Khai mạc phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 13-6, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khóa XIII khai mạc phiên họp thứ 49, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân và sự điều hành của các Phó Chủ tịch QH.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp.

Buổi sáng, các đại biểu tập trung cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV. Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Thời gian làm việc của kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV khoảng chín ngày, dự kiến khai mạc ngày 20-7 và bế mạc ngày 30-7-2016. Tại kỳ họp này, QH sẽ dành phần lớn thời gian xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước, đây là nội dung trọng tâm của kỳ họp. Trong nội dung chương trình kỳ họp, QH sẽ nghe Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, kết quả xác nhận tư cách đại biểu QH được bầu.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí tán thành dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV; cho rằng nội dung xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước là nội dung trọng tâm, vì thế nên dành phần lớn thời gian của kỳ họp để xem xét, quyết định công tác nhân sự. Bên cạnh đó, tại kỳ họp đầu tiên khóa mới, QH sẽ thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2017; xem xét, thông qua Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết hoặc quyết định các vấn đề cần thiết.

Đề cập các nội dung chuẩn bị từ nay đến kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, với những hồ sơ đại biểu trình được chuẩn bị cẩn thận để QH phê chuẩn, những đại biểu có thông tin mới cần được cập nhật bổ sung theo quy định. Theo quy định, sau kết quả bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia xác nhận tư cách đại biểu QH và cấp giấy chứng nhận. Tổng Thư ký QH sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn thiện, trình Ủy ban TVQH cho ý kiến lần cuối tại phiên họp thứ 50, trước khi trình ra QH.

Tại phiên họp hôm qua, các đại biểu đã nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm, do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày. Theo đó, một số ý kiến đề nghị làm rõ địa vị pháp lý và tính chất tự quản của Đoàn Hội thẩm. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban TVQH, Ủy ban Tư pháp đã chỉnh lý quy định cụ thể tại Điều 3: Đoàn Hội thẩm là hình thức tổ chức tự quản của các hội thẩm, không phải là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, không phải là hội theo quy định của pháp luật về hội. Đoàn Hội thẩm không có con dấu, không có tài khoản độc lập, không có bộ phận giúp việc chuyên trách, chỉ là tổ chức để các hội thẩm trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ xét xử, nâng cao trình độ nghiệp vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức của người hội thẩm...

Có ý kiến đề nghị làm rõ cách thức Đoàn Hội thẩm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên trong Đoàn. Ủy ban Tư pháp thấy rằng, hội thẩm có nhiệm vụ cùng thẩm phán tiến hành xét xử các vụ án theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện nhiệm vụ, hội thẩm cũng phải chịu nhiều áp lực, nhất là việc bảo đảm tính độc lập trong xét xử. Vì vậy, quy định Đoàn Hội thẩm có nhiệm vụ “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội thẩm” là biện pháp để bảo vệ hội thẩm. Theo số liệu báo cáo, hiện nay có 710 Tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện, 63 TAND cấp tỉnh. Như vậy sẽ có 773 đoàn hội thẩm nhân dân, tổng số trưởng đoàn có 773 người.

Về quy định Đoàn Hội thẩm tham gia ý kiến với TAND cùng cấp về việc nâng cao chất lượng công tác xét xử của hội thẩm, một số ý kiến bày tỏ băn khoăn vì luật quy định hội thẩm nhân dân là độc lập, tham gia trong xét xử để bảo vệ công lý. Về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, không nên quy định cái gì vượt quá Luật Tổ chức TAND, vượt chức năng, quyền hạn của tòa án. Để nâng cao chất lượng xét xử, khi chọn hội thẩm cần chọn người có đủ trình độ, năng lực và người này phải tự thấy trách nhiệm của mình trong quá trình tham gia xét xử để góp phần nâng cao chất lượng xét xử...

Các ý kiến trong Ủy ban TVQH cơ bản nhất trí quy định Đoàn Hội thẩm nhân dân bao gồm các hội thẩm nhân dân được bầu để thực hiện nhiệm vụ xét xử tại mỗi TAND cấp tỉnh, cấp huyện, với số lượng được quy định. Đoàn Hội thẩm nhân dân có trưởng đoàn, phó trưởng đoàn và các hội thẩm nhân dân là thành viên. Sau khi thảo luận, Ủy ban TVQH đã biểu quyết thông qua dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm.

Buổi chiều, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về: Tờ trình của Chánh án TAND tối cao về trang phục thẩm phán, hội thẩm, Giấy chứng minh thẩm phán và hội thẩm; chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức trong TAND; việc bổ sung số lượng thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp; và Tờ trình của Viện trưởng KSND tối cao về chế độ phụ cấp đối với kiểm sát viên KSND tối cao.

Theo NDDT

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn