợ lý bảo vệ, một cán bộ trung thành, tin cậy của trung đoàn đi cùng Sở chỉ huy tiền phương của trung đoàn đánh vào cửa Chánh Tây. Tôi khi đó là phóng viên Báo Quân giải phóng Trị Thiên, có may mắn cùng đi với đồng chí Cao Sen từ lúc xuất phát tại cửa rừng cho đến lúc quân ta đánh chiếm và làm chủ cửa Chánh Tây.
Khoảng 9 giờ ngày 31-1-1968, tôi đang ở cửa Chánh Tây khai thác tư liệu từ một số tù, hàng binh, trong đó có Trung tá Khương, thì nhận được tin bộ đội ta chuẩn bị kéo cờ cách mạng tại kỳ đài Huế. Tôi cùng đồng chí liên lạc men theo bờ thành, chạy lên đến kỳ đài thì gặp anh Nghiêm Sĩ Thái, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Trị Thiên. Hai chúng tôi mừng quá, không nói nên lời, nhất là trong thời khắc lịch sử khi lá cờ của Liên minh các Lực lượng dân chủ và hòa bình tung bay trên bầu trời thành phố Huế. Lúc đó là khoảng 10 giờ ngày 31-1-1968.
Kể từ ngày 23-8-1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công ở Huế, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên kỳ đài Huế, cho đến sáng 31-1-1968 là lần thứ hai lá cờ cách mạng lại phấp phới tung bay, thực sự là niềm tự hào, kiêu hãnh của quân dân Mặt trận Huế, đã chiếm giữ TP Huế suốt 26 ngày đêm "Tiến công-nổi dậy-anh dũng-kiên cường", như lời khen tặng của Bác Hồ.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 169 tập huấn hàn, cắt, gia công cơ khí - ( 23-11-24 01:00 )
- Cục Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân: Công bố quyết định sáp nhập và tổ chức lại các phòng, ban trực thuộc - ( 22-11-24 04:00 )
- Quân chủng Hải quân kiểm tra đơn vị VMTD mẫu mực, tiêu biểu tại Vùng 4 - ( 22-11-24 02:00 )
- Vùng 4 rút kinh nghiệm công tác huấn luyện, đào tạo các đơn vị khối binh chủng hợp thành - ( 22-11-24 08:00 )
- Lữ đoàn 679 bế mạc Hội thi VKTBKT, kho trạm tốt và 4 chuyên ngành hậu cần năm 2024 - ( 21-11-24 06:00 )