Hải Phòng: Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng thành phố Cảng “Công nghiệp, hiện đại, văn minh”
HQVN -
Hải Phòng đang vươn mình trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVI khẳng định: Hải Phòng đã vượt qua thời kỳ trầm lắng, phát triển vượt bậc cả về kinh tế lẫn văn hóa. Lấy nền tảng là phát triển văn hóa, lịch sử gắn với kinh tế cảng biển, thành phố đang phấn đấu đến năm 2025 đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Từ mạch nguồn lịch sử
Năm 2019-2020, Hải Phòng có những phát hiện mới về bãi cọc gỗ liên quan đến chiến thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288. Bãi cọc gồm 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc và 4 hố đất đen ở thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Các cọc gỗ chủ yếu bằng gỗ sến nhựa và lim, có kích thước không đều nhau, được bố trí nhiều tầng, nhiều lớp.
Sông Bạch Đằng đoạn chảy qua huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng là hợp lưu của nhiều nhánh sông, dài hơn 20km, nối từ thượng lưu sông Đá Bạc đến cửa biển Nam Triệu. Trên dòng sông này đã diễn ra 3 trận thủy chiến ác liệt nhất trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam mà chiến thắng vĩ đại đều thuộc về dân tộc Việt. Năm 938, Đức Vương Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc, khẳng định độc lập chủ quyền của đất nước. Năm 981, Hoàng đế Lê Đại Hành đánh bại quân xâm lược Tống, bảo vệ nền độc lập của quốc gia Đại Cồ Việt. Năm 1288, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã tiêu diệt, bắt sống đạo binh thuyền hùng mạnh của quân xâm lược Nguyên Mông.
Trong cả 3 trận chiến đó, quân và dân Hải Phòng đã tham gia rất tích cực, đóng góp nhiều sức người, sức của, góp phần làm nên các chiến thắng vẻ vang trên dòng sông lịch sử.
Khách tham quan bãi cọc mới được khai quật ở thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng. Ảnh: CT
Sau khi phát hiện bãi cọc, thành phố tiến hành nhiều cuộc hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử. Từ kết quả khai quật khảo cổ học và kết quả xác định niên đại mẫu cọc gỗ cùng các nguồn tư liệu lịch sử, giới khoa học bước đầu cho rằng di tích bãi cọc Cao Quỳ là một trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIII, liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần.
GS, TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử-Khảo cổ-Dân tộc học, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia nhấn mạnh: Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng, giúp chúng ta có những nhận thức hết sức mới về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần từ đó mở ra rất nhiều hướng nghiên cứu mới, trên cả phương diện về khảo cổ học, lịch sử quân sự và kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta; giúp các nhà nghiên cứu có thêm căn cứ khoa học để phát huy hơn nữa truyền thống Bạch Đằng mà Hải Phòng đã đề cao trong thời gian qua.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành khẳng định: Với sự phát hiện mới về bãi cọc và ý kiến của nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa đầu ngành là cơ hội để hậu thế tiếp nối quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, làm sáng tỏ những điều còn ẩn giấu trong lòng đất; nhằm khẳng định hơn nữa vai trò của dòng sông Bạch Đằng, của vùng đất Hải Phòng, con người Hải Phòng trong những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc. Nhiều vị tướng lĩnh có công trong các trận chiến trên sông Bạch Đằng được lưu danh cùng sử sách, người Hải Phòng lập đền thờ, lưu giữ chứng tích và hương khói trong suốt ngàn năm qua.
Những chứng tích lịch sử mới phát hiện tại Hải Phòng không chỉ đóng vai trò quan trọng với ngành khảo cổ học Việt Nam mà còn mang lại niềm phấn khởi, tự hào cho các tầng lớp nhân dân Hải Phòng. Cùng với quần thể di tích Bạch Đằng Giang (đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 2-1-2021), bãi cọc Cao Quỳ có giá trị rất lớn về lịch sử, giáo dục, văn hóa và là cơ hội để thành phố mở ra một chương mới trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đến thành phố Cảng “Công nghiệp, hiện đại, văn minh”
Giai đoạn 2015-2020, kinh tế Hải Phòng tăng trưởng 14,02%, gấp 1,34 lần mục tiêu đề ra và gấp 2,07 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Thành phố hoàn thành nhiều mục tiêu: Về đích sớm trong chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới; nâng mức trợ cấp cho người nghèo gấp 1,4 lần quy định của Chính phủ; thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước…
Dự án cầu Rào bắc qua sông Lạch Tray vừa được triển khai xây mới giúp Hải Phòng phát triển không gian đô thị về phía Tây Nam. Ảnh: TQ
Từ những thành tựu đạt được trong thời gian qua, Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, là trọng điểm phát triển kinh tế biển quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế… Đây là nền tảng vững chắc để Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030. Thành phố phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020-2025 đạt bình quân tối thiểu 14,5%/năm và không còn hộ nghèo. Với những mục tiêu đó, Hải Phòng đã đề ra những đột phá mạnh mẽ từ việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Đồng thời đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: Công nghiệp công nghệ cao; cảng biển, logistics và du lịch-thương mại.
Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành khẳng định: Thành phố sẽ tập trung các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao, các khu, cụm công nghiệp, đảm bảo đến năm 2025, lấp đầy diện tích các khu công nghiệp và cụm công nghiệp; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, quỹ đất để thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao. Thành phố quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ để phát triển bứt phá.
Là địa phương phát triển mạnh và hội tụ đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường không, đường thủy, đường sắt, Hải Phòng đặt mục tiêu trở thành trung tâm cảng biển, logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế. Thành phố tạo điều kiện, bố trí quỹ đất phù hợp để thu hút đầu tư các hệ thống trung tâm logistics hiện đại, nâng cao năng lực xếp dỡ, kho bãi, mở rộng kết nối hạ tầng…
Nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc và là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục của khu vực duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng xác định phát triển du lịch-thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với một số dự án du lịch lớn ở Đồ Sơn, Cát Hải-Cát Bà, đảo Vũ Yên đã và đang đẩy nhanh tiến độ, thành phố chú trọng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, nhất là khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí. Các di tích lịch sử được nâng cấp, bảo tồn, đặc biệt là di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khu di tích nhà Mạc cùng với quần thể khu di tích Bạch Đằng Giang, khu bãi cọc Cao Quỳ đi vào hoạt động sẽ là những điểm đến quan trọng, có giá trị lịch sử trong bức tranh du lịch của thành phố.
Đô thị Hải Phòng ngày càng rộng dài, rực sáng, xứng tầm thành phố Cảng “Công nghiệp, hiện đại, văn minh”. Ảnh: CT
Thời gian qua, các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Hải Phòng luôn gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường. Đón Xuân Tân Sửu 2021, thành phố dành gần 258 tỷ đồng tặng quà các đối tượng chính sách là hộ nghèo, cận nghèo, các gia đình cán bộ, chiến sĩ người Hải Phòng đang công tác ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc… Thành phố cũng ra chỉ thị tổ chức đón Xuân vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, tránh lãng phí. Những chủ trương này, cùng với công tác hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, các công trình phục vụ cộng đồng trước dịp Tết Nguyên đán làm cho lòng dân càng thêm phấn khởi.
Một mùa Xuân nữa lại về, Hải Phòng giờ được biết đến không chỉ là những bến cảng, khu công nghiệp hàng đầu cả nước mà còn là nơi có nhiều di tích lịch sử mang tầm quốc gia có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa trong suốt chiều dài xây dựng, phát triển của Thành phố Hoa phượng đỏ. Bởi vậy, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng giá trị văn hóa, lịch sử là mục tiêu và phương châm hành động mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đã đề ra. Những ngày này, hương sắc mùa Xuân đang tràn ngập trên mỗi con đường, góc phố, người Hải Phòng càng thêm tin tưởng, hi vọng vào tương lai tươi sáng của thành phố quê hương.
Xuân Hương
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Cần nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế hàng hải miền Trung phát triển - ( 11-11-24 07:00 )
- Công ty CP ICD Tân cảng Sóng Thần được vinh danh Top 10 công ty đại chúng - ( 09-11-24 05:00 )
- Công ty cổ phần Tân cảng Tây Ninh-Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài ký quy chế phối hợp hoạt động - ( 07-11-24 08:00 )
- Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn lần thứ 8 liên tiếp đạt thương hiệu quốc gia - ( 05-11-24 08:00 )
- Tân cảng Sài Gòn tổ chức Hội thảo tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tăng cường giao thương tại Trung Quốc - ( 03-11-24 03:00 )