Hồ Chí Minh - Người kiến tạo những giá trị “văn hóa tương lai”

HQ Online -

Sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là hành trình kiến tạo nên những giá trị văn hóa tương lai không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà cả nhân loại.

Hình mẫu “văn hóa tương lai”

Không phải tới khi UNESCO tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc”, “Danh nhân văn hoá thế giới”, nhân loại mới biết tới Người, với tư cách là nhà văn hóa lớn, có tầm ảnh hưởng vượt thời gian. Ngay những năm còn bôn ba đi tìm đường cứu nước, Người đã được bạn bè năm châu ngợi ca là hình mẫu của “văn hóa tương lai”. Đáng chú ý nhất là nhận xét của nhà thơ Liên Xô Man-đen-xtam cuối năm 1923: “Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là nền văn hoá của tương lai”.

Bác Hồ với thiếu nhi. Ảnh: TL

Hồ Chí Minh là nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp nhưng cũng là hiện thân của lối sống cao đẹp và nhân cách văn hoá lớn. Nhân cách văn hoá, con người, cuộc đời, sự nghiệp hoạt động của Hồ Chí Minh là kết tinh của trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, bản sắc văn hóa Việt Nam. Theo nhà sử học Ba Lan Tuốc-mê-rơ: “Hồ Chí Minh là hình ảnh hoàn chỉnh của sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lê-nin, tình cảm của người chủ gia tộc. Tất cả đều hoà hợp tự nhiên, gắn kết tài năng và các phẩm chất tinh thần khác, tạo nên nhân cách nhà chính trị Hồ Chí Minh”.

Hồ Chí Minh nêu gương sáng về phương pháp và phong cách hoạt động cách mạng. Đó là phương pháp giàu tính văn hoá, nhân văn, hết lòng vì con người; là phong cách hướng tới sự thanh cao, giản dị, không để ham muốn vật chất làm vẩn đục tâm hồn, chỉ có một ham muốn tột bậc “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Nó tạo nên cốt cách của lãnh tụ chính trị thiên tài, hòa quyện trong nhân cách nhà “văn hóa tương lai”, có sức toả sáng và thu phục con người.

Văn hoá thấm sâu trong hoạt động chính trị

Sinh ra trong một gia đình nhà Nho, Hồ Chí Minh sớm hấp thụ truyền thống yêu nước nồng nàn và những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc. Người tiếp thu cả tinh hoa tư tưởng Nho học, Tây học và văn hoá Đông - Tây, kim cổ. Lòng yêu nước và tri thức về văn hóa, là hành trang ban đầu, là động lực thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước với một chí hướng hoàn toàn khác với các nhà cách mạng tiền bối.

Khi ra nước ngoài, với tố chất thông minh đặc biệt, thông thạo nhiều thứ tiếng, Hồ Chí Minh dễ dàng tiếp cận các luồng tư tưởng, văn hóa phương Tây, làm phong phú thêm tri thức văn hóa của mình. Chính quá trình tìm tòi, nghiên cứu, Người bắt gặp Luận cương của Lê-nin và tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Từ đó Người ra sức nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin không chỉ là ngọn đuốc soi đường cho Hồ Chí Minh trên con đường hoạt động cách mạng, mà còn in đậm trong tư tưởng, tấm gương, nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh. Quá trình tích luỹ văn hoá, trí tuệ đã giúp Người vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Văn hoá thấm sâu trong hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh, đưa sự nghiệp cách mạng của Người lên tầm phổ quát nhân loại và định hướng tương lai, trở thành biểu tượng của lương tri và phẩm giá con người.

Hồ Chí Minh luôn kết hợp nhuần nhuyễn giữa hoạt động chính trị với hoạt động văn hóa. Mục tiêu, lý tưởng chính trị của Người mang đậm tính nhân văn cao cả, xuất phát từ tình thương yêu con người, từ tình cảm mãnh liệt, sâu sắc đối với Tổ quốc và đồng loại. Hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người của Hồ Chí Minh cũng là hành trình kiến tạo, xây dựng nên nền văn hóa mới của đất nước. Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”.

Tư tưởng văn hóa mới mang tầm thời đại

Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Người cho rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Quan niệm này có thể xem là một định nghĩa khá đầy đủ, vừa giản dị, mực thước, vừa khoa học khi bàn về văn hóa.

Theo Người, nền văn hóa mới phải lấy hạnh phúc của nhân dân làm cơ sở;  không ngừng học tập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Người kêu gọi “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, “đem văn hoá lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”. Công tác văn hoá phải đào tạo ra con người mới và cán bộ mới cho kháng chiến, kiến quốc. Và phải làm sao cho văn hóa thấm sâu trong tâm lý quốc dân, “sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ, xây xã hội mới”…

Khi nói về mối quan hệ giữa văn hóa với các lĩnh vực đời sống, Người khẳng định: Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận; văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế, chính trị và xã hội. Văn hoá vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng; phát triển kinh tế phải đi đôi với xây dựng văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội…

Những tư tưởng của Người về văn hóa mới vẫn vẹn nguyên giá trị, trở thành kim chỉ nam cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay.

Kao Văn

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn