Khoa Chỉ huy-Tham mưu, Học viện Hải quân: Tăng cường bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên
HQ Online -
Với phương châm “muốn trò giỏi trước hết thầy phải giỏi”, những năm qua, Khoa Chỉ huy-Tham mưu (CH-TM), Học viện Hải quân luôn coi trọng công tác bồi dưỡng, chuẩn hóa, nâng cao trình độ toàn diện cho đội ngũ giảng viên.
Chúng tôi đến tham quan buổi giảng mẫu do Đại tá, ThS Ngô Vương Tuấn, một giảng viên giàu kinh nghiệm của Khoa CH-TM thực hiện. Đây là một trong những hoạt động phương pháp được Khoa duy trì đều đặn từ nhiều năm nay. Tất cả cán bộ, giảng viên trong Khoa nếu không có giờ đứng lớp đều tham dự để học tập. Bài giảng mẫu kết thúc, Đại tá, TS Phạm Hồng Minh, Chủ nhiệm Khoa lên chủ trì rút kinh nghiệm. Các giảng viên đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận dân chủ, nhằm điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy cho phù hợp hơn.
Một buổi rút kinh nghiệm phương pháp giảng dạy ở Khoa CH-TM
Đại tá, TS Phạm Hồng Minh cho biết: “Học viện Hải quân đang phát triển theo mô hình nhà trường thông minh, tiếp cận công nghệ 4.0, đổi mới phương pháp dạy-học theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm, đáp ứng chuẩn đầu ra. Vì vậy, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giảng viên là khâu quan trọng hàng đầu, bởi “thầy có giỏi thì trò mới giỏi”. Ngoài tổ chức giảng mẫu, dự giờ, dự giảng để học tập, rút kinh nghiệm, chúng tôi còn giao nhiệm vụ cho giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu và viết chuyên đề. Trung bình mỗi năm, một giảng viên thực hành 3 bài giảng mẫu trở lên, dự giảng 10 tiết, tham gia ít nhất 1 công trình nghiên cứu và viết 1-2 bài báo cho các tạp chí. Đối với giảng viên trẻ, mới về Khoa công tác, chúng tôi yêu cầu phải giảng thử từ bộ môn tới Khoa, nếu đạt yêu cầu mới đề nghị Học viện công nhận đủ điều kiện giảng bài cho học viên.”
Đặc thù đối tượng đào tạo của Khoa CH-TM là phần lớn học viên đã kinh qua chức vụ chỉ huy, quản lý ở đơn vị cơ sở, có trình độ và kinh nghiệm công tác, được tuyển chọn, quy hoạch phát triển lên cấp cao hơn. Chính vì vậy, đội ngũ giảng viên của Khoa phải không ngừng học tập, bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ, phù hợp với đối tượng học viên, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo ngày càng cao của Học viện và sự phát triển của thực tiễn.
Cán bộ Khoa CH-TM quán triệt quy chế thi cho học viên trung cao
Tốt nghiệp Học viện Hải quân, sau thời gian thực tế tại đơn vị, Trung tá Nguyễn Thanh Hải vừa hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ khoa học quân sự và hiện là Chủ nhiệm bộ môn Trinh sát Hải quân, Khoa CH-TM. Anh Hải chia sẻ: “Để trở thành một giảng viên giỏi nghề, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của Học viện và Khoa thì các giảng viên, nhất là giảng viên trẻ, phải nỗ lực học tập, bền bỉ phấn đấu, trong đó cần 3 đến 5 năm để đào tạo chuẩn hóa về trình độ học vấn (thạc sĩ, tiến sĩ). Đây là điều kiện quan trọng, bắt buộc. Nhưng không chỉ có vậy, giảng viên phải liên tục được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng trong suốt quá trình công tác”.
Chỉ có qua thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hoạt động phương pháp tại Khoa, các giảng viên mới rút được kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng sư phạm. Đặc biệt, ngày nay, các đối tượng đào tạo có trình độ cao, họ mong muốn được truyền thụ những cái mà họ cần chứ không phải cái mà người dạy có. Người dạy từ chỗ truyền thụ kiến thức một chiều đã dần trở thành người định hướng, dẫn dắt, truyền cảm hứng nghiên cứu, tìm tòi cho người học. Điều đó đòi hỏi giảng viên phải biết tự nâng trình độ của mình lên, nếu không sẽ tụt hậu, không đáp ứng được yêu cầu.
Thượng tá, TS Nguyễn Đăng Thành, Phó Chủ nhiệm, Bí thư Chi bộ Khoa CH-TM cho biết: “Chúng tôi đưa nội dung bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ giảng viên vào nghị quyết lãnh đạo của Chi bộ Khoa để triển khai thực hiện. Hằng năm, Khoa chủ động lựa chọn, phát hiện nguồn, đề nghị Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện bổ sung đủ số lượng giảng viên đồng thời cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và thực tế tại đơn vị nhằm chuẩn hóa cả về trình độ học vấn, chức vụ, chức danh và kinh nghiệm thực tiễn. Qua đó các giảng viên cập nhật kiến thức mới, nhất là sự phát triển vũ khí trang bị ở các đơn vị vào nội dung giảng dạy. Khoa cũng khuyến khích giảng viên tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ mới vào dạy học. Hiện nay, 100% giảng viên của Khoa có trình độ đại học, trong đó 86% sau đại học, 19% tiến sĩ, 5 đồng chí đạt giảng viên giỏi cấp Bộ và Học viện. Đây là điều kiện thuận lợi để Khoa đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học”.
Nhờ làm tốt công tác bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên yêu nghề, tâm huyết, trách nhiệm nên những năm qua Khoa CH-TM luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào thành tích giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện. Năm học vừa qua, Khoa đã biên soạn được 20 tài liệu, giáo trình; nghiên cứu 5 đề tài khoa học và viết 25 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học. Ba năm liền 2018-2020, Khoa được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”. Năm học 2018-2019 và 2019-2020, tập thể Khoa và cá nhân đồng chí Chủ nhiệm Khoa được Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu tặng Bằng khen.
Năm học 2020-2021 vừa khai giảng. Đây là năm học bản lề, năm đầu Học viện Hải quân triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Những thành tích đã đạt được là cơ sở để Khoa CH-TM tiếp tục phát huy, góp phần xây dựng Học viện theo mô hình nhà trường thông minh, định hướng ứng dụng trong giai đoạn phát triển mới.
Bài, ảnh: Khắc Ngọc
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Chương trình “Hướng về biển, đảo Tổ quốc” tại Vùng 3 Hải quân - ( 22-12-24 03:00 )
- Quân đội anh hùng, trung - hiếu sắt son - ( 22-12-24 12:00 )
- Quán triệt quan điểm của Đảng, xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại - ( 22-12-24 08:00 )
- Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm trang sử hào hùng - ( 22-12-24 08:00 )
- Phát huy truyền thống anh hùng, sự nghiệp vẻ vang, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - ( 22-12-24 08:00 )