Hoang sơ Hòn Hèo

HQVN -

Bao giờ Hòn Đỏ mang tơi/ Hòn Hèo đội nón thì trời sắp mưa/ Câu ca có tự ngàn xưa/ Để người dân biết sớm trưa đi về

Nằm giữa một cụm các đảo lớn bé khác nhau như Hòn Rớ, Hòn Lao, Hòn Lăng, Hòn Thị... Hòn Hèo được bao bọc như một viên ngọc quý trong bức tranh toàn cảnh đầy sắc màu của vịnh Nha Trang. Biển Hòn Hèo phẳng lặng như gương, phản chiếu bầu trời xanh bao la. Từ trên cao nhìn xuống, ta chợt nhận ra rằng có một bầu trời xanh dưới đáy biển nối liền với bờ cát trắng mịn màng, trải dài còn vẹn nguyên nét mộc mạc, hoang sơ mà vô cùng quyến rũ.

Ngược dòng lịch sử, Hòn Hèo trước đây còn có tên gọi là núi Phước Hà, nằm ở phía Nam đầm Nha Phu thuộc địa phận thị xã Ninh Hòa, cách TP Nha Trang 15km theo đường chim bay. Ngư dân ở đây kể lại rằng, trên đỉnh Phước Hà có rất nhiều giống mây, một trong những loại dây leo có gióng to và dài, nhiều hoa văn, dễ uốn cong nhưng cực kỳ bền chắc. Vì vậy, ngày càng nhiều thợ mộc đã vượt biển ra đây khai thác về làm đồ thủ công mỹ nghệ như bàn, ghế, giỏ, làn… và đặc biệt là làm gậy chống, dân gian còn gọi là cây hèo hay gậy hèo. Từ đó, dân trong vùng gọi núi Phước Hà là Hòn Hèo cho đến tận ngày nay.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòn Hèo đã ghi dấu ấn đặc biệt với tấm gương quả cảm của 20 cán bộ, chiến sĩ Tàu C235 do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trong trận chiến cảm tử ở bến Hòn Hèo. 14 người trong số đó đã nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất Hòn Hèo, họ đã hy sinh anh dũng để đất nước được hòa bình, để biển Hòn Hèo ngày càng trong xanh, để mảnh đất này trở thành điểm đến thiêng liêng và hấp dẫn đối với khách thập phương.

Những ngày này, khi thành phố Nha Trang bắt đầu mở cửa trở lại đón du khách, mọi người lại được trải nghiệm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú, hoang sơ của thiên nhiên nơi đây: Hàng đàn gà rừng đi kiếm ăn sát tận nhà dân, rồi khỉ, voọc đầu trắng, heo rừng, nai… thường xuyên xuống tận rẫy, thậm chí sát mép biển để tìm kiếm thức ăn mà khách du lịch dành cho chúng. Hải sản nơi đây thật đa dạng, được khai thác ngay trong đầm Nha Phu gồm mực, cá mú, tôm, ghẹ, ốc hương, sò điệp… đều được cung ứng tại chỗ và phục vụ tận nơi.

Bên cạnh ẩm thực, du khách còn được trải nghiệm lặn ngắm san hô, chèo thuyền cay-ắc, ca-nô kéo, dù lượn… Đi sâu vào trong đảo, du khách có thể leo lên đỉnh núi, ngang qua một khu rừng ngập mặn để đến một con suối nước ngọt có tên là suối Hoa Lan với nhiều loại lan rừng quý hiếm. Một tảng đá nằm dưới chân suối khắc chữ Chàm, ghi sự kiện ngày xưa vua Chàm thường đến đây hành hương.

Theo bước chân người xưa, du khách sẽ gặp những ghềnh đá cheo leo hùng vĩ, nhiều ngọn thác nhiều dáng vẻ khác nhau, có thác cao tới 350m. Suối Hoa Lan được hình thành từ nhiều suối nhỏ, nước trong vắt chảy rầm rì hòa với tiếng chim kêu, phảng phất mùi hương rừng dịu nhẹ, mang một vẻ đẹp hoang sơ nguyên thủy. Suối chảy qua nhiều ghềnh thác cheo leo, trước khi đổ ra vịnh Nha Phu để hòa vào biển cả.

Không đơn giản chỉ đến rồi đi, những ai đã từng một lần ghé thăm Hòn Hèo, qua đêm yên bình cạnh những cánh rừng êm đềm và hiền hòa, từng hưởng cảm giác mát lạnh mỗi khi thả bước chân trần trên bãi cát trắng mịn màng hoang sơ, nghe tiếng sóng vỗ về như khúc hát quê hương, chắc chắn sẽ vương vấn mãi những nỗi nhớ khắc khoải chôn giấu nơi sâu thẳm tâm hồn. Bởi Hòn Hèo ngày nay hội tụ đủ yếu tố như một điểm đến linh thiêng, hấp dẫn lạ thường.

Anh Mão

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn