“Gập ghềnh” con chữ nơi đảo xa

HQVN -

Tháng Tám mùa thu yên bình, quyến rũ trôi qua vội vã nhường chỗ cho những ngày tháng Chín rộn rã, tưng bừng không khí của ngày tựu trường.

“Em yêu trường em/ Với bao bạn thân/ Và cô giáo hiền/ Như yêu quê hương/ Cắp sách đến trường trong muôn vàn yêu thương!”- Tiếng hát líu lo của những đứa trẻ đang chơi đùa dưới tán cây bàng quả vuông ở sân Trường Tiểu học Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa đã níu chân các thành viên của đoàn công tác chúng tôi.

Chuyện dưới tán bàng quả vuông

Hai thầy giáo của đảo Trường Tiểu học Sinh Tồn là Phạm Xuân Diệu và Nguyễn Công Qua vừa trông chừng 8 em nhỏ vừa nắn nót viết, tô màu và cắt những khẩu hiệu để trang trí lớp học. Quanh lớp có nhiều khẩu hiệu rất dễ hiểu và dễ nhớ như: “Vào lớp thuộc bài, trật tự, vâng lời, chăm chỉ, ngoan ngoãn”; “Ra lớp hiểu bài” và 10 bước học tập của học sinh…

Thầy Diệu sinh năm 1993, quê ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. “Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, tôi đã mong muốn sau này được đem con chữ đến với những em nhỏ ở vùng khó khăn, giúp các em tiếp cận kiến thức. Với những đứa trẻ ở vùng biển, đảo xa xôi này, ai cũng dành những tình cảm đặc biệt bởi các em chịu nhiều thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa trong đất liền. Vì thế, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang mặc dù gia đình cũng có ý kiến ngăn cản nhưng tôi vẫn tình nguyện ra đảo dạy học”-thầy Diệu nói.

Thầy Phạm Xuân Diệu dạy các em nhỏ trên đảo Sinh Tồn qua sách báo

Thầy Phạm Xuân Diệu và Nguyễn Công Qua vốn là đôi bạn thân từ những ngày học phổ thông, đều chưa lập gia đình và viết đơn tình nguyện ra đảo công tác. Thầy Qua kể về ngày đầu hai thầy đặt chân đến đảo: “Lần đầu tiên đi tàu thủy, chúng tôi  bị say sóng, vật vờ, không biết trời đất là gì. Trước khi ra đây công tác, chúng tôi đã được tập huấn, được thông tin đầy đủ về các trò của mình. Đến đảo, thấy trường còn đơn sơ, học sinh thì có 8 em nhưng đủ mọi lứa tuổi từ mầm non đến lớp 3, chúng tôi thấy vô vàn khó khăn trước mắt và càng thêm thương trò và quyết tâm ở lại”.

Cũng tình nguyện ra đảo công tác như hai bạn trẻ  lứa tuổi 9X ở trên, thầy Bành Hữu Tình, giáo viên duy nhất đang dạy học ở đảo Trường Sa cho biết trước khi ra đây công tác, thầy đã có 3 năm dạy ở Trường tiểu học Khánh Lâm, huyện Khánh Vĩnh-một huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa và 10 năm dạy học ở Trường tiểu học Suối Cát, huyện Cam Lâm. Sinh năm 1983 trong một gia đình có 7 anh chị em, Hữu Tình là con út và hiện vẫn chưa lập gia đình. Mẹ mất khi thầy mới 5 tuổi. Bố cũng mất khi thầy đi làm được vài năm. Các anh chị tuy mong muốn cậu em út sớm yên bề gia thất nhưng đều tôn trọng và ủng hộ quyết định ra Trường Sa dạy học 5 năm của Tình.

Lớp học “mở”

Mặc dù chưa từng gặp gỡ nhưng thấy đoàn khách đến, 5 em nhỏ của Trường tiểu học thị trấn Trường Sa đã chạy lại ôm chầm những cô chú từ đất liền ra thăm. Chắc các em cảm nhận được hơi ấm và niềm tin mà đất liền gửi gắm ở các em.

Bé Xoan Trà năm học này lên lớp 3 phấn khởi khoe thuộc rất nhiều bài thơ. Xoan Trà đọc liền bài thơ “Quê em ở Trường Sa”: “Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/Bốn mùa xanh bao la/Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển…” khiến ai cũng xúc động.

Theo bước chân các bé vào lớp, chúng tôi ngỡ ngàng trước không gian học tập ở đây. Thầy Bành Hữu Tình trang trí lớp rất thân thiện với học sinh. Nội quy lớp học là một tấm biển vẽ những bông hoa, mỗi bông hoa ghi một nội dung: Tự tin, đoàn kết, vượt khó, bảo vệ của công, lễ phép, chuyên cần, chăm ngoan, tích cực, học giỏi, sáng tạo... Câu cuối được in đậm “Chúng mình cùng thực hiện nhé”. Bên cạnh đó là góc Tiếng Việt, thầy cho in các mẫu chữ viết. Góc Toán in bảng cửu chương... Trong lớp, thầy còn treo ảnh 5 học sinh yêu quí của mình. Tất cả đều giản dị, không màu mè, khẩu hiệu mà rất chân thật và tràn đầy thân thương như những gì chúng tôi thấy ở Trường Sa.

Ở lớp ghép, thầy Tình xếp các học sinh lớp 5 ngồi với nhau, rồi đến lớp 3, cuối cùng là mầm non. Khi học sinh mầm non hết nội dung học bài thì thầy cho chơi đồ chơi rồi quay sang dạy cho học sinh tiểu học. Thầy thường dạy xen kẽ, nếu lớp 5 học toán thì lớp 3 học tiếng Việt. Vì lớp ít học sinh, thầy Tình có điều kiện chỉ bảo cho từng em nên các em tiến bộ rất nhanh và đạt kết quả tốt.

Đến nay, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa có 3 trường học ở thị trấn Trường Sa, xã đảo Sinh Tồn và xã đảo Song Tử Tây. Các trường đều được xây dựng kiên cố, khang trang. Dù vậy, môi trường học tập của các em nhỏ nơi đảo xa vẫn còn nhiều khó khăn mang tính chất đặc thù. Thầy Phạm Xuân Diệu tâm sự: Theo tôi, cái khó khăn lớn nhất trong việc học của các con chính là điều kiện giao tiếp xã hội. Tôi và các đồng nghiệp ở Trường Sa luôn cố gắng thường xuyên cập nhật thông tin để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; từ đó tổ chức giảng dạy dưới nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tế ở đảo. Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên tổ chức các hoạt động học tập ngoại khóa, giao lưu, vui chơi cùng các em để lớp học không còn bị bó buộc trong 4 bức tường, trong những quyển sách mà là lớp học “mở”.

Tiếng trống trường vang lên rộn rã khắp nơi báo hiệu năm học mới bắt đầu hứa hẹn nhiều đổi mới trong dạy và học. Rời đảo, chúng tôi vẫn còn nghe lanh lảnh tiếng đọc bài của các em nhỏ át cả tiếng sóng. Thương lắm tiếng trẻ nơi đảo xa!

Bài, ảnh: Phúc Vinh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn