Khởi nghĩa Nam Kỳ, ý chí quật cường của dân tộc

Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra từ ngày 23-11 đến ngày 31-12-1940 là một trong những mốc son chói lọi trong Lịch sử cách mạng Việt Nam. 76  năm đã đi qua, nhưng khí thế hào hùng, tinh thần chiến đấu oanh liệt và ý chí quật cường của đồng bào và chiến sỹ trong khởi nghĩa Nam Kỳ sẽ mãi mãi sống trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta.

Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ở Ðông Dương thực dân Pháp phát-xít hóa bộ máy thống trị, thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, chĩa mũi nhọn vào Ðảng Cộng sản.  Mâu thuẫn giữa dân tộc ta với thực dân Pháp ngày càng gay gắt. Thực dân Pháp âm mưu đầu hàng, thỏa hiệp với phát-xít Nhật đã đặt ra trước mắt vấn đề sống còn của các dân tộc Ðông Dương.

Phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, không cam chịu cuộc sống nô lệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng lên tranh đấu. Ðến giữa tháng 11-1940, trước tình hình phong trào cách mạng sôi sục, tinh thần phản chiến trong binh lính người Việt lên cao, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân.

Những ngày đầu khởi nghĩa ở Bến Tre. Ảnh: TL

Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành phố ở Nam Kỳ, kéo dài từ đêm 22 rạng sáng 23-11 đến ngày 31-12-1940, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường, cắt dây điện thoại... Ở Vĩnh Long, chính quyền cách mạng cấp quận đã được thành lập tại Vũng Liêm. Ở Mỹ Tho, chính quyền cách mạng ở vùng khởi nghĩa tồn tại trong 40 ngày; một số nơi, nhân dân lập tòa án cách mạng xét xử bọn phản động, xóa bỏ các thứ thuế vô lý, xóa các khoản nợ, tịch thu thóc gạo của địch chia cho dân nghèo và nuôi nghĩa quân. Lần đầu tiên trong lịch sử, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc các trụ sở chính quyền thực dân được quân ta tiến chiếm, đã trở thành biểu tượng niềm tin tất thắng và tinh thần tự tôn dân tộc.

Tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Thực dân Pháp khủng bố khốc liệt những người khởi nghĩa. Hàng nghìn người bị xử tử, bị đày ra Côn Ðảo và các trại tập trung Bà Rá, Tà Lài... Pháp cũng nhân cơ hội này hành hình nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt của Ðảng bị bắt từ trước khởi nghĩa. Các đồng chí lãnh đạo, những người con ưu tú của của dân tộc, của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Ðăng Lưu... đã anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù.

Khí thế Khởi nghĩa Nam Kỳ. Ảnh: Tư liệu

Mặc dù thất bại do điều kiện chưa chín muồi, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ có ý nghĩa rất to lớn. Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng vũ lực của các dân tộc ở một nước Ðông Dương. Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của nhân dân các tỉnh Nam Bộ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Ngày 14-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 163-SL tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho Ðội quân khởi nghĩa Nam Bộ năm 1940.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã đào tạo và rèn luyện một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng của Ðảng, gương mẫu chiến đấu hy sinh vì quyền lợi của dân tộc, của nhân dân. Hàng vạn quần chúng đã được thử thách trong đấu tranh, để từ đó tiếp tục theo Ðảng thực hiện cuộc vận động giải phóng dân tộc tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ kinh nghiệm các cuộc khởi nghĩa ở Bắc Sơn, Nam Kỳ, Ðô Lương, Ðảng ta chủ trương phải phát huy tính tích cực, chủ động cách mạng, phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, để khi thời cơ đến, có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương để mở đường cho cuộc tổng khởi nghĩa.

Tuy thất bại nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ đã để lại những bài học quý giá. Ðó là bài học về xây dựng thực lực cách mạng gắn với nắm bắt thời cơ; bài học về khơi dậy và nhân lên sức mạnh vĩ đại từ sự hiệp lực, đồng tâm của quần chúng; bài học về phối hợp địa phương với cả nước, về nghệ thuật giành và giữ chính quyền nhân dân... Ðặc biệt nổi lên bài học về xây dựng Ðảng. Chủ trương tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng chính là sự tiếp nối tinh thần phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi và cũng là phát huy bài học vô giá từ Khởi nghĩa Nam Kỳ.

Hoàng Minh (tổng hợp)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn