Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam-Trung Quốc
HQ Online -
Vịnh Bắc Bộ có diện tích khoảng 126.250 km2, là một trong những vịnh lớn của thế giới, được bờ biển của hai nước Việt Nam và Trung Quốc bao bọc (trải dọc 10 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị của ta và 2 tỉnh Quảng Tây, Hải Nam của Trung Quốc). Vịnh có vị trí chiến lược rất quan trọng cả về kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh; là cửa ngõ giao lưu kinh tế ra thế giới và rất có ý nghĩa trong việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Đội tàu đánh bắt xa bờ của huyện Cát Hải neo đậu tại bến. Ảnh: QC
Thực tế cho thấy, trước đây do chưa có đường biên giới và ranh giới biển rõ ràng trong Vịnh Bắc Bộ nên giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc thường xảy ra các vụ việc tranh chấp phức tạp về đánh bắt hải sản, thăm dò khai thác dầu khí, gây bất ổn định, ảnh hưởng không tốt đến quan hệ hai nước, hạn chế việc khai thác bền vững tiềm năng của Vịnh.
Qua 27 năm đàm phán, ngày 25-12-2000, tại Bắc Kinh, trước sự chứng kiến của nguyên thủ hai nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ (Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ) và Hiệp định Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc (Hiệp định Hợp tác Nghề cá). Hai hiệp định này xác định rõ phạm vi và tạo ra một khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi cho việc mỗi nước bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế các vùng biển và thềm lục địa của mình trong Vịnh Bắc Bộ; đồng thời cũng tạo điều kiện cho hai bên có cơ sở thúc đẩy hợp tác nhằm phát triển bền vững Vịnh Bắc Bộ, duy trì ổn định trong Vịnh, tăng cường sự tin cậy và phát triển quan hệ chung giữa hai nước. Qua đó, thể hiện nỗ lực và thiện chí cũng như sự quan tâm đến lợi ích của nhau một cách thỏa đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế và điều kiện cụ thể của Vịnh, từ cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc. Hai hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 30-6-2004.
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, công tác triển khai Hiệp định, đã được Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo. Các Bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai ngay các nhiệm vụ được giao theo chức trách của mỗi đơn vị. Công tác tuyên truyền, phổ biến đã được chú trọng để mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, đặc biệt là ngư dân các tỉnh, thành phố ven biển Vịnh Bắc Bộ hiểu rõ nội dung hai Hiệp định, tạo sự thống nhất trong nhận thức và để thực hiện tốt.
Ngư dân Hải Phòng ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: VĐ
Trong hơn 10 năm qua, số lượng tàu cá Việt Nam đăng ký xin cấp giấy phép đánh cá trong Vùng đánh cá chung thường xuyên có khoảng 2.000-2.500 tàu, nhưng chỉ có tối đa hơn 1.500 tàu cá được cấp phép, chiếm 17% trên tổng số tàu cá có công suất từ 20CV trở lên của ngư dân các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Định. Phần lớn số tàu cá của ngư dân ta chủ yếu vẫn tập chung khai thác ở vùng biển Việt Nam. Các phương tiện đánh bắt của ngư dân ta tham gia hoạt động trong Vùng đánh cá chung chủ yếu vẫn là các tàu vỏ gỗ, trang thiết bị còn hạn chế, công suất từ 60-300CV, hoạt động phân tán, khả năng chịu đựng sóng gió kém.
Các tàu cá Trung Quốc với công suất lớn, trang thiết bị hiện đại chiếm ưu thế hơn tàu cá Việt Nam trong hoạt động đánh bắt ở các vùng nước Hiệp định. Nhìn chung, các tàu cá Trung Quốc được cấp phép hoạt động trong các vùng nước hiệp định cơ bản tuân thủ các quy định của Hiệp định và sự kiểm soát của cơ quan chức năng Việt Nam.
Theo quy định, về phía Việt Nam, Kiểm ngư, Hải quân, Cảnh sát Biển, Bộ đội Biên phòng là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra các hoạt động nghề cá trong Vùng đánh cá chung và tiến hành xử lý các hoạt động đánh bắt trái quy định. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đó kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ thường xuyên (quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự trên biển) với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động nghề cá theo quy định của Hiệp định. Quá trình hoạt động đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vi phạm; tăng cường công tác tuyền truyền; đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển lành mạnh.
Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, hải quân hai nước đã tiến hành thành công 20 chuyến tuần tra liên hiệp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ (mỗi năm 2 chuyến) và tổ chức 10 phiên họp thường niên rút kinh nghiệm về tuần tra chung. Hoạt động nói trên đã góp phần tăng cường hiểu biết, xây dựng niềm tin, góp phần củng cố môi trường hòa bình ổn định, tuân thủ pháp luật trong vùng biển Vịnh Bắc Bộ.
Sau hơn 10 năm kể từ ngày Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác Nghề cá có hiệu lực và đi vào cuộc sống đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trong Vịnh Bắc Bộ. Ý nghĩa của Hiệp định này không chỉ dừng lại trong khuôn khổ quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, phù hợp với phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" trong quan hệ hai nước mà thực sự góp phần vào việc ổn định hòa bình trong khu vực và thế giới.
Phúc Vinh
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Việt Nam và Malaysia nhất trí thúc đẩy hợp tác hải quân - ( 22-11-24 08:00 )
- Hải quân Việt Nam – Hải quân Thái Lan tuần tra chung lần thứ 50 - ( 21-11-24 02:00 )
- Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường - ( 20-11-24 03:00 )
- Công đoàn Hải quân - Công đoàn Quân đội Lào: trao đổi kinh nghiệm hoạt động - ( 18-11-24 10:00 )
- Hải quân Việt Nam bàn giao vật chất tặng Hải quân Cam-pu-chia - ( 15-11-24 02:00 )