Hồn quê giữa lòng thành phố biển

HQVN -

Bên cạnh những bãi biển thơ mộng trải dài hàng cây số với nhiều đảo nhỏ cùng những khu nghỉ dưỡng cao cấp, các địa điểm tham quan nổi tiếng như Tháp bà Ponagar, thành cổ Diên Khánh, khu du lịch Vinpear Land…Khi đến thăm Nha Trang, du khách không thể bỏ qua làng nghề Trường Sơn-làng nghề thủ công truyền thống nằm ngay giữa lòng thành phố biển.

Với sự phát triển nhanh của xã hội hiện đại, những làng nghề truyền thống dần trở nên mai một. Vì vậy, một làng nghề thủ công mỹ nghệ ngay giữa lòng TP.  Nha Trang được xem như “địa chỉ đỏ” để lưu giữ hồn quê, chắt lọc những nét đẹp trong cuộc sống hằng ngày của làng quê Việt Nam phục vụ du khách thập phương tham quan, thưởng lãm.

 Được xây dựng từ năm 2014 trên khuôn viên rộng gần 2ha thuộc phường Phước Long, TP. Nha Trang, làng nghề Trường Sơn do Công ty Cổ phần Chế biến lâm thủy sản Khánh Hòa làm chủ đầu tư nhằm bảo tồn các nghề thủ công truyền thống. Với mục tiêu triển lãm, giới thiệu, trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, làng nghề Trường Sơn đến nay đã đạt 10 kỷ lục Việt Nam về thủ công mỹ nghệ và văn hóa.

Du khách tham quan làng nghề

Những nông cụ, ngư cụ của làng nghề được chắt lọc từ vật dụng quen thuộc của người nông dân, ngư dân các làng chài ven biển như thuyền thúng, thuyền câu, lưới đánh cá, ghế mây, chiếu cói, nón lá... Đây là những công cụ gắn liền với cuộc sống lao động, sản xuất của người dân. Với đôi tay tài hoa của các nghệ nhân đã phục dựng lại một cách sáng tạo, nâng tầm lên ở mức độ nghệ thuật. Mỗi sản phẩm trưng bày vừa để lưu giữ nét văn hoá vừa để phục vụ du khách, góp phần quảng bá vẻ đẹp bình dị của cuộc sống làng quê Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Cùng với các nghệ nhân phục hồi nhiều ngành nghề thủ công truyền thống như: Nghề dệt chiếu Vĩnh Thái, gốm nghệ thuật Lư Cấm, đan lưới Vĩnh Trường, nón lá Diên Khánh, ốc mỹ nghệ Vĩnh Nguyên… Việc phục hồi nghề truyền thống tại làng nghề Trường Sơn không chỉ tạo “đất diễn” cho hàng chục nghệ nhân tại TP. Nha Trang mà còn hồi sinh cuộc sống bình dị, mộc mạc của các làng quê Việt Nam.

Chị Nguyễn Thị Kim Lệ, nghệ nhân dệt chiếu tại làng nghề Trường Sơn cho biết: Mấy năm trở lại đây, nghề dệt chiếu truyền thống gặp nhiều khó khăn, nguy cơ bị mai một bởi máy móc hiện đại. Mặt khác, diện tích đất trồng cói bị thu hẹp do sự phát triển nóng của đô thị, vì vậy sợi chiếu nhựa thay thế sợi cói, máy móc thay thế con người. Nghề dệt chiếu thủ công không đủ sức nuôi sống người dân. Vì vậy, nhiều người không còn mặn mà với nghề dệt chiếu truyền thống. Chính làng nghề Trường Sơn là nơi mà chị cùng với các nghệ nhân khác, với trách nhiệm nặng nề, khôi phục và làm sống lại các ngành nghề thủ công truyền thống mà bao đời nay, các thế hệ cha ông đã từng làm.

Thời gian gần đây, làng nghề Trường Sơn bắt đầu thu hút một số công ty lữ hành phục vụ khách quốc tế, nhất là du khách Trung Quốc ghé thăm ngày càng đông để tìm hiểu ngành nghề truyền thống cũng như nét đẹp văn hóa của vùng đất xứ Trầm Hương. Theo bà Lê Thị Lệ Hạnh, Quản lý làng nghề Trường Sơn, làng nghề này được hình thành với mục đích trở thành khu triển lãm có kiến trúc mang đậm tính dân gian, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cây cảnh… của tỉnh Khánh Hòa. Đặc biệt, làng nghề nhận được sự cộng tác thường xuyên của các nghệ nhân tranh cát, các nhà điêu khắc và một số nhạc sĩ thường xuyên biểu diễn tại đây để phục vụ du khách.

Cùng với Bảo tàng Hải dương học, Bảo tàng A.Yersin, di tích Tháp Bà Ponagar, thắng cảnh Hòn Chồng, làng nghề Trường Sơn nằm trong chuỗi các điểm đến tham quan hấp dẫn cho du khách mỗi lần ghé Nha Trang. Đó là tín hiệu tốt để lan toả nét đẹp bản sắc văn hoá vùng miền, là cơ sở để mọi người chung tay giữ gìn, bảo tồn, phát triển những giá trị tốt đẹp của các làng nghề truyền thống Việt Nam nói chung, Khánh Hoà nói riêng.

Bài, ảnh: Hồ Anh Mão

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn