Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2021): Hồ Chí Minh với khát vọng Ðộc lập-Tự do-Hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người đã dâng hiến trọn vẹn cả cuộc đời và sự nghiệp của mình cho dân tộc Việt Nam, là hiện thân của khát vọng mãnh liệt giải phóng dân tộc, phấn đấu đến cùng cho nền độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của dân tộc. Ðây không chỉ là giải phóng dân tộc mà còn là phát triển dân tộc, đưa dân tộc ta ra khỏi tình cảnh nô lệ, nước mất nhà tan, bị đọa đầy áp bức dưới ách thống trị của đế quốc, thực dân, giành lại độc lập chủ quyền và xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân trở thành người chủ, có cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc.

Sau gần một thập kỷ đầu tiên trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước cứu dân, từ ngày 5-6-1911 khi rời bến cảng Nhà Rồng đến năm 1920, Người đã tiếp cận tư tưởng Lê-nin về quyền tự quyết của các dân tộc. Luận cương của Lê-nin đã giúp Người tìm thấy câu trả lời mà Người hằng mong đợi, đã dẫn đến bước ngoặt tư tưởng và hành động của Người. Từ một người yêu nước với tình cảm thương dân mãnh liệt và tinh thần dân tộc sâu sắc, Người đã trở thành một chiến sĩ cộng sản. Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã lần đầu tiên đến quê hương của Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa xã hội hiện thực. Chứng kiến trực tiếp sự hồi sinh của nước Nga Xô Viết, Nguyễn Ái Quốc đã bước đầu rút ra những thu hoạch bổ ích để xác tín một niềm tin khoa học về chủ nghĩa xã hội, về con đường tất yếu phải đi qua để thực hiện lý tưởng và mục tiêu cách mạng trên quê hương, đất nước mình với hệ giá trị cốt yếu của phát triển: Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc cho dân tộc và nhân dân.

Nhờ nắm vững linh hồn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, vào những năm 1924-1925, Nguyễn Ái Quốc đã hình thành những nhận thức cơ bản về cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản (xã hội chủ nghĩa), về mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng ở chính quốc với cách mạng ở thuộc địa, về sự phát triển chủ nghĩa yêu nước chân chính và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế chân chính của giai cấp công nhân. Luận điểm của Người cho rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng xã hội, đem lại ấm no, tự do, hạnh phúc của các dân tộc trên thế giới.

Năm 1930, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Ðảng Cộng sản Việt Nam. Các Văn kiện "Chánh cương vắn tắt của Ðảng", "Sách lược vắn tắt của Ðảng", "Ðiều lệ tóm tắt của Ðảng Cộng sản Việt Nam" và "Lời kêu gọi" nhân dịp thành lập Ðảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp soạn thảo, được thảo luận và thông qua tại hội nghị thành lập Ðảng. Các văn kiện quan trọng đó thể hiện tinh thần cách mạng triệt để và sáng tạo, kết hợp một cách đúng đắn và phù hợp giữa lý luận và thực tiễn Việt Nam. Quan điểm cơ bản của các văn kiện này có giá trị xuyên suốt con đường và mục tiêu cách mạng nước ta, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Dù trong hình thức vắn tắt, các văn kiện thành lập Ðảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua đã tỏ rõ bản chất giai cấp công nhân của Ðảng và tầm nhìn thấu suốt con đường, mục tiêu cách mạng, chiến lược đại đoàn kết, sự trung thành của Ðảng với lợi ích giai cấp và mục tiêu độc lập dân tộc, gắn chặt sự phối hợp cách mạng nước ta với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức và phong trào công nhân quốc tế. Ðó là sự thể hiện bản chất của Ðảng cách mạng theo học thuyết Ðảng kiểu mới của Lê-nin.

Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời (mà ngay từ đầu tên Ðảng do Nguyễn Ái Quốc xác định) là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của phong trào cách mạng Việt Nam, đây là khởi đầu dẫn tới Thời đại Hồ Chí Minh, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng triền miên về đường lối cứu nước từ cuối thế kỷ 19 đến thập niên 30 thế kỷ 20. Bước ngoặt ấy cũng là khởi đầu cho sự thay đổi số phận của dân tộc ta, là dấu mốc điển hình cho sự phát triển thành thục tư tưởng, đường lối và phương pháp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, dẫn tới Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời chế độ cộng hòa dân chủ Việt Nam với Tuyên ngôn độc lập bất hủ được Người soạn thảo và đọc tại Thủ đô Hà Nội ngày 2-9-1945.

HỒ CHÍ MINH không chỉ là nhà tư tưởng kiệt xuất phát kiến ra quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tìm ra quy luật đặc thù của Ðảng Cộng sản Việt Nam, đó là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân ta, mà còn là nhà tổ chức thiên tài, là linh hồn của cách mạng Việt Nam, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn liền với đoàn kết quốc tế. Ðảng cách mạng chân chính do Người sáng lập và rèn luyện, mới 15 tuổi đã đủ sức lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - một trong những cuộc cách mạng điển hình nhất trong thế kỷ 20, chỉ sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Với Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một thời đại mới đã mở ra ở Việt Nam, thời đại mang tên Người, thời đại rực rỡ huy hoàng nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Vào lúc đó, đội ngũ của Ðảng chỉ năm nghìn người đã tiên phong, chiến đấu, hy sinh đưa 20 triệu người Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ, trở thành người chủ và làm chủ vận mệnh của mình. Từ đây, Ðảng do Người lãnh đạo đã chính thức trở thành Ðảng cầm quyền. Chế độ cộng hòa dân chủ ra đời, do Người khai sinh với bản Tuyên ngôn độc lập - một áng thiên cổ hùng văn, tuyên ngôn lập quốc, dựng nước thời hiện đại. Vị thế và quyền của dân tộc Việt Nam, "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Ðồng minh chống phát xít mấy năm nay" đã được Hồ Chí Minh khẳng định: "Dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập" (1). Kết thúc bản Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh khẳng định những quyền tự do, độc lập của Việt Nam, khẳng định sự thật lịch sử: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập" (2).

Ðó là những quyền thiêng liêng, những giá trị thiêng liêng: "Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy" (3).

Với Việt Nam, đó vừa là tuyên bố chính trị - pháp lý, vừa là lời thề nguyện về quyết tâm sắt đá, về đức hy sinh cao cả của toàn thể dân tộc để bảo vệ, giữ vững những quyền đã giành được.

Với thế giới, Tuyên ngôn độc lập như một thông điệp mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi tới toàn thế giới để tỏ rõ lập trường và quan điểm, thái độ và hành động của mình gìn giữ tự do, độc lập mới giành được.

Ðó là sự mở đầu trong toàn bộ nỗ lực thực hiện khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam của Hồ Chí Minh trong điều kiện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới khai sinh, chính thể cộng hòa dân chủ vừa mới ra đời.

Nền độc lập phải là độc lập thực chất và hoàn toàn, độc lập gắn liền với tự do. Ý chí của Hồ Chí Minh và của toàn thể dân tộc ta là độc lập tự do thực sự và hoàn toàn, nó không thể là cái bánh vẽ, giả hiệu. Ðộc lập trong tự do, và tự do, tự quyết định vận mệnh của mình phải bảo đảm cho nền độc lập, thống nhất Tổ quốc. Ðộc lập tự do phải do chính nhân dân ta chủ động đấu tranh giành lấy, không thể chờ đợi bên ngoài, không thể thụ động, ỷ lại. Do đó, để có độc lập tự do phải trải qua nhiều gian khổ, hy sinh, đó là sự nghiệp đấu tranh lâu dài, bền bỉ, phải đoàn kết, hợp sức, phát huy lòng yêu nước tự bên trong và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài của quốc tế.

Khát vọng Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam của Hồ Chí Minh còn đồng thời là khát vọng thống nhất Tổ quốc. Trong lời tuyên bố với quốc dân ngày 23-10-1946, Hồ Chí Minh nói: "Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng; Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc" (4). Người cũng nêu lên những việc phải làm ngay để tạo không khí hòa bình, và xây đắp con đường dân chủ để đi tới sự nghiệp Việt Nam thống nhất của chúng ta.

Ðối với Người, độc lập dân tộc không tách rời với thống nhất Tổ quốc và độc lập, thống nhất Tổ quốc, gắn với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Người đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta "nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì" (5).

Người đã nỗ lực hết mình, làm hết sức mình cùng với Ðảng và Chính phủ do Người lãnh đạo thực hành cho bằng được những tư tưởng cao quý đó. Nội các Chính phủ do Người đứng đầu đã từng tuyên thệ, đã đọc lời thề trung thành với Tổ quốc, phấn đấu đến cùng cho lợi quyền dân chúng, dù có phải hy sinh cả tính mạng cũng sẵn sàng. Trên diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, khóa I, ngày 31-10-1946, Người tuyên bố trước quốc dân và quốc tế rằng, "Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài" (6). Người cũng nhấn mạnh, "Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái... Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết... một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà" (7). Là điển hình cho đức tính kiên quyết và nhất quán, lời nói luôn đi đôi với việc làm, chủ trương lãnh đạo bằng chính phẩm chất gương mẫu, tận tụy, liêm khiết và hy sinh, Hồ Chí Minh và Chính phủ do Người lãnh đạo đã tỏ rõ sự nỗ lực cao độ để thực hiện khát vọng Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.

Vào cuối đời, ngày 14-7-1969, khi trả lời nhà báo Cu-ba, nữ đồng chí Mác-ta Rô-hát, Người nói "Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi" (8). Ðủ hiểu vì sao, trên giường bệnh, trước phút lâm chung, Người vẫn đau đáu chờ tin chiến thắng trên chiến trường miền nam, Người vẫn hỏi về đời sống nhân dân, nhất là nông dân ở nông thôn trong những ngày đê vỡ, lũ lụt. Người vẫn quan tâm tới Tết Trung thu của các cháu thiếu nhi và việc chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới của các cháu. Trong Di chúc ở những dòng cuối cùng, Người ra đi không có gì phải hối hận vì đã sống hết mình, đã phục vụ hết mình cho dân, cho nước. Người chỉ có điều tiếc nuối, "không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa" (9).

Tâm nguyện của Người, điều mong muốn cuối cùng của Người ký thác vào toàn dân, toàn Ðảng là "một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới" (10). Tâm nguyện ấy là khát vọng của Người, là thực hiện khát vọng cho dân tộc Việt Nam: Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Người đã cống hiến cả cuộc đời mình, hy sinh cả cuộc sống riêng tư, hạnh phúc riêng tư để trọn đời tranh đấu cho hạnh phúc lớn lao của toàn dân tộc, của cả nhân loại cần lao. Người biểu đạt trí tuệ, lương tâm, khí phách của toàn dân tộc, là "hình ảnh của dân tộc" (11).

Người không chỉ thể hiện khát vọng dân tộc mà còn là người thực hiện khát vọng ấy, toàn tâm toàn ý vì vận mệnh của dân tộc, vì cuộc sống của nhân dân. Ðã 110 năm kể từ ngày Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Ðã 80 năm kể từ khi Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Cũng đã hơn nửa thế kỷ, Hồ Chí Minh để lại bản Di chúc thiêng liêng. Tư tưởng và di sản vĩ đại mà Người để lại cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đang tiếp tục được phát huy trong sự nghiệp đổi mới, để đất nước phát triển nhanh và bền vững, dân tộc cường thịnh, trường tồn, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như sinh thời Người vẫn hằng mong.

Theo Nhân Dân điện tử

-----------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 4, tr.1, tr.3.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.3.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.3.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.470.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.64.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.478-479.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.478-479.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.674.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.615.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.614.
(11) Phạm Văn Ðồng: Hồ Chủ tịch, tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2009.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn