Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển 22/2 (1964-2024)

Lãnh đạo kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ đo đạc, thành lập bản đồ và nghiên cứu biển

*Thượng tá Lê Sĩ Toản, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Đoàn

HQ Online -

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đo đạc, khảo sát địa hình các cửa sông, cửa lạch, bến bãi ven biển, các vị trí đợi cơ của tàu thuyền phục vụ chiến đấu, ngày 22/2/1964, Tư lệnh Hải quân ra Quyết định số 237/HQ-B4 sáp nhập Đội 6 và Đội 8 Đo đạc biển thành Đại đội 6 Đo đạc biển, đơn vị tiền thân của Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, Bộ Tham mưu Hải quân ngày nay.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6 đã trực tiếp thực hiện và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong đó có nhiệm vụ đo đạc khảo sát phục vụ Quân chủng xác định các luồng lạch, xác định vị trí xây dựng các khu trú đậu cho tàu thuyền, quân cảng, căn cứ hải quân, các hang hầm sơ tán cất giấu tàu thuyền… góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước đến nay, trước yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc và xây dựng Quân chủng Hải quân hiện đại, sự phát triển của cơ quan thủy đạc Việt Nam, đơn vị đã phát triển từ Đại đội 6 Đo đạc biển lên Tiểu đoàn 6 Đo đạc hàng hải và biên vẽ hải đồ, nay là Đoàn Đo đạc, biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển.

Thủ trưởng Đoàn giao nhiệm vụ cho chỉ huy các tàu trước khi đi biển. Ảnh: TTV

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, đơn vị tập trung đo đạc thành lập mới bản đồ biển các loại tỷ lệ; tham gia khảo sát đo đạc thực hiện các đề tài, các chương trình, dự án có liên quan đến biển; đo đạc thành lập hải đồ các khu vực cửa sông, cảng biển, các đảo trên tỷ lệ khác nhau phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phát triển kinh tế biển…

Để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, Đoàn tiến hành khảo sát đo đạc xác định các điểm cơ sở lãnh hải phục vụ Nhà nước tuyên bố đường cơ sở, vùng lãnh hải và phân định Vịnh Bắc Bộ; tham gia cùng Ủy ban quốc tế IOC Việt Nam biên tập bản đồ độ sâu vùng biển Tây Thái Bình Dương. Đây là một chương trình khoa học kỹ thuật của tổ chức IOC (UNESCO), có ý nghĩa quan trọng, góp phần khẳng định chủ quyền của nước ta trên Biển Đông, mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học biển; qua đó, đã khẳng định năng lực, sự phát triển toàn diện của đơn vị. Tất cả các nhiệm vụ, công trình, dự án, đề án cấp Nhà nước, cấp Bộ giao cho đơn vị đều hoàn thành rất tốt, đặc biệt là thực hiện khảo sát các đảo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, quy hoạch không gian biển quốc gia về lĩnh vực quốc phòng; xây dựng hồ sơ đặt tên thực thể ngầm dưới đáy Biển Đông và phục vụ khảo sát chung giữa Việt Nam và Trung Quốc; Đề án quy hoạch tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên-môi trường biển và hải đảo của Chính phủ; thành lập mới hệ thống hải đồ các vùng biển Việt Nam.

Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm cơ sở dữ liệu, địa hình, địa mạo, khí tượng - hải dương, địa vật lý cho hoạt động của các phương tiện, vũ khí dưới nước của Quân đội mà còn phục vụ công tác quản lý, khai thác tài nguyên môi trường  biển và hải đảo, phát triển kinh tế xã hội, nghiên cứu khoa học cũng như công tác quy hoạch không gian biển.

 

Chuyên gia nước ngoài tập huấn chuyển giao công nghệ thiết bị đo biển. Ảnh: TTV 

Hiện nay, đơn vị có đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ cao với hàng trăm kỹ sư được đào tạo từ các trường trong và ngoài Quân đội, nhiều đồng chí đã qua đào tạo ở Pháp, Anh, Mỹ (riêng đội ngũ cán bộ có 87% trình độ đại học và sau đại học, nhiều đồng chí có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ). Hệ thống cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang bị kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại như: Thiết bị đo sâu đa tia vùng nước nông, nước sâu; thiết bị quét biển Side scan sonar; thiết bị đo địa vật lý biển, đo khí tượng - hải dương...

Đơn vị đã và đang sản xuất nhiều loại sản phẩm bản đồ biển như: Các loại hải đồ giấy; bản đồ số, hải đồ điện tử; các bản đồ quân sự chuyên dụng có chất lượng cao, bảo đảm độ chính xác, tin cậy đưa vào sử dụng. Các sản phẩm bản đồ biển của đơn vị đã đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế do Tổ chức Thuỷ đạc quốc tế (IHO) ban hành và được chuyên gia quốc tế như Anh, Pháp, Nga, đánh giá đạt chất lượng cao, được thương mại hóa trên phạm vi toàn cầu…

Thời gian tới, Đoàn làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng về việc ban hành hệ thống văn bản pháp lý quản lý quốc gia trong lĩnh vực đo đạc biển; tích cực đóng góp với Tổ chức Thủy đạc quốc tế; xây dựng Đảng bộ TSVM, đơn vị VMTD mẫu mực, tiêu biểu.

Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển khánh thành nhà tình nghĩa tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ảnh: PV

Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn chủ động tham mưu đề xuất với cấp trên về định hướng phát triển ngành theo hướng “Tinh, gọn, đồng bộ, chuyên sâu”, nhất là xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực ngành thủy đạc Việt Nam từ năm 2025 đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó tập trung tham mưu xây dựng hệ thống pháp lý, xây dựng nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị và cơ sở hạ tầng đáp ứng hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực, mở rộng phạm vi hoạt động, tranh thủ sự giúp đỡ của cơ quan cấp trên về khoa học công nghệ đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Đảng uỷ Đoàn lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng huấn luyện làm chủ, chuyên sâu trong quản lý, khai thác, sử dụng VKTBKT hiện có và trang bị công nghệ mới; tuyển chọn gửi đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, giỏi ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu phát triển nhiệm vụ; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với giáo dục chính trị, nắm, quản lý, giải quyết tình hình tư tưởng bộ đội; nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn.

Toàn Đoàn không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên gắn với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân thời kỳ mới.

Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển (22/2/1964 - 22/2/2024) và đón nhận Huân chương Quân công hạng Ba, cán bộ, chiến sĩ đơn vị quyết tâm thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, không ngừng tô thắm thêm truyền thống vẻ vang: “Khắc phục khó khăn, phát triển toàn diện, làm chủ kỹ thuật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phát triển kinh tế biển và hội nhập quốc tế.

NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ

Đoàn được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba; 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (2 hạng Nhất, 1 hạng Ba); 3 Huân chương Chiến công (2 hạng Nhì, 1 hạng Ba); 2 tàu được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Hải đội 695 được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Tàu HQ 931 (nay là Tàu 886) được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND...

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn