Ký ức mùa thu hào hùng nơi cửa biển

HQ Online -

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi đến gặp nhân chứng trực tiếp tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hải Phòng năm 1945. Những thanh niên cứu quốc ngày đó, tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi hăng hái tham gia cách mạng. “Đã 71 năm, nhưng mỗi khi hồi tưởng lại những ngày sục sôi ấy, tôi vẫn thấy đây là quãng thời gian hạnh phúc, đó là bước ngoặt của cuộc đời tôi, của dân tộc tôi”, trung tướng Đặng Kinh, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chia sẻ.

Nhân dân Hải Phòng mít tinh ngày 23-8-1945. Ảnh: TL

Vùng đồng bằng Bắc Bộ thời điểm đó đang bị lụt lớn. Đường 5, đường 10 bị ngập nhiều đoạn, giao thông tắc nghẽn. Sự chỉ đạo của Trung ương xuống Hải Phòng - Kiến An bị đứt liên lạc. Một số cán bộ chủ chốt lãnh đạo phong trào Việt Minh ở Hải Phòng đi dự Hội nghị Tân Trào chưa về kịp. Qua tin tức từ các nơi dội về, quần chúng cách mạng ở Hải Phòng, nhất là các huyện ngoại thành như Kiến Thụy, An Lão, An Dương, Tiên Lãng…càng thêm sôi sục.

Ủy ban dân tộc giải phóng Kim Sơn được tin Nhật đầu hàng đồng minh. Mặc dù đồng chí Mai Côn - người lãnh đạo chủ chốt đang đi dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào, các đồng chí cán bộ ở nhà nhận thấy phải gấp rút hành động nên cấp tốc triệu tập một cuộc họp và quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Kiến Thụy. Ngay đêm 14 rạng ngày 15- 8, các cán bộ “đội” mưa, gió đi phổ biến quyết định khởi nghĩa và huy động quần chúng kéo lên huyện lỵ. Sáng 15-8-1945, đông đảo nhân dân ở các xã, mỗi người mang theo một thứ võ khí kéo đi mít tinh xóa bỏ chính quyền địch, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Kiến Thụy. Trong cuộc mít tinh, Ủy ban cách mạng lâm thời kêu gọi thanh niên gia nhập du kích quân. Hàng trăm người tình nguyện ghi tên vào đội quân cách mạng. Nhiều người không kịp về chia tay gia đình mà ở lại huyện nhận nhiệm vụ bảo vệ nhân dân, bảo vệ chính quyền cách mạng với tất cả lòng tự hào dân tộc.

Tin Việt Minh giành chính quyền thắng lợi ở huyện Kiến Thụy nhanh chóng lan đi làm nức lòng nhân dân. Nắm vững thời cơ có một không hai, các lãnh đạo phong trào Việt Minh ở các huyện đã huy động quần chúng, lấy lực lượng tự vệ làm nòng cốt, giành chính quyền ở địa phương. Chưa đầy một tuần, chính quyền tay sai của bọn đế quốc, phong kiến ở Kiến Thụy, Thủy Nguyên, An Lão, An Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo bị đập tan. Chính quyền cách mạng được thành lập. Riêng huyện An Hải và Cát Bà, quần chúng chưa nổi dậy mà quân địch tự tan rã.

Sau khi Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, Ủy ban khởi nghĩa Hải Phòng quyết định lấy ngày 23-8 làm ngày khởi nghĩa. Trong ngày 22, lệnh khởi nghĩa được ban ra, cả thành phố náo nức chuẩn bị. Khắp phố phường, máy khâu rầm rập máy cờ đỏ sao vàng. Các lực lượng vũ trang được trang bị đầy đủ, sẵn sàng ở các vị trí quan trọng…

Đêm 22-8, cả Hải Phòng không ngủ.

Mờ sáng ngày 23, hàng chục vạn quần chúng vũ trang giương cao cờ đỏ sao vàng như dòng thác lớn đổ về quảng trường nhà hát lớn. Một đại đội tự vệ do Đặng Kinh chỉ huy giành chính quyền ở Kiến An xong đã tiến sang bố trí ở khu vực Niệm Nghĩa bảo vệ đoàn biểu tình của nhân dân các vùng nông thôn kéo vào quảng trường.

Lực lượng vũ trang Chiến khu Trần Hưng Đạo theo hiệp đồng, chia làm 2 cánh tiến về Hải Phòng. Cùng lúc, lực lượng tự vệ khu Lạc Viên cùng đông đảo nhân dân giương cờ đỏ sao vàng tràn vào trại lính khố đỏ. Toàn bộ binh lính trong trại xin nộp vũ khí và tuân theo sự chỉ dẫn của cách mạng.

Đúng 10 giờ, cuộc mít tinh trọng thể khai mạc tại quảng trường Nhà hát lớn. Một lá cờ đỏ sao vàng lớn được kéo lên cùng lúc với loạt súng chào. Đồng chí Vũ Quốc Uy thay mặt Ủy ban khởi nghĩa thành phố tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của phát xít Nhật, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hải Phòng. Nhân dân quần chúng reo hò, hân hoan chào mừng.

Sau mít tinh, hơn mười vạn quần chúng đã xuống đường tuần hành thị uy. Dẫn đầu đoàn tuần hành là các đơn vị vũ trang cách mạng. Lần đầu tiên, người dân Hải Phòng tận mắt nhìn thấy quân giải phóng oai nghiêm, hùng dùng xuất hiện trên đường phố, vừa đi vừa hát vang những bài ca cách mạng. Cùng lúc đó, cán bộ và lực lượng tự vệ tỏa đi tiếp quản trại bảo an binh, tòa thị chính, sở cảnh sát, sở liêm phóng và các công sở trong thành phố. Tiếp quản đến đâu, cờ đỏ kéo lên đến đó.

Ngày 23-8-1945, ngày thắng lợi trọn vẹn của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng- Kiến An trong Cách mạng Tháng Tám đã đi vào lịch sử thành phố như một mốc son chói lọi…Thành công ấy đã góp phần làm tan rã nhanh chóng hệ thống chính quyền thực dân phong kiến ở vùng Đông Bắc Tổ quốc, cùng cả nước vui trọn niềm vui trong ngày độc lập.

Bảo Ngọc

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn