Hệ thống rocket chống ngầm RPK-8
HQVN -
RPK-8 là một hệ thống rocket (tên lửa không có điều khiển) chống ngầm đang được sử dụng rộng rãi trên các loại tàu mặt nước chiến đấu của Hải quân Nga. Đây là hệ thống vũ khí có nhiều điểm thú vị, hiệu quả cao nhưng có lẽ đặc biệt nhất nó là một hệ thống vũ khí dạng “bình cũ rượu mới”.
Về giàn phóng trên boong thì RPK-8 không có gì nổi bật, vì nó chính là giàn phóng bom phản lực chống ngầm RBU-6000, được trang bị và cũng đã chứng minh tính hiệu quả từ lâu. “Bình cũ” ở đây chính là giàn phóng RBU-6000 của hệ thống vũ khí chống ngầm Smerch-2 RBU-6000. Còn “rượu mới” chính là các loại đạn cho RPK-8 và hệ thống điều khiển hỏa lực cải tiến sâu từ hệ thống Smerch tiền nhiệm. Ngoài ra, chúng có khả năng phòng vệ chống ngư lôi mạnh và hiệu quả cao hơn so với hệ thống Smerch-2 RBU-6000.
Thành phần của hệ thống RPK-8 gồm: Đạn phản lực (rocket) chống ngầm cỡ 212mm 90R/90R-1; đạn phản lực cỡ 212mm MG-94E; giàn phóng RBU-6000; hệ thống lưu giữ, truyền và nạp đạn 69UP; hệ thống điều khiển hỏa lực...
Giàn phóng RBU-6000
Đạn phản lực 90R/R-1 có hình dạng bên ngoài về cơ bản không khác nhiều so với đạn RGB-60 của hệ thống Smerch-2 RBU-6000. Tuy nhiên, khác với RGB-6000 chỉ là bom chìm (theo trọng lực) thì đạn phản lực 90R/R1 gồm động cơ thuốc phóng rắn, đầu đạn 90SG và bộ phận tách. Loại đạn này sau khi được phóng tới vị trí lặn xuống nước, đầu đạn 90SG sẽ tách ra, lặn xuống nhờ trọng lực nhưng nó lại có những bánh lái điều khiển ở phía đuôi để biến nó thành đạn tự hành nhờ trọng lực và sẽ tự hướng đến vị trí của tàu ngầm (xác suất gặp mục tiêu cao hơn). Loại đạn này có 2 loại, trong đó 90R có ngòi nổ cơ khí giống như bom chìm RGB-60 còn 90R1 thì lắp ngòi định nổ bằng cảm ứng điện từ. Cả hai đạn này ngoài chống ngầm còn có thể được sử dụng để chống ngư lôi hoặc biệt kích ngầm.
Đạn phản lực thứ hai MG-94E thì lại là loại chuyên dùng để làm mồi bẫy ngư lôi, chúng cũng có kích cỡ 212mm, sử dụng chung động cơ tên lửa thuốc phóng rắn với 90R/R1 và bom chìm RGB-60, nhưng thay vì mang thuốc nổ nó mang theo một mô đun thủy âm. Loại đạn này có khối lượng 113kg, cự ly hoạt động lớn nhất 4.300m.
Giàn phóng RBU-6000 sử dụng trong RPK-8 không khác gì so với trong hệ thống Smerch-2 RBU-6000 và vẫn phóng được bom RGB-60 như bình thường. Giàn phóng cố định gắn vào boong tàu được dẫn tự động theo 2 mặt phẳng; có 12 ống phóng 213mm; hệ thống truyền-nạp đạn tự động 69UP đặt dưới boong; phía trước các ống phóng có bộ phận đặt độ sâu ngòi nổ cho bom RGB-60 và đạn 90P nhưng bộ phận này sẽ không được sử dụng đạn với 90R1. Thông số về độ sâu hoạt động sẽ được tự động truyền lên đạn trước khi phóng bằng điện từ, phía sau có cơ cấu ngòi điện kích hoạt động cơ tên lửa của cả 3 loại đạn.
Hệ thống điều khiển hỏa lực của RPK-8 về cơ bản là một phiên bản hiện đại hóa sâu của hệ thống Smerch trước đây. Nhiệm vụ vẫn tiếp nhận thông tin về vị trí, tham số chuyển động của tàu ngầm từ sô na cũng như các thông số về khí tượng, thủy văn từ các hệ thống khác nhau trên tàu, để tính toán phần tử bắn, hướng, định thời gian cho ngòi nổ cho các loại đạn khác nhau. Thành phần cơ bản như Smerch, gồm có các máy: Máy chỉ huy bắn (kèm màn hình); máy tính toán thông số bắn để truyền lên giàn phóng; hệ nhận biết vùng an toàn và khống chế mạch phóng. Hệ thống này nhẹ hơn và áp dụng nhiều linh kiện điện tử tiên tiến hơn Smerch, thời gian phản ứng cũng ngắn hơn.
Một số thông số cơ bản của RPK-8 như sau:
- Độ sâu tiêu diệt mục tiêu: Đối với tàu ngầm đến 1.000m; đối với ngư lôi và biệt kích ngầm từ 4 đến 10m;
- Cự ly bắn: Tàu ngầm 4.300m; ngư lôi và biệt kích ngầm 600m;
- Xác suất tiêu diệt mục tiêu (tàu ngầm) trong 1 loạt phóng: 0,8;
- Thời gian SSCĐ (tính từ khi phát hiện mục tiêu): 15s.
Tóm lại, RPK-8 là một hệ thống rocket chống ngầm có khả năng hoạt động rất tốt, nó cũng cho thấy tư duy của các kỹ sư Nga, tận dụng những hệ thống có sẵn, nâng cấp lên, phát triển đạn mới. Hệ thống RPK-8 được chính thức tiếp nhận và trang bị trong Hải quân Nga vào tháng 11/1991 và hiện được xuất khẩu cho Hải quân Ấn Độ. RPK-8 được đánh giá hiệu quả gấp 8 đến 10 lần so với hệ thống Smerch-2 RBU-6000 trước đây.
Minh Ngọc
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn