Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết: Từ năm 2020, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G thành công ở 55 tỉnh, thành phố. Sự phát triển nhảy vọt của công nghệ mới, gia tăng theo cấp số nhân của kết nối thông minh đã khiến mạng 2G và 3G không còn đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Với các nhà mạng, chi phí vận hành cùng lúc mạng 2G, 3G, 4G, 5G rất tốn kém. Do đó, Bộ TT&TT đã có chủ chương tắt sóng 2G nhằm tối ưu việc quy hoạch tần số, hạ tầng mạng lưới viễn thông, chi phí vận hành nhằm đáp ứng với yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia, thực hiện nhiều việc trên môi trường số.
Để chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G, Bộ TT&TT đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất buộc các thiết bị di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ từ 4G trở lên. Từ ngày 1/7/2021, Việt Nam dừng nhập khẩu với máy điện thoại 2G only và từ ngày 1/3/2024, doanh nghiệp di động không được phép nhập mạng mới các máy điện thoại di động 2G only. Cùng với đó, Cục Viễn thông cũng yêu cầu nhà mạng truyền thông rộng rãi nội dung trên tới khách hàng.
Rõ ràng, tắt sóng 2G là xu thế tất yếu khi 102 quốc gia trên thế giới đã thực hiện thành công tắt sóng 2G và đang đẩy mạnh các mạng di động khác. Tuy vậy, các chuyên gia, nhà mạng đều nhận định, đây là chính sách có tác động xã hội lớn khi tỷ lệ người dùng 2G còn cao.
Mặc dù, từ tháng 4/2020 đến nay, số lượng thuê bao 2G đã giảm mạnh từ hơn 60 triệu thuê bao xuống còn 15 triệu thuê bao. Nhưng để hướng đến mục tiêu 100% người dùng tại Việt Nam có điện thoại thông minh vào cuối năm 2024, các nhà mạng đang phải nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ nâng cấp mạng lên 4G cho 16% khách hàng chưa sử dụng điện thoại thông minh.
Cụ thể, VinaPhone còn gần 3 triệu thuê bao 2G; MobiFone còn khoảng 3 triệu thuê bao dùng 2G; Viettel ước tính còn tới 9 triệu thuê bao 2G... Phần lớn lượng thuê bao 2G là người dân nghèo, ở vùng sâu, vùng xa. Việc bỏ ra chi phí để thay điện thoại thông minh đối với nhiều người là một vấn đề lớn.
Trước tình hình số lượng thuê bao 2G chưa giảm nhanh như kỳ vọng, ảnh hưởng đến lộ trình tắt sóng 2G, Bộ TT&TT phải triển khai phương án sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích tài trợ 400.000 máy điện thoại 4G để hỗ trợ các đối tượng ưu tiên ở vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong việc chuyển đổi sang công nghệ mới. Ngành TT&TT cũng phối hợp cùng chính quyền địa phương, huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người dân thuộc diện chính sách có thể chuyển đổi sang 4G một cách đồng bộ.
Được biết, Viettel đang có chương trình hỗ trợ khách hàng chuyển đổi 2G lên 4G lên đến 50% giá máy, chỉ gần 300.000 đồng/máy. VNPT cũng có kế hoạch sản xuất smartphone 4G giá rẻ hỗ trợ người dùng...
Các chuyên gia mạng không dây khuyến nghị Việt Nam cần quyết liệt thực hiện đúng lộ trình tắt sóng 2G. Việc tắt sóng những công nghệ cũ như 2G, 3G sẽ loại bỏ những dịch vụ chất lượng thấp, tốc độ thấp và tiến đến sử dụng dịch vụ chất lượng cao, tốc độ cao, từ đó giúp sớm đưa cả xã hội lên môi trường số.
Lợi ích không chỉ ở chỗ Nhà nước giải phóng được băng tần công nghệ cũ để chuyển sang dùng cho các công nghệ mới có hiệu quả sử dụng cao hơn, mà doanh nghiệp sẽ được loại bỏ công nghệ cũ, giảm bớt chi phí khai thác và góp phần phát triển công nghệ xanh. Đặc biệt, người dân sử dụng điện thoại thông minh sẽ tiếp cận nhanh với môi trường số, dịch vụ trên băng rộng di động, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.
PV (TH)