Hệ thống ống phóng thẳng đứng Mk-41
HQVN -
Hệ thống phóng thẳng đứng (VLS-Vertical Launching System) Mk-41 do Hải quân Mỹ phát triển là loại bệ phóng tên lửa rất phổ biến, hiện đang có trong trang bị của gần 190 tàu mặt nước thuộc 11 lực lượng hải quân trên khắp thế giới. Riêng Hải quân Mỹ chỉ sử dụng VLS Mk-41 trên các tàu mặt nước của họ.
VLS là một kiểu bệ phóng tên lửa đặt thẳng đứng, phần lớn bệ phóng đặt chìm dưới boong tàu, trên mặt boong chỉ nổi lên một phần nhỏ với đặc điểm dễ nhận thấy là các nắp đậy ngăn phóng, mỗi ngăn phóng có một nắp đậy. Thông thường VLS Mk-41 được sản xuất dưới dạng có 4 ngăn phóng trong một hệ thống. Tuỳ theo tàu lớn hay nhỏ mà người ta sẽ ghép các hệ thống này thành các bệ phóng (hệ thống) VLS có 4, 8, 16, 32 hay 64 ngăn phóng. Vì vậy, số lượng tên lửa phóng từ VLS trên một tàu là rất nhiều so với sử dụng các loại bệ phóng truyền thống (đặt nghiêng, quay được…).
Mk-41 vơi 8 ngăn trên một tàu hộ vệ phóng tên lửa phòng không RIM-161
VLS nói chung, Mk-41 nói riêng đều sở hữu tính linh hoạt, có thể phóng được nhiều loại tên lửa khác nhau. Như Mk-41 có thể phóng được 6 loại tên lửa phòng không (RIM-66, RIM-67, RIM-161, RIM-174, RIM-7, RIM-162); tên lửa hành trình RGM-109 Tomahawk và tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC. Do đặt dưới mặt boong chính nên chúng có thể "qua mặt" được các loại radar. Phụ thuộc vào nhiệm vụ chiến đấu, người ta có thể bố trí các loại tên lửa khác nhau với số lượng mỗi loại sao cho phù hợp nhất; một ngăn phóng còn có thể phóng được đến 4 tên lửa loại nhỏ như tên lửa phòng không Sea Sparow. Ngoài ra, nếu có phát triển tên lửa mới thì cũng không phải thay bệ phóng, miễn là tên lửa đó có thể đưa được vào ngăn phóng của Mk-41.
Việc phóng tên lửa từ VLS có 2 kiểu là "phóng nóng" và "phóng lạnh". Phóng nóng là việc sử dụng chính tầng phóng của tên lửa để đưa nó ra khỏi bệ (ngăn phóng) bay lên không trung trước khi tên lửa xoay ngang ra để bay theo quỹ đạo riêng của nó. Khi ấy, tầng phóng sẽ được phát động ngay trong ngăn phóng. Vì vậy, yêu cầu công nghệ đối với VLS loại này là phải chịu được áp lực, nhiệt độ cao, có biện pháp bảo vệ các tên lửa khác trong cùng ngăn hoặc ở các ngăn khác không bị phát nổ do sức nóng. Ưu điểm của phóng nóng là kết cấu bệ đơn giản. Hạn chế của nó là tên lửa không được quá lớn, quá nặng vì khi tên lửa lớn đến một mức nào đó bệ phóng sẽ không thể chịu đựng được luồng phụt của tầng phóng và sẽ bị phá huỷ.
Phóng lạnh là trong ngăn phóng người ta sẽ phát động một liều phóng nhỏ để đẩy tên lửa ra khỏi ngăn phóng (giống như phóng ngư lôi), đưa nó lên một độ cao nào đó rồi tầng phóng của tên lửa mới được phát động để đưa nó bay theo quỹ đạo định trước. Kiểu phóng lạnh thường được áp dụng trong các VLS của Nga sản xuất. Ưu điểm phóng lạnh là thường không hạn chế về khối lượng của tên lửa; tuy nhiên cấu tạo thì sẽ phức tạp hơn.
VLS Mk-41 là loại VLS áp dụng nguyên lý phóng nóng. Nguyên lý hoạt động của VLS Mk-41 được các chuyên gia kỹ thuật quân sự người Nga giải thích như sau: Trước khi phóng, nắp đậy ngăn phóng và nắp đậy khe thoát luồng phụt (bố trí giữa 2 hàng ngăn phóng) sẽ được mở ra. Sau khi tầng phóng của tên lửa phát động, luồng phụt của tầng phóng (động cơ phóng) sẽ đi xuống dưới khoang thoát luồng phụt, đồng thời phản lực của luồng phụt sẽ đưa tên lửa ra khỏi bệ phóng, bay lên không trung. Luồng phụt từ khoang thoát sẽ theo khe thoát phun lên trên, thoát ra khỏi bệ phóng; việc này có thể diễn ra trước, trong và sau khi tên lửa bay ra khỏi bệ phóng. Như vậy, nguyên lý làm việc thì không phức tạp nhưng giải pháp công nghệ cho bệ phóng và các thiết bị của nó thì không phải nước nào cũng phát triển được, mặc dù nhiều người biết về ưu điểm của loại bệ phóng này.
Minh Ngọc
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn