Hơn cả tình yêu

HQVN -

Những ngày cuối năm có thể chậm rãi với người này nhưng lại vội vã với người kia. Bởi có người muốn nấn ná với kỷ niệm, có người lại mong đợi điều gì đó tươi sáng hơn ở phía trước. Dẫu thế, ai trong chúng ta cũng cần mùa xuân để nhớ nhung và hy vọng, để tha thiết sống.

Dạt dào cảm xúc

Những ngày này, Hà Nội trở nên tươi thắm hơn với hương sắc mùa xuân tràn ngập từng con đường, góc phố. Hòa cùng dòng người hối hả xuôi ngược trên đường Nguyễn Chí Thanh-một trong những con đường đẹp nhất Thủ đô, chúng tôi vội vã đến điểm hẹn gặp gỡ một “bóng hồng” của Trường Đại học Văn hóa-Nghệ thuật (VHNT) Quân đội.

Từ giảng đường bước ra, nữ giảng viên xinh đẹp Đỗ Tố Hoa đón chúng tôi bằng nụ cười tỏa nắng. Gặp lại sau 8 tháng chia tay khi kết thúc hải trình thăm quân dân huyện đảoTrường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, Tố Hoa mừng rỡ khoe: Vậy là em đã hoàn thành lời hứa với các đồng chí, đồng đội nơi đầu sóng, ngọn gió và thành viên Phòng 325, Tàu KN491 rồi nhé. Dù 2023 là một năm đầy khó khăn, thử thách trong lĩnh vực âm nhạc, album “Hát giữa trùng khơi” ra đời đã chứng minh tình yêu vô bờ của em đối với biển, đảo và người lính biển đồng thời cũng là một điểm nhấn trong sự nghiệp nghệ thuật của em.

Tố Hoa hát tặng Trung úy QNCN Nguyễn Văn Bình, Nhà giàn DK1/12

Mọi người biết đến Đại úy, thạc sĩ, ca sĩ Đỗ Tố Hoa là người có giọng hát Soprano trong trẻo, thánh thót, được mệnh danh là “chim sơn ca” của núi rừng Tuyên Quang. Trưởng thành từ “bệ phóng” Sao Mai với dòng nhạc thính phòng, Tố Hoa có thời gian tu nghiệp thạc sĩ chuyên ngành thanh nhạc biểu diễn tại Trung Quốc. Cô đã đạt được nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi, hội diễn ca nhạc ở trong và ngoài nước.

Tố Hoa từng chia sẻ với chúng tôi lúc còn ở trên biển, cách đây 12 năm, khi đang là sinh viên lớp Trung cấp thanh nhạc của Trường Đại học VHNT Quân đội, cô đã được nhà trường giao nhiệm vụ ra biểu diễn văn nghệ phục vụ quân dân Trường Sa. “Năm nay là lần thứ 2 em có vinh dự đến Trường Sa và cảm xúc thật khác biệt. Trường Sa nay đã đổi thay từ cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt đến cảnh quan… mọi thứ tốt đẹp hơn rất nhiều”-Hoa khẳng định.

Nữ giảng viên trẻ nhanh tay mở các nền tảng nhạc số như: Youtube, Apple Mussic, Spotify… để chúng tôi được thưởng thức trọn vẹn allbum “Hát giữa trùng khơi” với 5 ca khúc đặc sắc về Trường Sa: Nơi đảo xa, Gần lắm Trường Sa, Tự nguyện, Biển hát cùng em, Tình em biển cả. Các ca khúc này đều đã cũ nhưng được hòa âm, phối khí lại bằng một hơi thở mới, tinh thần mới và giọng ca mới.

Khi hát ca khúc “Tự nguyện” của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, Tố Hoa thấm thía hơn tấm lòng người chiến sĩ Hải quân khao khát tự do cùng mơ ước giản đơn tựa như lời ca: “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương. Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm. Là người, tôi sẽ chết cho quê hương”.

Đặc biệt trong album này, Tố Hoa hát “Gần lắm Trường Sa”. Đây là bài hát NSƯT Thanh Thúy thể hiện rất thành công theo dòng nhạc Bolero. Cách luyến của Thanh Thúy ở trong bài hát bất kỳ ai cũng không thể làm khác. Tuy nhiên, Tố Hoa mạnh dạn làm mới trên nền cũ để thính giả thấy được màu khác của cô là “dân Opera” hát Bolero.

Còn bài “Tình em biển cả” thường do nam hoặc nữ hát, ít khi song ca thì lần này Tố Hoa mời NSƯT Lương Huy cùng hát. Ngay lập tức, tiết mục này đã được các đài truyền hình quan tâm, đặt hàng.

Lan tỏa tình yêu biển, đảo

Ngồi nhâm nhi ly cà phê, ngắm dòng người lướt qua hối hả và nghe lời ca da diết phát ra từ chiếc laptop: “Lướt sóng con tàu mang tín hiệu trong đất liền/Mắt em nhìn theo con tàu đi xa mãi/Giữa nơi biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô/Cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em…”, bất giác nhớ ra tôi hỏi: Kỷ niệm nhớ nhất trong chuyến vượt trùng khơi ra năm nay của Tố Hoa là gì? Không chần chừ, cô kể lại chuyện về người lính nhà giàn tên Nguyễn Văn Bình khiến cả nhóm xúc động rơi lệ.

Trong lúc cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/12 đang tất bật đón đại biểu lên thăm, Hoa cùng đồng đội đi tham quan khắp nhà giàn. Bỗng cô phát hiện Trung úy QNCN Nguyễn Văn Bình một mình bồng súng canh gác trên sân đỗ trực thăng. Sức nóng của mặt trời tỏa xuống cộng hưởng cùng hơi nóng của sàn kim loại hắt lên làm cho mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt anh. Hỏi ra, cô được biết anh đã đứng đó gần 5 giờ đồng hồ rồi. Khi thấy cô có ý định leo lên hát tặng mình, anh lính nói vọng xuống: “Văn công ơi, đừng đến, ở đây nắng lắm. Văn công phải giữ gìn nhan sắc chứ”.  “Lúc đấy nước mắt mình cứ trào ra. Đó là giọt nước mắt của tình yêu thương, niềm tự hào được là đồng chí, đồng đội với những con người có lý tưởng cao đẹp đến vậy”-Hoa kể lại.

Phút lưu luyến chia tay đảo

Rồi cô cất cao tiếng hát tặng riêng khán giả đặc biệt ấy. Cô hát say mê giữa sân khấu bao la rộng lớn với ánh sáng huyền ảo là những tia nắng rực rỡ, những ánh sáng lung linh trên mặt biển và tiếng sóng rì rào. Tiếng hát ngân dài trên mặt biển như nhắc nhớ về một phần máu thịt của Tổ quốc giữa khơi xa, thấm vào tâm khảm của những người ở đó. Trung úy QNCN Bình tâm sự: “Nếu không phải đang làm nhiệm vụ chắc tôi đã không cầm được nước mắt trước tình cảm của ca sĩ và mọi người dành cho mình. Đây là khoảnh khắc quý giá, là động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến cho đất nước”.

Suốt hải trình, nơi văn công trình diễn không phải là các sân khấu lớn hoa lệ như trong đất liền. Sân khấu ở đây có thể là góc sân dưới tán cây bàng quả vuông, là nhà bếp, là ban công nhỏ hướng ra biển... Anh chị em nghệ sĩ được thể hiện tình yêu thương, truyền thêm năng lượng cho cán bộ, chiến sĩ và người dân ở đảo nên luôn hát hết mình, hát bằng cả trái tim, hát khàn cả giọng. Lần nào cũng vậy, khi về tàu đều phải ngậm chanh với muối; ấy vậy mà gặp bộ đội là quên hết mệt nhọc và lại hát. Các anh chị em luôn đi những chuyến xuồng đầu tiên vào đảo và chuyến xuồng cuối về tàu để có nhiều nhất thời gian phục vụ, giao lưu với bộ đội và nhân dân.

Điều chúng tôi ghi nhận được suốt chuyến công tác là lên mỗi điểm đảo, nhà giàn, ca sĩ Tố Hoa thường tìm gặp, trò chuyện, động viên những người lính trẻ đang làm nhiệm vụ. Cô cho rằng họ thực sự là những người hùng, những “idol” bởi họ đã hiện thực hóa lý tưởng, hiện thực hóa tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc bằng việc làm thực tế, bằng sự cống hiến của tuổi trẻ.

Nghe những tâm sự của nữ giảng viên xinh đẹp Tố Hoa, chúng tôi cảm nhận được Xuân đã về thật rồi. Không phải chỉ trong không khí đất trời, trong câu hát hay điệu nhạc mà còn là trong từng khoảnh khắc lắng đọng, khi tâm hồn hướng ra nơi biển rộng, giành trọn dù chỉ đôi phút cho những gì cao đẹp và thiêng liêng.

Bài, ảnh: Phúc Vinh

Ca sĩ Tố Hoa đạt giải Nhất Cuộc thi “Tiếng hát hữu nghị Việt Trung” năm 2014; Huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân, năm 2015: quán quân cuộc thi “Đại lộ ngôi sao” do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV tổ chức tại Bắc Kinh, năm 2016; giải Nhất dòng nhạc thính phòng Cuộc thi Sao Mai, năm 2017; giải Nhất cá nhân và giải Nhì hạng mục hát song ca trong cuộc thi biểu diễn nghệ thuật “Đội quân văn hóa” tại Hội thao quân sự quốc tế Army Games, năm 2022.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn