Kết quả tự kiểm tra nồng độ cồn chỉ nên tham khảo

Trước việc lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) ra quân xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, nhiều người dân đã mua máy để tự kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, kết quả tự kiểm tra nồng độ cồn chỉ nên dùng để tham khảo.

Vào công cụ tìm kiếm Google và gõ từ khóa “máy đo nồng độ cồn”, chỉ trong 0,27 giây đã cho ra khoảng 2,69 triệu kết quả. Theo tìm hiểu của chúng tôi, máy đo nồng độ cồn được rao bán trên các trang mạng có giá dao động từ 250.000 đồng đến 25,5 triệu đồng. Gọi điện đến số điện thoại 0918.486.xxx, chúng tôi được nhân viên ở một siêu thị trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: “Cửa hàng bán rất nhiều loại máy đo nồng độ cồn, chủ yếu xuất xứ từ Hàn Quốc, Trung Quốc với giá từ gần 2 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng/chiếc. Độ chính xác của máy chênh lệch với thiết bị chuyên dụng của CSGT khoảng 2%. Nguyên nhân vì ống thổi của thiết bị chuyên dụng rất đắt tiền nên nhạy và chính xác hơn”. Liên hệ với người có số điện thoại 0889.392.xxx của một công ty ở phường 9, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) thông tin: Công ty hiện bán nhiều loại máy kiểm tra nồng độ cồn, giá thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất là 55 triệu đồng và đầy đủ hóa đơn, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. 

Kết quả tự kiểm tra nồng độ cồn chỉ nên tham khảo

Các trang mạng chào bán máy đo nồng độ cồn có nhiều mức giá khác nhau

Theo một cán bộ (đề nghị không nêu tên) của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Việt Nam: Nhiều thiết bị đo nồng độ cồn được bán trên mạng hiện nay chưa được phê duyệt mẫu, kiểm định chất lượng nên sẽ không có căn cứ khẳng định kết quả và không được kinh doanh. Điều này khác hẳn với các thiết bị được lực lượng CSGT sử dụng có công nghệ hiện đại nên cho độ chính xác gần như tuyệt đối. Hơn nữa, các thiết bị này được kiểm định theo đúng quy định tại Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ với chu kỳ kiểm định 12 tháng; máy đo nồng độ cồn đạt tiêu chuẩn phải dán tem kiểm định và còn trong thời hạn giá trị ghi trên tem. Đồng thời, các thiết bị này phải đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định theo văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam ĐLVN 107:2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ về phương tiện đo hàm lượng cồn trong hơi thở, được cấp chứng chỉ kiểm định như tem kiểm định, dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định theo quy định.

Ngày 20/2 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội), phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Đống Đa tiến hành kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh trang thiết bị vật tư y tế tại phường Phương Mai (Đống Đa). Tại một số địa điểm kinh doanh trên phố Phương Mai, phường Phương Mai, đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng hóa vi phạm do kinh doanh hàng hóa nhập lậu là máy đo nồng độ cồn trong hơi thở, mã CA 2000, nhãn chữ nước ngoài, không dán tem kiểm định chất lượng hoặc không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Ông Phạm Ngọc Oanh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 cảnh báo: “Nhà nước có những văn bản quy định quản lý về phương tiện đo và phải có kiểm định. Khi mua những phương tiện này, người dân cần xem xét rất kỹ hàng hóa có nhãn gốc và có tem kiểm định chất lượng thì mới mua, sử dụng. Các trường hợp kinh doanh thiết bị đo nồng độ cồn không đúng quy định sẽ bị xử lý theo pháp luật, tùy vào mức độ vi phạm”.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) khuyến cáo: “Người dân có thể mua những máy này để tham khảo. Tuy nhiên, về những giá trị xử lý vi phạm theo quy định nồng độ cồn thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Những máy đó thì phải là thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được lực lượng chức năng sử dụng. Các thiết bị này được kiểm định và thỏa mãn giữa 2 kỳ kiểm định theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ. Chỉ kết quả của thiết bị này đem lại mới có giá trị xử phạt vi phạm hành chính”.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn