Hiệu quả từ mô hình “Lớp học đảo ngược”

HQVN -

Khoa Hàng hải, Học viện Hải quân có nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành hàng hải cho học viên sĩ quan cấp phân đội bậc đại học, hoàn thiện đại học, đào tạo theo chức vụ; nghiên cứu khoa học hàng hải... Việc áp dụng mô hình “Lớp học đảo ngược” đã và đang mang lại hiệu quả tốt.

Thượng tá, TS. Phạm Trung Hiếu, Chủ nhiệm Khoa Hàng hải cho biết: Thực hiện phương châm “Giảm lý thuyết, tăng thực hành, thực tập” trong giáo dục, đào tạo, chúng tôi thực hiện mô hình “Lớp học đảo ngược”. Mô hình giúp người học chủ động đặt ra câu hỏi, trao đổi thảo luận; khơi dậy và rèn luyện khả năng tự học tập, tự nghiên cứu của học viên”.

Mô hình “Lớp học đảo ngược” là lớp học mà ở đó người học có vai trò trung tâm còn giảng viên đóng vai trò là người nêu vấn đề, định hướng cũng như dẫn dắt quá trình thảo luận nghiên cứu. Vì vậy đòi hỏi giảng viên phải có năng lực tốt, kiến thức đa dạng và có chiều sâu.

Để mô hình đạt kết quả tốt, Khoa Hàng hải đã tiến hành nhiều tiết giảng thử, giảng mẫu; tổ chức hội thảo chuyên ngành và hội nghị phương pháp để rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Học viên báo cáo phần chuẩn bị của nhóm trước lớp

Khoa đã cử nhiều giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, tập huấn do Cục Nhà trường và Học viện tổ chức… Đồng thời, các giảng viên chủ động học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm mô phỏng.

Hiện nay, hơn 65% giảng viên của Khoa có trình độ sau đại học, trong đó có 2 tiến sĩ và 3 nghiên cứu sinh. 100% giảng viên có trình độ bậc 3 tiếng Anh khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam trở lên. Nhiều giảng viên đã chủ động giảng dạy chuyên ngành hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Thiếu tá, ThS. Nguyễn Đình Quyền, Giảng viên bộ môn Máy hàng hải là một trong những người đầu tư nhiều thời gian, công sức nghiên cứu mô hình “Lớp học đảo ngược”. Anh chia sẻ: “Trong mô hình “Lớp học đảo ngược”, học viên là trung tâm của quá trình giảng dạy. Học viên phải chủ động nghiên cứu trước nội dung học tập, sau đó thuyết trình trước lớp về nội dung bài học. Giảng viên và các học viên khác cùng trao đổi, đặt ra những câu hỏi, thắc mắc để cùng giải đáp. Kết thúc các nội dung, giảng viên sẽ kết luận thống nhất kiến thức, thậm chí khơi gợi những ý tưởng mới để học viên tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu”.

Khi thực hiện mô hình trên, các giảng viên hướng dẫn học viên một số kỹ năng làm việc nhóm nhằm phát huy tính chủ động trong nghiên cứu, trao đổi, giải quyết nội dung, chủ đề mà nhóm được giao. Nhờ vậy, các học viên đã từng bước chủ động nghiên cứu, trao đổi và đề xuất nhiều ý tưởng mới trong quá trình học tập.

Các giảng viên còn tăng cường các hình thức sau bài giảng như: Làm bài tập nhóm, viết thu hoạch, viết tiểu luận…

Sau mỗi môn học, các giảng viên chủ động lấy ý kiến đánh giá của học viên về bài giảng, qua đó điều chỉnh phương pháp, nội dung cho phù hợp, đạt hiệu quả cao.

Tham gia lớp học này, mỗi học viên tự điều chỉnh, bổ sung nội dung còn thiếu, còn hạn chế hoặc nghiên cứu sâu hơn về những nội dung mà mình quan tâm. Nhờ vậy, quá trình đào tạo có sự chuyển dịch sang tự đào tạo. Học viên tăng cường các hoạt động trải nghiệm, từng bước hoàn thiện cả về chuyên môn và kỹ năng cũng như khả năng thích ứng cao trong môi trường hoạt động thực tế.

Thượng sĩ Trần Viết Chiến, Học viên Lớp KH36B, Tiểu đoàn 1 cho biết: “So với phương pháp giảng dạy truyền thống, thì “Lớp học đảo ngược” giúp chúng tôi tiếp thu bài nhanh hơn, nhớ lâu hơn. Tôi tự ghi chép theo ý hiểu của mình cũng như những kết luận của giảng viên, nhờ đó hiệu quả học tập được nâng lên rõ rệt. Ngoài ra, quá trình chuẩn bị và làm việc theo nhóm, trao đổi thảo luận xây dựng bài giúp chúng tôi tiếp thu được ý kiến của tập thể, hoàn toàn có thể trình bày được ý tưởng cá nhân, thậm chí ý tưởng có tính chất khác biệt”.

Khoa Hàng hải thường xuyên tổ chức hội nghị phương pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy

Năm học 2019-2020, Khoa đã dẫn đầu trong khối các khoa của Học viện Hải quân và được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng lần thứ 4 liên tiếp; 4 lớp học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội chuyên ngành hàng hải 100% đạt yêu cầu, trong đó 93% khá, giỏi; thi và kiểm tra kết thúc học phần cho các đối tượng học viên 96% đạt yêu cầu, trong đó 93% khá, giỏi.

“Khoa Hàng hải sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp theo hướng dạy, học tích cực và tiếp cận theo chuẩn đầu ra. Chúng tôi sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng Học viện Hải quân trở thành trường đại học định hướng ứng dụng theo mô hình nhà trường thông minh, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ của Quân chủng và Quân đội trong tình hình mới”- Thượng tá Phạm Trung Hiếu khẳng định.

                 Bài, ảnh: Quang Huy, Văn Linh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn