Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Tố Hữu (4-10-1920 - 4-10-2020)

Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo, nhà văn hóa tài năng

Đồng chí Tố Hữu là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng với những đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Ông là một nhà văn hóa tài năng, “cánh chim đầu đàn của nền thi ca Việt Nam hiện đại”. Gần 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, suốt đời cống hiến hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

Người cộng sản kiên trung, nhiệt huyết cách mạng

Đồng chí Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành (còn gọi là Lê Tư Lành), sinh ngày 4-10-1920 tại Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cha ông là cụ Nguyễn Phan Long (sau đổi là Nguyễn Trần Nghi), một công chức nhỏ tại Tòa khâm sứ tỉnh Quảng Nam (1). Mẹ ông là cụ Phan Thị Cẩn, là con một gia đình gia giáo, làm nghề buôn bán nhỏ tại nhà. Gia đình cụ Nguyễn Trần Nghi có truyền thống hiếu học, yêu nước, vì thế Tố Hữu được lớn lên trong tình yêu thương và giáo dục của gia đình, qua những câu ca dao, dân ca trong lời ru của mẹ và những tác phẩm văn học của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở trong và ngoài nước. Tố Hữu bộc lộ niềm đam mê và tố chất thi ca từ rất sớm.

Năm 1928, Nguyễn Kim Thành cùng gia đình chuyển về Huế - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và phong trào cách mạng ở Trung Kỳ lúc đó. Năm 14 tuổi, ông thi đỗ vào Trường Quốc học Huế. Trong thời kỳ này, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ ở Huế đã tác động sâu sắc tới cậu học trò Nguyễn Kim Thành. Qua sách báo, anh đã tiếp cận với tư tưởng của C. Mác, Ăng-ghen, Lênin…và được các đảng viên tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ, như: Hải Triều, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu… động viên, giác ngộ. Sẵn mang trong mình nhiệt huyết yêu nước, Nguyễn Kim Thành tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1936, anh gia nhập Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương và hăng hái hoạt động trong phong trào học sinh Huế. Tháng 4-1937, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Cuối năm 1938, Tố Hữu được cử vào Thành ủy Huế, phụ trách công tác Tuyên huấn. Cuối tháng 4-1939, khi đang cùng các đồng chí trong Thành ủy tích cực chuẩn bị cuộc mít tinh lớn nhân Ngày Quốc tế lao động 1-5, đồng chí bị mật thám Pháp bắt và bị kết án 2 năm tù. Trong ngục tù, Tố Hữu không ngừng đấu tranh chống tra tấn, đòi tự do nên bị tăng án và đày lên nhà tù Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) rồi các nhà tù Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn; cuối cùng là ở trại tập trung Đắc Lây (tỉnh Kon Tum).

Tại các nhà tù, Tố Hữu bị giam cầm và tra tấn dã man, tàn bạo, có những lúc đã kề cận cái chết, song không khi nào đồng chí khuất phục trước kẻ thù. Không những vậy, Tố Hữu còn đi đầu trong tổ chức và tham gia đấu tranh chống chế độ khổ sai tàn độc của nhà tù, giúp đỡ các bạn tù và biến “nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Đồng chí đã cùng anh em tù thành lập chi bộ Đảng, do đồng chí Nguyễn Vịnh làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Kim Thành làm Phó bí thư, phụ trách việc tổ chức cho anh em tù học chính trị, văn hóa và chữ Pháp. Đồng chí còn còn sáng tác nhiều bài thơ cách mạng, tiêu biểu như: “Nhớ đồng”, “Khi con tu hú”… Những bài thơ của đồng chí được bí mật truyền ra ngoài, góp phần tích cực động viên tinh thần đấu tranh của nhân dân và các chiến sĩ cộng sản lúc bấy giờ.

Tháng 3-1942, đồng chí Tố Hữu vượt ngục thành công. Được bà con làng Rô và các cơ sở cách mạng tận tình che chở và giúp đỡ, đồng chí nhanh chóng bắt liên lạc với Đảng và về Thanh Hóa để xây dựng cơ sở cách mạng. Trong những năm gian khó, Tố Hữu đã cùng với đồng bào, đồng chí tích cực xây dựng phong trào cách mạng ở một số tỉnh miền Trung, chuẩn bị lực lượng, tổ chức lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Tháng 3-1944, đồng chí Tố Hữu được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Sự lớn mạnh, thành công và phát triển của phong trào cách mạng Thanh Hóa thời kỳ này gắn liền và in đậm dấu ấn những cống hiến to lớn và sáng tạo của đồng chí Tố Hữu. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Đảng bộ Thanh Hóa đã không ngừng kiện toàn tổ chức, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; khắc phục lũ lụt, tổ chức cứu đói và lãnh đạo nhân dân chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 8-1945, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế, đồng thời là Ủy viên thường trực Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí Tố Hữu tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi tại Huế.

Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo, nhà văn hóa tài năng

Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với các nhà thơ, nhà văn. Từ trái qua: Nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Phan Tứ; bên phải là nhà báo Trần Đình Vân. Ảnh tư liệu

Đầu năm 1946, đồng chí Tố Hữu được điều ra Hà Nội phụ trách công tác văn hóa và tập hợp văn nghệ sĩ kháng chiến. Cuối năm đó, ông trở lại Thanh Hóa tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 9-1947, Tố Hữu được Trung ương điều lên Chiến khu Việt Bắc. Năm 1948, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất đã bầu đồng chí giữ chức Phó tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, tham gia Ban Chấp hành. Đại hội Văn nghệ Việt Nam diễn ra vào tháng 2-1949, đồng chí Tố Hữu là Phó tổng Thư ký.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (năm 1951), đồng chí Tố Hữu được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngày 10-7-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh bổ nhiệm đồng chí Tố Hữu giữ chức Giám đốc Nha thông tin thuộc Phủ Thủ tướng.

Năm 1954, Tố Hữu cùng Trung ương rời Chiến khu về tiếp quản Thủ đô Hà Nội và được giao làm Phó trưởng ban Tuyên huấn, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Trung ương. Liên tục từ đầu năm 1956 cho đến năm 1986, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước giao những trọng trách ngày càng cao: Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng Ban Khoa học - Giáo dục Trung ương, Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng.

Nhà lãnh đạo năng động, với tư duy đổi mới

Trên cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, đồng chí Tố Hữu đã có những đóng góp xứng đáng vào việc hình thành nhiều chủ trương, chính sách đổi mới kinh tế quan trọng do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo. Bằng nhãn quan chính trị nhạy bén, đồng chí Tố Hữu đã nhận ra đổi mới là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Sau khi về Vĩnh Phú khảo sát thực tiễn và trao đổi với đồng chí Kim Ngọc; về Hải Phòng làm việc với Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành, Bí thư Huyện ủy Đồ Sơn, Ban lãnh đạo Hợp tác xã Đoàn Xá…, trên cương vị Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Tố Hữu đã hoàn toàn ủng hộ các sáng kiến của nhân dân và tham gia xúc tiến việc ban hành Chỉ thị 100, tiền thân của Nghị quyết 10. Đồng chí đã thay mặt Ban Bí thư ký Chỉ thị “Khoán 100” - là dấu mốc phá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trong sản xuất nông nghiệp, mở đầu cho quá trình dân chủ hóa về mặt kinh tế, đưa ruộng đất gắn liền với người lao động, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, tạo động lực kích thích phát triển sản xuất.

Năm 1980, ngành thủy sản đứng bên bờ vực phá sản. Đồng chí Tố Hữu đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Hội đồng Bộ trưởng cho phép áp dụng thử cơ chế như: Tự cân đối, tự trang trải, lấy xuất nhập khẩu làm khâu đột phá. Kết quả là, các mặt hàng, như nước mắm, cá tươi cho lực lượng vũ trang, cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được cung cấp đầy đủ; kim ngạch xuất khẩu tăng lên; nhập được nguyên, nhiên liệu để tự cân đối cho ngành; bước đầu nhập được một số máy móc cho tàu thuyền, nhà máy chế biến hải sản…Thủy sản trở thành một trong các ngành đặt nền móng và thúc đẩy sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Cùng với những cải tiến, đổi mới trong nông nghiệp, đồng chí Tố Hữu tăng cường về các cơ sở công nghiệp, gặp gỡ các doanh nghiệp tiêu biểu như: Xí nghiệp vòng bi Phổ Yên, Xí nghiệp chế biến máy công cụ Số 1, Mỏ than Cọc 6, Xí nghiệp dệt Thành Công, Xí nghiệp đánh cá Vũng Tàu - Côn Đảo, Công ty cao su Đồng Nai… để tìm tòi những biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh tế. Ngày 21-1-1981, Quyết định số 25-CP của Chính phủ về “Một số chủ trương và biện pháp nhằm tiếp tục phát huy quyền chủ động sản xuất, kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh được ban hành, cho phép áp dụng chế độ 3 kế hoạch (kế hoạch nhà nước giao, kế hoạch xí nghiệp tự xây dựng và kế hoạch sản xuất phụ); trên cơ sở đó, mở rộng cơ chế khoán đến phân xưởng, đội, tổ, cá nhân người lao động, tăng tỉ lệ lợi nhuận định mức để lại cho xí nghiệp lập các quỹ, tạo điều kiện cho xí nghiệp chủ động hơn, tự chịu trách nhiệm về lỗ, lãi và bổ sung vốn lưu động. Mặc dù, trong bối cảnh lúc đó có một số ý kiến chưa đồng tình, cho đó là một bước thụt lùi so với nguyên tắc xã hội chủ nghĩa, nhưng đồng chí Tố Hữu đã khẳng định: Thụt lùi hay không thụt lùi, điều đó không quan trọng bằng tháo gỡ ách tắc cho sản xuất phát triển.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế - xã hội của đát nước, đánh giá đúng những thành tựu và khuyết điểm trong công tác thử nghiệm đổi mới, Đảng ta khẳng định phải tiến hành đổi mới toàn diện đất nước. Điều đó càng khẳng định tư duy và hành động thực tiễn của đồng chí Tố Hữu là đúng đắn, quyết liệt và đầy sáng tạo, trách nhiệm, thể hiện tố chất người lãnh đạo tận tâm, tận tụy, hết lòng vì nước, vì dân.

Nhà văn hóa tài năng của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Cùng với cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, Tố Hữu đồng thời là một nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa - văn nghệ và là cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhằm thực hiện ba nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ của cách mạng là “diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, đồng chí được Trung ương Đảng và Bác Hồ phân công phụ trách công tác tuyên truyền và văn hóa - một nhiệm vụ rất quan trọng và bức thiết khi đó, nhằm thực hiện chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: ''Văn hóa soi đường cho quốc dân đi''. Đồng chí đã từng bước trở thành người lĩnh xướng nền văn học cách mạng Việt Nam.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí Tố Hữu cùng thế hệ văn nghệ sĩ xây dựng nền văn học kháng chiến, thể hiện ý chí, nguyện vọng cháy bỏng của toàn dân tộc là đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập tự do của Tổ quốc. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước là giai đoạn văn học nước nhà có đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo, sung sức và tài hoa. Văn nghệ, nhất là thơ ca và âm nhạc đã trở thành “binh chủng đặc biệt”, góp phần quan trọng  khơi dậy lòng yêu nước, gắn kết tình cảm Nam - Bắc một nhà, nhân lên sức mạnh toàn dân tộc cho ngày toàn thắng.

Qua thơ của mình, Tố Hữu đã biểu dương nhiều tấm gương trong các phong trào thi đua yêu nước, kháng chiến như: La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Sáu, mẹ Suốt, cô gái Lai Vu… Thơ Tố Hữu cũng in đậm những hình ảnh Mẹ Tơm tần tảo nuôi giấu cán bộ và tham gia cách mạng; Mẹ Suốt ngày đêm, không quản hiểm nguy, đưa cán bộ chiến sĩ qua sông; là Chú bé giao liên dũng cảm làm nhiệm vụ; là Người con gái Việt Nam (chị Trần Thị Lý) kiên cường... Những tấm gương điển hình đó có sức cổ vũ, động viên to vì lý tưởng cách mạng và độc lập, tự do cho dân tộc. Nhiều tấm gương của bạn bè quốc tế như Henry Martin, Raymon Dien, Morrison… cũng được đồng chí ca ngợi trong thơ để cổ động phong trào cách mạng Việt Nam. Đồng chí “là người chỉ đạo cụ thể, chỉ huy thường trực, là một nhà tuyên truyền tài năng; diễn giải sáng tạo đường lối chính sách, có sáng kiến biểu dương các nhân vật, các sự kiện anh hùng, phát động lần lượt phong trào quần chúng trong cả nước, biến tư tưởng thành hành động". (2)

Với trọng trách người đứng đầu lĩnh vực văn hóa, văn nghệ của Đảng, đồng chí Tố Hữu đã có nhiều bài nói, bài viết về các vấn đề lý luận và thực tiễn. Đồng chí nói: Chúng ta không sống với cách mạng thì sống với ai? Cho nên khẩu hiệu của chúng ta luôn luôn phải là sống giữa quần chúng cách mạng và hết lòng phục vụ sự nghiệp cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đồng chí đề ra phương hướng mới trong văn học, nghệ thuật là: Đến những nơi tiên tiến, sống giữa những người tiên tiến, trau dồi thế giới quan Mác - Lênin và nắm vững đường lối của Đảng. Và, văn hóa văn nghệ phải làm nhiệm vụ tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng. Đồng chí khẳng định: “Đối với tôi, hoạt động chính trị và sáng tác thơ dù khác nhau, nhưng phải có cái gốc chung là làm nhiệm vụ cách mạng và đều phải thấu nhân tình”. Cũng theo đồng chí, văn hóa văn nghệ phải kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc, mang hơi thở của cuộc sống, vì văn chương chính là con người và văn học nghệ thuật không tách rời sự lãnh đạo của Đảng. Đó là quan điểm lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt của đồng chí về chính trị, tư tưởng, về đường lối, chính sách, về quan điểm nghệ thuật, về tổ chức thực hiện.

Thơ Tố Hữu là đỉnh cao về thơ trữ tình chính trị trong nền văn học Việt Nam hiện đại, với triết lý truyền thống “Văn dĩ tải đạo”. Về thế giới quan, thơ Tố Hữu, ngay từ buổi đầu đã mang bản chất cách mạng, gắn với từng bước thăng trầm của lịch sử đất nước và dân tộc. Trải qua quá trình sáng tác hơn nửa thế kỷ, thơ Tố Hữu đã thấm sâu vào tư tưởng và tình cảm của nhiều thế hệ Việt Nam, nhất là qua 7 tập thơ nổi tiếng: “Từ ấy”, “Việt Bắc”, “Gió lộng”, “Ra trận”, “Máu và Hoa”, “Một tiếng đờn” và “Ta với ta”.

Từ ấy (1946) là tập thơ đầu tiên của Tố Hữu, là tiếng reo ca, hân hoan nồng nhiệt của một tâm hồn trẻ khi bắt gặp lý tưởng cách mạng và quyết tâm dâng hiến cuộc đời mình cho lý tưởng đó, với 71 bài thơ phản ánh quá trình giác ngộ cách mạng và trưởng thành của đồng chí.

Việt Bắc (1954) là bản anh hùng ca về cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp, bước chuyển biến mình của thơ Tố Hữu theo hướng dân tộc và đại chúng, phù hợp với đặc trưng của nền văn nghệ thời kháng chiến chống Pháp.

Gió lộng (1961) là niềm vui xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; được sáng tác trong 6 năm, tập trung khai thác hai mảng đề tài lớn: Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy ở miền Nam. Tập thơ chứa đựng niềm hân hoan khi nhân dân trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, hối hả bước vào xây dựng cuộc sống mới.

Ra trận (1971) được ông viết trong 10 năm, là khúc ca ra trận, là mệnh lệnh kêu gọi toàn dân trận chiến đấu với lòng căm thù giặc sâu sắc và quyết tâm chiến đấu giành chiến thắng.

Máu và Hoa (1977) là cảm nhận về cuộc chiến đấu thần thánh chống ngoại xâm và thành tựu to lớn đáng tự hào của một dân tộc anh hùng, có ý nghĩa tổng kết quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Cảm hứng chủ đạo trong tập thơ là niềm hạnh phúc lớn lao trước niềm vui đất nước thống nhất, Nam - Bắc một nhà, cách mạng thắng lợi vẻ vang.

Một tiếng đờn (1992) và “Ta với ta (1999) là bản tổng kết cuối đời của nhà thơ về những chiêm nghiệm cô đọng và suy tư sâu lắng về con người và thế sự của Tố Hữu.

Có thể thấy, suốt chặng đường hơn nửa thế kỷ, thơ và con người Tố Hữu đã hòa quyện trong cảm hứng chủ đạo của thời đại: Khát vọng độc lập, tự do và khát vọng làm người; thể hiện bản anh hùng ca cách mạng bất hủ của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Các tác phẩm của ông đã góp phần to lớn tuyên truyền và thực hiện thành công đường lối, chính sách của Đảng, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đúng như nhà thơ Xuân Diệu từng khẳng định: “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình, trong từng giai đoạn của cuộc đấu tranh, thơ chính trị đạt đến thơ hay là một niềm vui sướng cho tâm và trí của người đọc...”

Với những cống hiến to lớn cho cách mạng và nền văn học nghệ thuật nước nhà, đồng chí Tố Hữu đã được tặng nhiều giải thưởng và phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng (1994), Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1, năm 1996) và nhiều huân chương, huy chương… Đồng chí là tấm gương tiêu biểu của người cộng sản kiên trung, nhà văn hóa tài năng, mẫu mực, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Theo QĐND điện tử

(1) Tố Hữu: Nhớ lại một thời (Hồi ký), Nxb. Hội nhà văn, 2000, tr.8.

(2) Hoàng Tùng: “Tố Hữu, lão tướng mặt trận tư tưởng”, Tạp chí Tư tưởng Văn hóa, 1-2003.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn