Gửi trọn niềm tin người lính biển

Bài 3: Những người con trung hiếu

HQ Online -

Như phần đầu bài viết đã đề cập, giữa ngàn khơi muôn trùng sóng vỗ, giữa bộn bề khó khăn đòi hỏi sự hy sinh, cống hiến của những người lính biển. Được luyện rèn, vượt lên những khó khăn thử thách ấy, cán bộ, chiến sĩ Hải quân như trưởng thành hơn, vững vàng hơn và trở thành những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc. Họ xứng đáng là những người con trung hiếu đại diện cho đồng bào cả nước sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Bài 1: Chủ trương vượt trùng khơi

Bài 2: Chi bộ tốt nơi đầu sóng

Thiếu úy QNCN Đoàn Tuấn Vũ, Nhân viên thông tin trên đảo Sinh Tồn quê ở xã Tiền An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh có đam mê về lịch sử. 5 năm trước, Vũ tình nguyện nhập ngũ vào Quân chủng Hải quân và trở thành chiến sĩ thông tin, được vinh dự ra công tác ngoài đảo. Đoàn Tuấn Vũ cho biết: Từ nhỏ tôi đã mê mẩn tìm hiểu những hiện vật có giá trị, trong đó có những mảnh gốm sứ thời Trần, Lê và nhiều mảnh sành từ những thế kỷ trước là những bằng chứng khoa học khẳng định sự có mặt sớm, liên tục của người Việt và các hoạt động trên biển của cư dân tiền sử ở quần đảo Trường Sa.

Vũ nhận công tác ra đảo đúng dịp Biển Đông có diễn biến phức tạp. Người thân ở quê thì lo nhưng Vũ chẳng nề hà khó khăn thử thách, tích cực học tập, nghiên cứu làm chủ trang bị kỹ thuật, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, góp phần phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Nhiều năm liên tục hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đầu năm 2019, Đoàn Tuấn Vũ vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

Lễ kết nạp đảng viên trên đảo Trường Sa

Thiếu tá Lương Khánh Thiện, Chính trị viên phó đảo Sinh Tồn chia sẻ: Chúng tôi chú trọng chọn nguồn là các đoàn viên ưu tú, có động cơ phấn đấu tốt, có thành tích trong quá trình huấn luyện... Chi bộ đã định hướng, bồi dưỡng, giúp đỡ để các hạt nhân đó phát huy khả năng, sở trường, sức trẻ để tiếp tục cống hiến. Những đảng viên trẻ, những cán bộ, chiến sĩ Hải quân được tôi luyện, trưởng thành trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt, hội tụ đầy đủ ý chí, nghị lực, bản lĩnh sẽ là những đảng viên kiên trung nơi đầu sóng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mỗi tấc đất, ngọn sóng hôm nay là mồ hôi, là xương, máu của cha ông ta, của các anh hùng liệt sĩ đã dày công xây dựng và bảo vệ. Trên đảo Nam Yết hiện nay vẫn còn những ngôi mộ của một số liệt sĩ đã hi sinh trong quá trình xây dựng, bảo vệ quần đảo Trường Sa. Binh nhất Đinh Thanh Bình, Chiến sĩ đảo Nam Yết, quê ở tổ 3, thôn 3, xã Đa Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Đinh Thanh Bình hi sinh ngày 19-9-2011 khi đang làm nhiệm vụ. Tấm bia và phần mộ của Bình trên đảo khiến nhiều người trong các đoàn công tác ra thăm đảo không sao cầm được nước mắt. Bình ra đi khi vừa tròn 19 tuổi. Nhưng ở đây, Liệt sĩ Bình không cô đơn bởi bên cạnh Bình luôn có đồng đội và đồng đội hôm nay luôn coi Bình là người thân. Những ngày lễ, tết, hay khi đảo liên hoan, mọi người đều nhớ đến Bình, thắp hương và phần cho Bình một suất như mọi cán bộ, chiến sĩ…

Học tập, rèn luyện tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa là một vinh dự, tự hào của mỗi người lính Hải quân

Đến các đảo, nhiều người đã ngỡ ngàng vì những bụi tre đằng ngà, một biểu tượng bất khuất kiên trung của người Việt trên các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết… đang sinh sôi, phát triển. Những cán bộ, chiến sĩ Hải quân trên các đảo hôm nay như những cây măng giữa muôn trùng phong ba bão táp, họ đang tiếp nối truyền thống “tre già, măng mọc” của cha ông, tiếp tục xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thiếu tá Tô Văn Thư, quê xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình là con trai Đại tá Tô Văn Chuẩn, nguyên Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa. Thiếu tá Thư đã từng nhiều năm công tác trên các đảo Sinh Tồn, Sơn Ca, Tiên Nữ và hiện nay là Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông, Đoàn Trường Sa. Thiếu tá Tô Văn Thư chia sẻ: Bố tôi cả đời binh nghiệp cống hiến cho biển, đảo. Như một lẽ tự nhiên, tôi cũng gắn bó với biển, đảo. Tôi tin tưởng rằng không chỉ tôi mà triệu triệu người con đất Việt đều hướng về biển, đảo quê hương, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc mà ông cha ta đã bao đời gìn giữ.

Trường Sa là nơi lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Hải quân tích cực, học tập, rèn luyện, xây dựng, bảo vệ chủ quyển biển, đảo của Tổ quốc

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Hải quân còn hỗ trợ, bảo vệ các hoạt động kinh tế, giữ vững ổn định trên huyện đảo Trường Sa, giúp ngư dân yên tâm bám biển. Cán bộ, chiến sĩ Hải quân không chỉ hỗ trợ ngư dân lương thực, thực phẩm, nước ngọt, rau xanh mà còn hiến máu để cứu giúp ngư dân những khi hoạn nạn.

Ngư dân Huỳnh Linh, 19 tuổi quê ở xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cùng tàu cá đang khai thác hải sản ở ngư trường Trường Sa thì bị tai nạn lao động. Bệnh nhân bị vết thương thận trái, tụ máu hố thận lớn, mất máu mức độ nặng. Các y, bác sĩ Bệnh xá đảo Song Tử Tây đã kịp thời chống sốc, cắt lọc làm sạch vết thương và huy động cán bộ, chiến sĩ Hải quân truyền máu cấp cứu. Khi bệnh nhân ổn định, Quân chủng Hải quân đã điều trực thăng chuyển bệnh nhân vào đất liền để tiếp tục điều trị. Đây là câu chuyện cụ thể trong hàng ngàn câu chuyện mà cán bộ, chiến sĩ Hải quân giúp hỗ trợ, cứu giúp ngư dân bị nạn trên biển. Những người lính Hải quân đã và đang là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần khẳng định ngư trường truyền thống, khẳng định chủ quyền trên biển của Tổ quốc.

Đến các đảo trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, ở đâu chúng tôi cũng thấy hình ảnh Đại tướng Lê Đức Anh đi thăm Trường Sa cùng lời thề giữ đảo được trưng bày ở nơi trang trọng. Thượng tá Lương Xuân Giáp, Chính ủy Đoàn Trường Sa kể cho tôi nghe câu chuyện hơn ba mươi năm trước: Năm 1988, trong chuyến thị sát tại quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã dự lễ kỷ niệm 33 năm Ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam tại đảo Trường Sa. Đại tướng đã nhấn mạnh: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau, "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa-một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".

Trường Sa là môi trường vô cùng khắc nghiệt nhưng những người lính Hải quân luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thân yêu

Những cán bộ, chiến sĩ Trường Sa mà chúng tôi được gặp gỡ, tiếp xúc họ đều rắn rỏi, can trường và sẵn sàng cống hiến, chẳng ngại hy sinh. Ngoài kia, những con sóng bạc đầu đang cuồn cuộn, hung hăng lao vào bãi san hô như muốn cuốn phăng đi tất cả nhưng tôi tin rằng các cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Hải quân sẽ vững vàng hơn san hô, sẵn sàng đánh tan những con sóng dữ. Các anh là những người con trung hiếu của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân mà mỗi người con đất Việt đặt trọn niềm tin.

Bài và ảnh: Hoàng Ngọc Triệu

Trong tham luận tại Hội nghị sơ kết công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo giữa Quân chủng Hải quân với 63 tỉnh, thành phố và 15 cơ quan, đơn vị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho biết: Cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô đã luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong việc giải quyết tình hình trên Biển Đông. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô luôn dành nhiều tình cảm và những việc làm thiết thực, hướng về biển, đảo, nhất là Trường Sa thân yêu-một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Hải quân để đẩy mạnh tuyên truyền biển đảo, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị xuyên tạc quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn