Gửi trọn niềm tin người lính biển

Bài 2: Chi bộ tốt nơi đầu sóng

HQ Online -

Với những chủ trương, biện pháp phù hợp, sáng tạo, nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy Đoàn Trường Sa, từ đất liền vượt hàng trăm hải lý để đến nơi những người thực hiện. Vượt lên mọi khó khăn, làm chủ mọi hoàn cảnh, các chi bộ phải luôn vận dụng sáng tạo trong xây dựng và thực hiện nghị quyết, nâng cao năng lực lãnh đạo, vững vàng sức chiến đấu, lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bài 1: Chủ trương vượt trùng khơi

Bài 3: Những người con trung hiếu

Cán bộ, chiến sĩ Hải quân luôn tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao sức mạnh tổng hợp

Việc ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ của các chi bộ trên biển không thể chỉ thực hiện nguyên tắc như những chi bộ trên đất liền mà còn phải luôn vận dụng sáng tạo để đáp ứng với đặc thù nhiệm vụ. Trên cơ sở điều kiện thực tiễn ở các đảo, ngay từ đầu năm các tổ chức cơ sở đảng chủ động xây dựng dự thảo nghị quyết lãnh đạo đơn vị chi tiết đến từng tháng và gửi vào bờ để Đảng ủy Đoàn bám sát, chỉ đạo, định hướng. Cùng với đó, hằng tháng Đảng ủy Đoàn Trường Sa bổ sung nội dung lãnh đạo của chi bộ bằng nhiều biện pháp, nếu không tranh thủ triển khai nhân dịp cán bộ, đảng viên về bờ tham gia các hội nghị thì sử dụng điện cơ yếu. Vì vậy dù cách xa đất liền nhưng các chi bộ vẫn thực hiện đúng thời gian, đủ nội dung nghị quyết lãnh đạo cũng như nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng theo quy định.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Thuyền Chài vui văn nghệ sau giờ huấn luyện

Đảo Thuyền Chài có 3 điểm đóng quân, mỗi điểm đóng quân có một chi bộ trực thuộc Đảng bộ đảo. Trong điều kiện trời yên, biển lặng, khi sinh hoạt, các đảng ủy viên ở các điểm đảo cơ động bằng xuồng đi họp cấp ủy, vừa để báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên cũng hiếm khi thực hiện được bởi điều kiện sóng to gió lớn, nhiệm vụ gấp, triệu tập cấp ủy viên sinh hoạt là không thể. Bí thư đảng ủy hội ý, thống nhất với chỉ huy đảo những nội dung cơ bản trong dự thảo nghị quyết, sau đó gửi tới hai điểm đảo còn lại bằng điện tín. Các ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp để hoàn thiện nghị quyết.

Đại úy Trần Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên đảo Thuyền Chài cho biết: “Có những thời điểm, sóng to, gió lớn, có nội dung cần ý kiến, biểu quyết tập thể, bằng biện pháp vận dụng sáng tạo trên, đảng ủy vẫn phát huy tốt dân chủ, tiếp thu được ý kiến của toàn thể đảng viên sau đó triển khai thực hiện”.

Bám trụ nơi đảo xa, công tác tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ là điều được các cấp quan tâm, nhất là thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Đây cũng là nội dung được các chi bộ ở Trường Sa chú trọng lãnh đạo. Một trong những biện pháp là xây dựng và phát huy vai trò tổ tư vấn tâm lý, tình cảm quân nhân. Tổ tư vấn tâm lý, tình cảm quân nhân không chỉ là nơi để từng cán bộ, chiến sĩ trao đổi, bày tỏ nguyện vọng, đề đạt ý kiến mà còn giúp cấp ủy, chỉ huy đảo chủ động nắm, quản lý và giải quyết kịp thời những tư tưởng nảy sinh.

Thượng uý Nguyễn Tiến Quyền, Phó chỉ huy trưởng điểm B đảo Đá Đông có vợ làm giáo viên ở huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Khi đồng chí Quyền đang ngoài đảo thì vợ đi khám bệnh và phát hiện bị bệnh nan y. Đồng chí Quyền đã rất buồn và hụt hẫng. Tổ tư vấn tâm lý, tình cảm quân nhân nắm được tình hình đã kịp thời báo cáo với cấp uỷ, chỉ huy đảo để tìm biện pháp giải quyết. Chính trị viên đảo Đá Đông đã gặp gỡ, động viên làm công tác tư tưởng, chia sẻ hoàn cảnh gia đình và nắm tâm tư nguyện vọng của đồng chí Quyền. Sau khi báo cáo, xin phép ý kiến chỉ đạo của cấp trên, Chính trị viên đảo đã vận động cán bộ, chiến sĩ quyên góp ủng hộ, giúp đỡ gia đình đồng chí Quyền. Được sự quan tâm, động viên kịp thời của đồng đội, đồng chí Quyền đã yên tâm công tác, đồng thời động viên vợ chữa bệnh. Qua quá trình điều trị, vợ anh Quyền đã ổn định sức khoẻ và trở lại làm việc.

Thư từ đất liền là món ăn tinh thần của những người lính biển

Trường hợp của Binh nhất Nguyễn Hữu Duy quê ở TP.Hồ Chí Minh, Chiến sĩ đảo Sơn Ca cũng là một điển hình về công tác nắm, quản lý và giải quyết tư tưởng cho bộ đội. Nguyễn Hữu Duy đang làm nhiệm vụ trên đảo thì nhận được tin bố qua đời. Duy buồn, chán báo cáo cấp trên là mình bị ốm và không tham gia các hoạt động của đơn vị và xin vào bờ. Nắm được tình hình, Chính trị viên cụm đã báo cáo cấp ủy, chỉ huy đảo để thông báo cho toàn đảo về việc hiếu của gia đình Duy. Các đồng đội chia sẻ, động viên và tổ chức thăm viếng. Do điều kiện ở quá xa, chỉ huy đảo đã thông qua một đơn vị ở TP.Hồ Chí Minh cử người đại diện đơn vị đến viếng, động viên gia đình. Đồng chí Bí thư Chi bộ đã phân tích cho Duy hiểu điều kiện vô cùng khó khăn, không thể về ngay được đồng thời động viên để Duy thấy được niềm vinh dự, tự hào khi học tập, công tác tại quần đảo Trường Sa. Gia đình Duy đã gọi điện cảm ơn chỉ huy đảo và động viên Duy yên tâm công tác… Từ những biện pháp ấy, Duy nhanh chóng trở lại công tác, hoà nhập cùng đồng đội, tích cực học tập, rèn luyện và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, tổ tư vấn tâm lý, tình cảm quân nhân thường xuyên nắm các mối quan hệ của quân nhân trên đảo. Hàng tháng, chính trị viên đảo sẽ điện trao đổi trực tiếp với gia đình các quân nhân. Trung tá Hoàng Đức Chiến, Chính trị viên đảo Sơn Ca cho biết: “Chúng tôi vừa báo cáo kết quả hoạt động, công tác của quân nhân vừa kết hợp gia đình để nắm tình hình tư tưởng của mỗi quân nhân. Đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với gia đình để vừa trao đổi thông tin vừa thăm hỏi sức khoẻ, vừa động viên gia đình và tìm biện pháp giải quyết kịp thời khi có vấn đề tư tưởng phát sinh”.

Những người lính Hải quân trên đảo Sơn Ca giao lưu cùng đoàn công tác

Thượng tá Lương Xuân Giáp, Chính ủy Đoàn Trường Sa là người đã nhiều năm công tác tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa và có nhiều kinh nghiệm về công tác nắm, quản lý tư tưởng của bộ đội. Anh trải lòng: “Cán bộ, chiến sĩ ở đảo như anh em trong một nhà. Người chính trị viên phải thực sự gương mẫu, phải như người chị, người mẹ trong gia đình. Chính trị viên phải nắm được ngày tháng năm sinh, quê quán, sở trường, năng khiếu, hoàn cảnh gia đình của bộ đội. Bố mẹ còn hay mất? Nếu đã mất thì phải nắm được ngày giỗ để trước ngày đó hỏi thăm xem gia đình tổ chức thế nào, kịp thời chia sẻ, động viên bộ đội”.

Với nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo sát với tình hình thực tiễn, các chi bộ ở Trường Sa đã lãnh đạo các đơn vị đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bài và ảnh: Hoàng Ngọc Triệu

Những phần thưởng cao quý của Đoàn Trường Sa:

Tập thể: Đoàn Trường Sa vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (1983). Đảo Trường Sa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (1985). Đảo Song Tử Tây được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (1999). 9 tập thể được tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng.

Cá nhân: Liệt sĩ Trần Văn Phương được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (1989). Liệt sĩ Trần Đức Thông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (1989). Nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân chương, huy chương, cờ, bằng khen và các danh hiệu cao quý khác.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn