Hội thảo khoa học: Hoạt động tác chiến của Quân chủng Hải quân trên vùng biển, ven biển Cam-pu-chia trong giai đoạn 1978 -1979

HQ Online -

Sáng 25-5, tại Hải Phòng, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hoạt động tác chiến của Quân chủng Hải quân trên vùng biển, ven biển Cam-pu-chia trong giai đoạn 1978-1979”. Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng, Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Hải quân; Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân cùng các tướng lĩnh, thủ trưởng các cơ quan Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, các nhân chứng lịch sử.

Quang cảnh hội thảo

Các ý kiến tham gia hội thảo đã làm rõ hơn tầm vóc, giá trị lịch sử và những đóng góp của Quân chủng Hải quân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam 1978-1979; những bài học kinh nghiệm có giá trị về vận dụng nghệ thuật quân sự trong chiến tranh, đặc biệt là bài học về tổ chức, chuẩn bị và thực hành tác chiến trên biển. Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và phát triển lý luận tổ chức các loại hình chiến dịch trên biển, trong đó có chiến dịch đổ bộ đường biển của quân đội ta trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đồng thời tri ân cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia chiến đấu, góp phần giúp nước bạn Cam-pu-chia giải phóng đất nước, thoát khỏi họa diệt chủng do bè lũ Khơ-me Đỏ gây ra.

Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo đã làm rõ luận điểm quan trọng “Hoạt động tác chiến của Quân chủng Hải quân bắt đầu từ ngày 6-1-1979 trên vùng biển, ven biển Cam-pu-chia, mở đầu bằng cuộc đổ bộ đường biển lên bãi biển Tà Lơn”. Cuộc tiến công này hoàn toàn xứng đáng được công nhận là chiến dịch đổ bộ đường biển do Quân chủng Hải quân làm nòng cốt phối hợp với một số lực lượng khác tiến hành, mặc dù có những hy sinh mất mát không tránh khỏi nhưng chiến dịch đã thành công, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ Bộ Tổng Tham mưu giao cho Quân chủng Hải quân.

Hội thảo đã đánh giá toàn diện hoạt động tác chiến của Quân chủng Hải quân trên vùng biển, ven biển Cam-pu-chia trong giai đoạn 1978-1979; tập trung làm rõ hoạt động tác chiến đổ bộ đường biển Tà Lơn năm 1979; từ đó đề xuất hướng nghiên cứu, phát triển lý luận về chiến dịch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Hải quân nhấn mạnh: Tổ chức hội thảo là cơ sở để Quân chủng Hải quân có thêm những luận điểm khoa học, khách quan, chắc chắn, từ đó đề nghị Bộ Quốc phòng chính thức công nhận cuộc tiến công đổ bộ Tà Lơn năm 1979 thành chiến dịch đổ bộ đường biển của Quân chủng Hải quân, đây là việc làm bình thường trong lịch sử quân sự thế giới. Ở nước ta cũng đã có tiền lệ, điển hình là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 của Quân chủng Phòng không-Không quân và một số lực lượng khác. Những gì thuộc về lịch sử thì chúng ta có trách nhiệm phải đánh giá khách quan, khoa học, toàn diện, lịch sử và phát triển. Chúng ta không thể làm sai lệch lịch sử, không khuếch trương thành tích tác chiến của mình mà trái lại, qua đây chúng ta tưởng nhớ và tri ân xứng đáng chiến công, sự hy sinh to lớn của những cán bộ, chiến sĩ đã tham gia và làm nên chiến dịch này.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo

Đồng chí Tư lệnh Hải quân cũng mong các vị tướng lĩnh; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong quân đội, các nhà khoa học cùng các nhân chứng lịch sử phát huy trí tuệ tập thể, giúp Quân chủng làm rõ, bổ sung những luận điểm mà đề tài khoa học cấp Quân chủng chưa phát hiện được để cuộc đổ bộ đường biển Tà Lơn được “trả về” với đúng tên gọi và quy mô-đó là chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn năm 1979.

Tin, ảnh: Quang Thanh, Đức Tuấn

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn