Khơi dậy đam mê đọc sách cho bộ đội

HQVN -

Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc" năm 2021 đã thu hút sự quan tâm và tham gia nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ, QNCN, công nhân viên quốc phòng trong toàn Quân chủng. Cuộc thi đã khơi dậy đam mê, lan tỏa phong trào đọc sách rộng khắp, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội.

Cuộc thi năm nay diễn ra trong điều kiện các cơ quan, đơn vị phải thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tổ chức huấn luyện theo kế hoạch vừa triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Nhưng nhờ sự chỉ đạo sâu sát, linh hoạt của thủ trưởng các cấp, các đơn vị vẫn triển khai thực hiện cuộc thi theo đúng kế hoạch. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã tích cực, chủ động sưu tầm, thu thập thông tin, tài liệu tham dự cuộc thi với tinh thần, quyết tâm cao.

Ban Giám khảo chấm bài, đánh giá kết quả cuộc thi ở vòng chung khảo

Thượng tá Phạm Văn Giang, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa, Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Hải quân, thành viên Ban tổ chức cho biết: “Đây là lần đầu tiên Quân chủng Hải quân tổ chức cuộc thi quy mô lớn ở cả 3 vòng thi: Sơ khảo, chung khảo (cấp Quân chủng), chung kết (cấp toàn quân) thu hút số lượng lớn người tham gia. Cuộc thi đã góp phần rèn luyện thói quen, nâng cao kỹ năng đọc, tự học nhằm tiếp tục thúc đẩy phong trào đọc sách, tôn vinh hình ảnh, phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân”, xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh”.

Sau hơn 3 tháng phát động, đến nay, Ban tổ chức vòng chung khảo cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” Quân chủng đã nhận được 6.443 bài dự thi. Trong đó, hơn 6.397 bài viết và 46 bài dự thi bằng video. Theo đánh giá của Ban tổ chức, các bài dự thi lần này phong phú về chủ đề, đa dạng về hình thức thể hiện, cách thức trình bày. Nhiều bài được đầu tư, thiết kế công phu, đẹp về hình thức, có nhiều tư liệu, hình ảnh minh họa.

Nội dung thi, Ban tổ chức đưa ra 2 đề để thí sinh lựa chọn làm bài. Mỗi đề có 2 câu, câu 1 chia sẻ về một cuốn sách mà bạn yêu thích hoặc chia sẻ phương pháp đọc sách hiệu quả; câu 2, nếu được lựa chọn là đại sứ văn hóa đọc, thí sinh có kế hoạch, biện pháp gì để khuyến khích người đọc nhiều hơn.

Chủ đề có tính gợi mở nên nhiều thí sinh đã hòa mình vào nội dung cuốn sách, hóa thân thành các nhân vật để thể hiện cảm xúc. Qua đó đã thể hiện rõ nét hồn cốt của tác phẩm, nhân vật, thông điệp của tác giả, mang đến cho người đọc sự đam mê và lôi cuốn. Đặc biệt, có nhiều thí sinh đã nhạy bén khi lựa cuốn sách với chủ đề có tính thời sự cao, đang được dư luận quan tâm, báo chí liên tục phản ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, đó là diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Nhờ đó, bài thi tạo được hiệu ứng tốt với giám khảo và các độc giả.

Giờ giải lao trên thao trường huấn luyện Lữ đoàn 957

Cuộc thi lần này rất đặc biệt với Trung tá Dương Văn Ruệ, Chủ nhiệm Khoa Khám bệnh, Viện Y học Hải quân. Thời điểm anh tham gia thi ở đơn vị cũng là lúc con anh tham gia cuộc thi này ở một trường học tại Hải Phòng. Việc đọc sách đối với bác sĩ Ruệ không chỉ là thói quen, đam mê từ thời trai trẻ mà đọc sách thực sự cần thiết, là bổ sung kiến thức tổng hợp, nhất là kiến thức chuyên môn cho một bác sĩ trong quân đội. Do đó, anh Ruệ đã chọn cuốn sách “Việt Nam-Cuộc chiến sinh tử chống Covid-19” để tham dự cuộc thi. Đây là cách lựa chọn sáng tạo, tinh tế khi vừa gắn cuộc thi với nhiệm vụ chuyên môn ở đơn vị vừa mang tính thời sự nóng bỏng.

Trung tá Dương Văn Ruệ chia sẻ: Cuốn sách “Việt Nam-Cuộc chiến sinh tử chống Covid-19” đến với tôi rất tình cờ. Một người bạn đồng nghiệp từ Hà Nội đến Hải Phòng công tác đã mang theo cuốn sách này tặng tôi. Bạn tôi nói rằng: “Hãy đọc đi để biết được, thấy được Việt Nam mình kỳ diệu đến mức nào, thấy đội ngũ thầy thuốc của chúng ta giỏi như thế nào trong đại dịch Covid-19 này”.

Ở phần liên hệ trên cương vị được lựa chọn làm đại sứ văn hóa đọc, nhiều bài viết, nhiều video của thí sinh đã liên hệ chặt chẽ với từng cương vị công tác và đề xuất nhiều giải pháp sát thực nhằm lan tỏa đam mê đọc sách tại đơn vị, địa phương.

Đại úy QNCN Nguyễn Bảo Ngọc, Nhân viên Phòng Chính trị, Viện Kỹ thuật Hải quân chia sẻ: “Ở Viện Kỹ thuật Hải quân, tôi có thể vận động các đồng chí trong đơn vị quyên góp, ủng hộ sách cho phòng đọc. Đơn vị có thể phối hợp với đơn vị kết nghĩa trên địa bàn đóng quân (trường học) tổ chức buổi hội sách trong phạm vi cho phép để cán bộ, chiến sĩ đơn vị, học sinh có điều kiện thuận lợi tiếp cận được nhiều cuốn sách hay”.

Đọc sách trở thành một thói quen không thể thiếu của cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Nguyễn Ninh

Trên đảo Sơn Ca, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, dù thời gian huấn luyện nhiều nhưng Thượng úy Đặng Anh Tuấn, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân thường xuyên đọc sách vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Tuấn khẳng định: Đọc sách là một thói quen, một món ăn tinh thần không thể thiếu hằng ngày của chúng tôi. Tôi mong rằng mọi người hãy chung tay quyên góp và dành tặng, chia sẻ sách để bạn đọc trên mọi miền của Tổ quốc, nhất là vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều khó khăn có cơ hội được đọc sách và đọc sách nhiều hơn nữa. Hãy đọc sách để mỗi chúng ta và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”.

Cuộc thi đang dần khép lại. Giải thưởng sẽ được Ban tổ chức công bố và trao đến các thí sinh có bài thi chất lượng tốt. Song điều quan trọng nhất sau hội thi là phong trào đọc sách sẽ được lan tỏa sâu rộng, thực chất, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội ngày càng phong phú, lành mạnh, tốt đẹp hơn.

Bài, ảnh: Duy Khánh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn