Hỏa tốc giảm ùn ứ ở cảng Cát Lái

Hàng hóa nhập đang lưu giữ tại cảng Cát Lái được cho phép vận chuyển đến cảng biển khác trên địa bàn TP.HCM và các cảng cạn với một số điều kiện, theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.

Container hàng xếp kín tại cảng Cát Lái những ngày này. Ảnh: Quang Định

Tổng cục Hải quan vừa có những hướng dẫn hỏa tốc về thủ tục hải quan tạm thời nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái (TP. Thủ Đức) trong giai đoạn dịch Covid-19. 

Theo hướng dẫn này, Tổng cục Hải quan cho phép vận chuyển hàng nhập từ cảng Cát Lái đến cảng biển khác để lưu giữ, miễn hàng không thuộc danh mục 14 loại hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập. 

Hàng muốn chuyển ra khỏi cảng Cát Lái cũng chưa phải đăng ký tờ khai nhập khẩu, không có dấu hiệu nghi vấn, vi phạm trong diện các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra theo thông báo của cơ quan hải quan. Và cuối cùng, toàn bộ lô hàng phải thuộc cùng một vận tải đơn, cùng một chủ hàng, về cùng một địa điểm lưu giữ hàng hóa.

Về điểm đến, Tổng cục cũng hướng dẫn hàng của doanh nghiệp tỉnh nào thì sẽ chuyển đến cảng biển tỉnh đó để lưu giữ theo quy định. Hàng nhập khẩu của doanh nghiệp Đồng Nai được chuyển về ICD Tân Cảng Long Bình hoặc ICD Tân Cảng Nhơn Trạch. Hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiêp tại tỉnh Bình Phước được vận chuyển về ICD Tân Cảng Sóng Thần. Hàng nhập khẩu của doanh nghiệp các tỉnh miền Tây được vận chuyển về Tân Cảng Hiệp Phước.

Các biện pháp này có hiệu lực áp dụng kể từ thời điểm ban hành văn bản đến thời điểm sau 15 ngày kể từ ngày UBND TP. HCM có thông báo tạm dừng thực hiện chỉ thị 16.

Để đảm bảo việc giám sát, thực hiện thủ tục hải quan, Tổng cục cũng giao Cục Hải quan TP. HCM chủ trì, phối hợp với cục hải quan các tỉnh, thành phố, các đơn vị khác liên quan quản lý, giám sát chặt chẽ đối với từng lô hàng khi bắt đầu vận chuyển từ cảng Cát Lái đến khi doanh nghiệp nhập khẩu hoàn thành thủ tục hải quan lấy hàng ra khỏi địa điểm lưu giữ.

Việc quản lý, theo dõi, giám sát, báo cáo tình trạng hàng hóa do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và doanh nghiệp quản lý địa điểm có hàng hóa vận chuyển đến chịu trách nhiệm quản lý.

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chịu mọi chi phí vận tải, lưu giữ đối với các lô hàng tồn đọng từ khi vận chuyển từ cảng Cát Lái đến cảng Tân Cảng Hiệp Phước và đến khi hoàn thành việc xử lý hàng tồn đọng, thời gian áp dụng phương án giải quyết việc lưu giữ, giám sát hàng hóa tồn đọng thực hiện đến hết ngày 31-12-2021.

Hiện nay, để đảm bảo duy trì hoạt động của các cảng biển khu vực phía Nam, đặc biệt là cảng Cát Lái đang có nguy cơ ùn tắc hàng hóa do doanh nghiệp chậm nhận hàng, nhiều giải pháp cấp bách đã được cơ quan chức năng triển khai. 

Trong đó, Cục Hàng hải Việt Nam ban hành quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương của Cục Hàng hải Việt Nam đồng thời công bố đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu làm hàng tại cảng Cát Lái.

Theo Báo Tuổi trẻ

Bộ Giao thông vận tải đề nghị TP.HCM, Đồng Nai ưu tiên cho lực lượng lao động của cảng

Trước nguy cơ hàng tồn tăng cao khiến cảng Cát Lái có thể tạm dừng tiếp nhận tàu trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND TP. HCM và Đồng Nai quan tâm ưu tiên cho lực lượng lao động trong dây chuyền sản xuất cảng.

Cụ thể, cho phép số lao động cần kíp trong dây chuyền sản xuất cảng (nếu không lưu trú ở khu vực dân cư đang bị phong tỏa) được cấp phép lưu thông đến cảng làm việc.

Đối với lao động đang cư trú tại huyện Nhơn Trạch cho phép lưu thông qua phà Cát Lái để vào cảng làm việc nếu có giấy xác nhận làm việc tại cảng và giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính còn hiệu lực.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND TP. HCM xem xét lập điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 và cấp giấy chứng nhận xét nghiệm 24-7 tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh, địa chỉ số 215 Trương Văn Bang, TP. Thủ Đức để phục vụ đối tài xế có giấy chứng nhận hết hạn hoặc sắp hết hạn ra, vào cảng Tân Cảng Cát Lái được thuận tiện, nhanh chóng.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn