Hiệp định Paris - chiến thắng vĩ đại không chỉ của riêng Việt Nam
Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam. Đây được coi là chiến thắng vĩ đại không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn của cả nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Để cùng nhìn lại một thời kỳ lịch sử, ôn lại những kỷ niệm về tình đoàn kết quốc tế trong sáng, sự ủng hộ to lớn của nhân dân thế giới đối với Việt Nam và rút ra những bài học cho thúc đẩy đoàn kết quốc tế trong bối cảnh mới, ngày 13-1, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức chương trình Gặp gỡ hữu nghị “Hiệp định Paris 1973 - Ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai”.
Tham dự sự kiện có 26 đại biểu quốc tế đến từ 15 quốc gia trên thế giới, những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó có thời kỳ Hội nghị Paris, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Khắc ghi trong tim tình đoàn kết quốc tế cao cả
Nhân dịp này, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, một trong bốn người ký tên vào Hiệp định Paris đã gửi thông điệp tới sự kiện.
Các đại biểu dự Gặp gỡ hữu nghị “Hiệp định Paris 1973 - Ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai”
Trong thông điệp, bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh, Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn về chính trị và ngoại giao của nhân dân Việt Nam, là bước ngoặt lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dẫn đến cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc ký kết Hiệp định Paris là thắng lợi của cuộc đấu tranh về quân sự, chính trị, ngoại giao của nhân dân Việt Nam, đồng thời là thắng lợi của phong trào nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam. Cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng rãi to lớn chưa từng có của thế giới, đã buộc chính quyền Mỹ đi vào đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam.
“Chúng tôi còn ghi nhớ những bạn Mỹ tự thiêu để phản đối chiến tranh, chúng tôi cũng không bao giờ quên hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới đã bất chấp đàn áp, tù tội, tuần hành và biểu tình để đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh. Tất cả sự đoàn kết và ủng hộ của các bạn là sức mạnh giúp chúng tôi trên chiến trường cũng như trên bàn hội nghị trong những ngày đấu tranh gay go, khốc liệt”, bà Nguyễn Thị Bình khẳng định.
Phó chủ tịch-Tổng Thư ký Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn phát biểu
Phát biểu tại sự kiện, Phó chủ tịch-Tổng Thư ký Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn khẳng định, thắng lợi trong Hiệp định Paris nói riêng cũng như chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung là chiến thắng của “lương tri”, của niềm tin vào chính nghĩa, là chiến thắng của nhân dân Việt Nam cũng là chiến thắng vĩ đại của phong trào giải phóng dân tộc và của tất cả các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
“Chúng ta luôn khắc ghi trong tim mình tình đoàn kết quốc tế cao cả, sự ủng hộ chí nghĩa, chí tình của hàng triệu người, không kể màu da, tôn giáo ở các nước có chế độ chính trị-xã hội khác nhau trên khắp năm châu, từ người dân lao động bình thường đến các nhà hoạt động chính trị, nghị sĩ, nghệ sĩ, trí thức, nhà báo…, những người đã cùng nhau hình thành một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn chưa từng có ủng hộ Việt Nam... Hình ảnh của họ, tình đoàn kết, sự ủng hộ của họ với nhân dân Việt Nam sẽ mãi là ngọn lửa soi sáng con đường chúng ta đi, mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ Việt Nam noi theo”, ông Phan Anh Sơn nói.
Nhìn lại quá khứ, hướng tới tương lai
Tại sự kiện, các đại biểu đã nhìn lại những chặng đường đã qua, ôn lại kỷ niệm của những năm tháng khó khăn, gian khổ mà nhân dân Việt Nam đã cùng bạn bè chiến đấu và chiến thắng.
Các đại biểu dự phiên thảo luận thứ nhất tại sự kiện
Bà Hélène Luc bày tỏ xúc động khi nhớ về những thời khắc lịch sử cách đây hơn 50 năm. Bà Hélène là Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, nguyên Thượng nghị sĩ, nguyên Chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị Đảng Cộng sản Pháp tại Thượng viện, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp-Việt. Bà là phu nhân của ông Louis Luc, cố Thị trưởng Thành phố Choisy-le-Roi của tỉnh Val-de-Marne. Theo lời kể của bà, sau Tết Mậu Thân năm 1968, Tổng thống Mỹ nhận ra rằng Mỹ không thể giành được chiến thắng, do vậy đã quyết định ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam tại Hội nghị Paris. Lúc đầu, đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tới Pháp và ở tại khách sạn Lutetia, ở thủ đô Paris, nhưng chi phí quá đắt đỏ. Đảng Cộng sản Pháp đã đề nghị với phái đoàn Việt Nam đến ở tại trường đào tạo cán bộ của Đảng Cộng sản Pháp tại Choisy-le-Roi. Nơi đây sau đó trở thành địa điểm lưu trú của đoàn trong gần 5 năm đàm phán Hiệp định Paris.
Bà Hélène Luc
Trong suốt thời gian ấy, bà Hélène cùng chồng và nhiều thành viên của Đảng Cộng sản Pháp đã đón tiếp chu đáo và dành nhiều tình cảm đối với đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi phái đoàn lưu trú tại Choisy-le-Roi, có tới 80 tình nguyện viên hỗ trợ, giúp đỡ đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như đảm bảo an ninh cho đoàn. “Chúng tôi cũng sắp xếp phương tiện liên lạc để đoàn có thể trực tiếp liên lạc bằng điện tín từ Choisy-le-Roi về Hà Nội. Trong quá trình đàm phán, liên lạc rất quan trọng. Các thiết bị liên lạc này đã bị tấn công nhiều lần bởi những lực lượng thù địch của Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động như lấy chữ ký, tham gia tuần hành ủng hộ Việt Nam. Bởi thắng lợi của Việt Nam cũng là thắng lợi của Pháp và của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới”, bà Hélène chia sẻ.
Trong khi đó, nhận định về ý nghĩa của Hiệp định Paris, ông John McAuliff, Giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD) cho biết, Hiệp định Paris là bước tiến quan trọng, tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, tạo bước đà quan trọng dẫn đến thắng lợi lịch sử năm 1975. Bên cạnh đó, hiệp định này cũng giúp củng cố niềm tin của các lực lượng tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình cũng như các dân tộc bị áp bức vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa và sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế. Dù đã 50 năm trôi qua, ý nghĩa lịch sử của sự kiện ký kết Hiệp định Paris vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Ông John McAuliff, Giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD)
Là người đã tham gia rất nhiều phong trào ủng hộ Việt Nam, ông Rabin Deb, đại diện Tổ chức Hòa bình đoàn kết toàn Ấn Độ, khẳng định: “Cả thế giới đều dõi theo những bước đi của Việt Nam-một quốc gia nhỏ bé chống lại đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới. Tôi rất vui mừng chứng kiến chặng đường dài mà Việt Nam đã trải qua, đồng thời cũng thấy rõ tình đoàn kết mà bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam không hề thay đổi. Tất cả vẫn vẹn nguyên như hơn 50 năm về trước, cái thời mà những tiếng hô vang “Việt Nam, Việt Nam” và các phong trào đoàn kết với Việt Nam lan tỏa trên toàn Ấn Độ cũng như tại các quốc gia khác trên thế giới”.
Ông Rabin Deb, đại diện Tổ chức Hòa bình đoàn kết toàn Ấn Độ
Thực tế lịch sử đã chứng minh, đoàn kết chính là sức mạnh, là động lực giúp mọi quốc gia, dân tộc vượt qua khó khăn và thử thách. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới biến động và phức tạp như hiện nay, đoàn kết quốc tế càng có vai trò và ý nghĩa quan trọng. Noi theo những thế hệ đi trước, ngày nay không ít những người thuộc thế hệ sau đang tiếp nối con đường ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam của cha, ông mình.
George Buchett là con trai cố nhà báo nổi tiếng Wilfred Burchett, người đã có nhiều đóng góp trong việc thức tỉnh công luận phương Tây ủng hộ Việt Nam đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Bất chấp bom đạn của đế quốc Mỹ, cố nhà báo Wilfred Burchet đã trèo đèo, lội suối, vượt dãy Trường Sơn và các chiến trường ác liệt ở Đông Nam Bộ để viết về cuộc chiến đấu sinh tử giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Ông cũng là người đã gợi ý Việt Nam mời trợ lý Tổng biên tập tờ New York Times sang Việt Nam để chứng kiến và thông tin cho nhân dân Mỹ về tội ác của đế quốc Mỹ, góp phần thổi một làn gió mới vào phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam.
Ông George Burchett (thứ hai, từ phải qua) cùng các đại biểu trong nước và quốc tế tham gia phiên thảo luận thứ hai
Sinh ra và trải qua những ngày thơ ấu tại Hà Nội, cộng với sự ảnh hưởng từ người cha, nghệ sĩ George Burchett đã có tình cảm sâu đậm với đất nước và nhân dân Việt Nam. Từ những bức ảnh mà cha mình đã chụp về Việt Nam, George Burchett đã sớm có mối thân tình đặc biệt đối với nhân dân Việt Nam, góp phần nuôi dưỡng và hình thành nên tính cách, tình cảm, ước mơ và sự nghiệp nghệ thuật của ông sau này. Ông đã làm nhiều việc nhằm góp phần vào việc tăng cường mối quan hệ hữu nghị và giao lưu hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Australia.
Trong chương trình giao lưu, George Burchett đã giới thiệu rất nhiều bức ảnh về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam mà cố nhà báo Wilfred Burchett đã để lại, trong đó có những bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bức ảnh đón đoàn đàm phán trở về sau khi Hiệp định Paris được ký kết, hay bức ảnh cho thấy sự tàn phá của những trận bom do Mỹ rải xuống Hà Nội, Hải Phòng, Hòn Gai.
Giờ đây, 50 năm sau khi ký kết Hiệp định Paris, Việt Nam đã là một quốc gia độc lập, thống nhất và hòa bình. Việt Nam duy trì quan hệ hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới, luôn đóng góp tích cực vào hoạt động gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế. Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và tự tin hướng tới một tương lai tươi sáng. Nhưng giống như George Burchett đã chia sẻ tại sự kiện, những thế hệ hôm nay và mai sau phải luôn ghi nhớ những công lao của các thế hệ đi trước-những người đã hy sinh xương máu để đất nước có cuộc sống hòa bình, thống nhất, hạnh phúc, phát triển như ngày hôm nay.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường tại Chương trình Xuân Quê hương 2025 - ( 20-01-25 08:00 )
- Chủ tịch nước Lương Cường dự Chương trình nghệ thuật Xuân Quê hương 2025: Việt Nam - Vươn lên trong kỷ nguyên mới - ( 20-01-25 08:00 )
- Trung tướng Nguyễn Trọng Bình kiểm tra, chúc tết Lữ đoàn 172 - ( 19-01-25 04:00 )
- Lữ đoàn 147 phát động đợt thi đua cao điểm - ( 19-01-25 07:00 )
- Ấm áp chương trình “Xuân chung tay giữ biển – Tết thắm tình quân dân" - ( 19-01-25 06:00 )