Hải đội 4, Vùng 1 Hải quân: Nhiều kinh nghiệm quý trong tìm kiếm, cứu nạn trên biển

HQVN -

Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Hải đội 4, Vùng 1 Hải quân còn là lực lượng xung kích trong tìm kiếm, cứu nạn (TKCN) trên biển, để lại ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ- Người chiến sĩ Hải quân" trong lòng nhân dân.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Phạm Quang Đoàn, Hải đội trưởng Hải đội 4 cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn về lực lượng và phương tiện nhưng cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn nhận thức rõ TKCN trên biển cũng là nhiệm vụ chiến đấu, là mệnh lệnh từ trái tim người lính. Công tác xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, TKCN và huấn luyện, diễn tập được đơn vị thực hiện nghiêm túc, có nền nếp. Việc phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng và địa phương trong TKCN trên biển được tổ chức chặt chẽ. Trong 10 năm qua, Hải đội đã huy động hàng chục lượt tàu xuồng, hơn 200 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, cứu được 11 tàu thuyền bị nạn, cứu sống được hơn 100 ngư dân, 30 người dân nhảy xuống cầu Bính. Đặc biệt là tháng 4 năm 2017 đơn vị đã tham gia tìm kiếm máy bay Casa 212 bị nạn trên vùng biển Bạch Long Vỹ.

Cán bộ, chiến sĩ Tàu 634 chở nhân dân bị mắc kẹt ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh) do cơn bão số 6 về đất liền năm 2015. (Ảnh: Văn Tuân)

Để thực hiện tốt nhiệm vụ TKCN, Đảng ủy, chỉ huy Hải đội 4 luôn coi trọng công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho bộ đội. Thực tế hoạt động TKCN trên biển thường diễn ra bất thường, với phạm vi rộng, trong điều kiện thời tiết phức tạp và đối mặt với nhiều hiểm nguy nên tác động không nhỏ tới tư tưởng của bộ đội. Vì thế, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ là vấn đề quan trọng, quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ. Đơn vị cũng chủ động, tích cực đổi mới nội dung, hình thức và biện pháp giáo dục phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng; trong đó, tập trung làm cho mọi người hiểu rõ sự phức tạp, khó lường của các loại thiên tai, sự cố trên biển cùng tác hại to lớn của nó đối với kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và con người. Qua đó, chuẩn bị về tư tưởng, quyết tâm, trách nhiệm và tinh thần khắc phục khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này.

Hải đội đã thường xuyên luyện tập các phương án TKCN ở vùng biển gần, vùng biển xa bờ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thời tiết. Đây là khâu đột phá để nâng cao hiệu quả phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Hải đội thực hiện nghiêm túc chương trình, nội dung huấn luyện về TKCN phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và địa bàn hoạt động của mình. Đơn vị lồng ghép nội dung này vào chương trình huấn luyện năm cho lực lượng tàu theo hướng: Từ đơn giản đến phức tạp, từ kiến thức cơ bản đến chuyên sâu, cả trên đất liền và trên biển; tập trung huấn luyện chuyên sâu cho các lực lượng được trực, thường xuyên làm nhiệm vụ TKCN. Trong quá trình thực hiện, các lực lượng đã kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện nâng cao kỹ năng tiếp cận kịp thời mục tiêu bị nạn (trong điều kiện thời tiết phức tạp) với sử dụng thành thạo các trang bị, thiết bị cứu nạn mới, hiện đại…

Thượng úy Lê Văn Thương, Thuyền trưởng Tàu 786, Hải đội 4 chia sẻ: Khác với trên đất liền, tính chất các sự cố, tai nạn trên biển thường rất phức tạp. Đối tượng tìm kiếm không cố định, có thể trôi dạt trên mặt nước hoặc chìm sâu trong lòng biển... Nhưng nhờ thường xuyên luyện tập các phương án TKCN khi tàu hoạt động trên biển nên Tàu 786 và các tàu trong đơn vị đã nhiều lần chủ động xin chỉ đạo của cấp trên cơ động vượt sóng to, gió lớn trong thời gian nhanh nhất để kịp thời cứu giúp tàu cá, ngư dân thoát khỏi cơn hiểm nghèo. Sau mỗi chuyến đi biển, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị từ cấp Hải đội đến từng tàu đều rút kinh nghiệm để tìm ra những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong TKCN và biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tốt.

Hải đội 4 cũng luôn làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng TKCN với các đơn vị bạn. Theo đó, các tàu của Hải đội đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng chặt chẽ, chính xác ở các khâu từ tiếp nhận thông tin đến tổ chức sử dụng lực lượng, xây dựng phương án và tổ chức TKCN trong từng tình huống cụ thể theo một kế hoạch thống nhất, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, hiệu quả để hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu nạn được giao.

Đặng Tùng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn