Gió đưa gió đẩy bông trang...
HQ Online -
Chiều cuối năm, tôi dọn vườn chợt nhận ra cây bông trang nép mình khiêm tốn nơi cuối vườn. Là lâu nay hiếm thấy bông trang nên chiều nay gặp nó cũng có chút buâng khuâng trong lòng.
Vài mươi năm trước bông trang không thiếu. Chốn quê nhà nào cũng có dăm bụi bông trang đầu hè, trước sân, cổng ngõ… rồi đến chùa chiền, đình miếu cũng có bông trang. Những cây bông trang hoa nở vun đầy màu đỏ ối như đĩa xôi gấc. Trong đóa hoa đó có nhiều cọng nhỏ hình tròn gộp lại thành một đài hoa to. Khi còn búp, chưa nở bung ra thì túm lại, giấu cái nhụy chứa đầy mật ngọt, một giọt mật vừa đủ ngọt tê đầu lưỡi như giữ kín sự tinh khiết của từng cọng hoa.
Bông trang không quý phái, không đài các, không kêu sa dù trang đỏ hay trang trắng. Đặt cạnh hồng nhung, lay ơn, cẩm chướng… bông trang như cô thôn nữ “tay lấm chân bùn” cùng cặp đôi với những nàng thiếu nữ kiêu sa thị thành. Mà quê thật, bởi bông trang xuề xòa, dễ đãi, dậm vào đâu cũng sống được, chẳng kén canh chọn cá, chẳng cần chăm sóc tưới tắm lôi thôi. Đất bạc màu, đất cằn cỗi, sỏi đá! Mặc bông trang cứ điềm nhiên xanh tốt, điềm nhiên đơm hoa, một thứ hoa “mặc bền, ăn chắc”, nở kéo dài mươi ngày, nửa tháng mới chịu tàn.
Không chỉ có thế, bông trang còn sai nụ chi chít từ gốc đến ngọn, nở tứ mùa, bát tiết dù nắng, dù mưa. Nó không đài các nhưng tinh khiết, vì thế nên bông trang dùng để cúng, hương thơm của hoa hòa quyện cùng khói nhang làm tăng sự nghiêm trang, tĩnh lặng của không gian ngôi nhà. Nông thôn ngày xưa, hầu hết nhà nào cũng có giỗ, nhà ít thì một hai cái, nhất là nhà thờ họ mỗi năm đến sáu, bảy cái giỗ chưa kể ngày rằm, mồng một, cúng mộ, cúng đất, cúng ông táo về trời, cúng tất niên, cúng đầu năm, cúng đình, cúng chùa… tất tần tật, lọ hoa chưng bàn thờ cũng có bông trang.
Tiện lợi ư? chắc hẳn rồi nhưng phải chăng còn một góc khuất, một góc khó nói thành lời mang màu sắc tâm linh, mang cái hồn chân chất của người chân quê-chỉ dám ước ao điều mộc mạc, đơn sơ khỏe khoắn, vững chải lâu bền. Bông trang có dầm mưa cả tháng, phơi nắng trong thời tiết khô vẫn kiên cường bám đất mà sống. Rễ ngoằn ngoèo, bấu chặt vào đất đá bão giông chỉ đủ sức vặt chơi vài túm lá chứ lay đổ cây thì quả khó lòng!
Gió đưa, gió đẩy bông trang/ Bông búp về nàng, bông nở về anh/ Đến đây thì ở lại đây/ Bao giờ củi mục thành cây hãy về. Cái mối tình quê khó nói kia cũng phải mượn hình ảnh bông trang mà đẩy đưa, gửi gắm và hiển nhiên bông trang đã bước vào lãnh địa văn chương, chứ không còn phải quanh quất ngoài lề để tủi buồn với chuyện đời dâu bể. Dẫu cho đời quê thay đổi lên dáng phố thị thì cái mộc mạc chân chất tạm lắng chìm vào sâu nhưng vào giờ bông trang cũng bám vào đất trường tồn vĩnh cửu…
Lê Văn Huân
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn