Hào khí Bạch Đằng Giang

HQVN -

Ngày 2-1-2021, Khu di tích Bạch Đằng Giang thuộc huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hải Phòng tiếp tục gìn giữ, phát huy hào khí Bạch Đằng Giang trong chặng đường xây dựng, phát triển thành phố Cảng “công nghiệp, hiện đại, văn minh”.

Nơi lưu giữ lịch sử

Sông Bạch Đằng đoạn chảy qua huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng là hợp lưu của nhiều nhánh sông, dài khoảng hơn 20km, nối từ thượng lưu sông Đá Bạc đến cửa biển Nam Triệu. Vào thế kỷ thứ X và thế kỷ thứ XIII, trên dòng sông này đã diễn ra 3 trận thủy chiến ác liệt mà chiến thắng vĩ đại đều thuộc về dân tộc Việt Nam.

Tượng của 3 vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo trên quảng trường Chiến thắng trong Khu di tích Bạch Đằng Giang

Tháng Chạp năm 938, Hoằng Tháo dẫn quân Nam Hán tiến vào sông Bạch Đằng, xâm lược nước ta. Ngô Quyền bố trí sẵn trận địa cọc dưới lòng sông rồi cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua, dụ địch đuổi theo. Khi thủy triều rút, đầu cọc bịt sắt nhô lên, Ngô Quyền huy động toàn lực phản công. Quân Nam Hán trước sau đều bị chặn đánh quyết liệt, thuyền giặc đâm phải cọc chìm đắm vô số. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 dưới sự lãnh đạo của Đức Vương Ngô Quyền đã kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài cho dân tộc ta.

Đến năm 981, cũng trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, Hoàng đế Lê Hoàn đã học theo kế sách của Ngô Quyền 43 năm trước để đánh bại quân Tống xâm lược, giết chết tướng giặc Hầu Nhân Bảo, làm nên chiến thắng Bạch Đằng vang dội lần thứ hai, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tống của quân dân Đại Cồ Việt.

Năm 1288, sông Bạch Đằng lại một lần nữa cuộn sóng, nhấn chìm quân xâm lược Nguyên-Mông. Trận Bạch Đằng 1288 của quân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam; chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế chế Mông-Nguyên xuống vùng Đông Nam Á, góp phần làm suy yếu, tan rã đế chế hùng mạnh, tàn bạo này.

Gần đây, một số bãi cọc được phát lộ, khai quật khảo cổ học ở thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê và khu Đầm Thượng, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, cùng với những thông tin được người dân cung cấp, các nhà sử học, nhà nghiên cứu đã bước đầu khẳng định chúng có liên quan đến đến trận thủy chiến năm 1288.

Theo Nhà sử học Lê Văn Lan, việc phát hiện thêm một trận địa cọc tại huyện Thủy Nguyên mang một ý nghĩa to lớn đối với những người con, người dân nơi đây. Cả Quảng Ninh lẫn Hải Phòng bây giờ đều có thể hả lòng, hả dạ. Những con cháu, hậu duệ đều tự hào rằng ông cha, tổ tiên chúng tôi ngày xưa, cả hai bên bờ của dòng Đá Bạc dẫn đến Bạch Đằng đều có công với nước, với lịch sử, dân tộc.

Phát huy hào khí Bạch Đằng Giang

Trong buổi lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia tại Quảng trường chiến thắng Bạch Đằng thuộc Khu di tích Bạch Đằng Giang, đã diễn ra một chương trình nghệ thuật sử thi với chủ đề “Hào khí Bạch Đằng Giang”, tái hiện 3 chiến thắng lẫy lừng trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, làm nổi bật công lao to lớn của các bậc tiền nhân.

Một tiết mục nghệ thuật trong Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang

Đoàn Văn công Hải quân và Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 tham gia một số tiết mục đặc sắc, mô tả nghệ thuật đánh giặc trên sông biển của dân tộc. Ông Nguyễn Văn Chung, ở thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với chương trình nghệ thuật đặc biệt này. Qua đó giúp tôi hiểu thêm về lịch sử, truyền thống đánh giặc hào hùng của ông cha ta. Nhân dân chúng tôi càng thêm tự hào về mảnh đất quê hương mình.

Hiện nay, Khu di tích Bạch Đằng Giang là một trong những điểm đến không thể thiếu của du khách thập phương khi đến với thành phố Cảng. Không chỉ có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, ở khu di tích này còn có cách điều hành, quản lý rất văn minh và nhân văn với khẩu hiệu hành động “3 không”: Không thương mại, buôn bán, hàng quán; không thu phí kể cả phí gửi xe và không rác thải. Cả khu di tích rộng lớn luôn được vệ sinh sạch sẽ. Trong khuôn viên có khu nhà khách sức chứa hàng ngàn người, phục vụ nước uống và wifi miễn phí…

Quần thể khu di tích bao gồm: Linh Từ Tràng Kênh; Đền thờ Vua Lê Đại Hành; Đền thờ Đức Vương Ngô Quyền; Đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; Đền thờ Mẫu; Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh... Ngoài ra, ở đây còn trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng cùng sơ đồ diễn biến các trận đánh và di chỉ khảo cổ đồ gốm thời kỳ Lê, Trần.

Phát biểu tại Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định: Đây là vinh dự lớn nhưng cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố trong việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử khu di tích, tri ân các bậc tiền liệt, các anh hùng dân tộc hy sinh trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Ban Quản lý Khu di tích tiếp tục duy trì mô hình “3 không” bảo đảm để Khu di tích Bạch Đằng Giang vừa là nơi phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch, vừa là một trong những trung tâm quan trọng giáo dục lịch sử, truyền thống chống ngoại xâm và phát huy hào khí Bạch Đằng Giang cho các thế hệ mai sau.

Bài, ảnh: Xuân Hương

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn