Gần 84% bệnh nhân mắc Covid-19 tại Việt Nam được điều trị khỏi

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị-Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến chiều 23-4, hơn một tuần qua Việt Nam không ghi nhận ca bệnh mắc Covid-19 mới nào. Đến nay, các cơ sở khám chữa bệnh đã điều trị khỏi, ra viện 224 trường hợp bệnh nhân nhiễm Covid-19. 

Hiện cả nước còn 44 bệnh nhân đang điều trị tại 7 cơ sở y tế, bao gồm: 39 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; một bệnh nhân người Anh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh; một ca tại Bệnh viện Đa khoa Cầu Treo Hà Tĩnh; một ca tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình; một ca tại Bệnh viện Đa khoa Kim Sơn, Ninh Bình; một ca tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai; một ca tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn. Trong số này, có 3 bệnh nhân nặng trong tình trạng nguy kịch gồm: Bệnh nhân số 19 và bệnh nhân số 161 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh; bệnh nhân số 91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Trong tổng số 44 ca đang điều trị, hiện đã có 20 ca có kết quả âm tính, trong đó 12 ca âm tính lần 1 và 8 ca âm tính lần 2.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê cho biết, đến giờ phút này, ngoài sự nỗ lực của các thầy thuốc, nhân viên y tế điều trị trực tiếp, tất cả các bệnh nhân Covid-19 nặng đều được hội chẩn thường xuyên bởi các chuyên gia đầu ngành với tinh thần quyết tâm cao nhất, dành nguồn lực tốt nhất có thể để cứu chữa các trường hợp này. Chính vì thế các ca bệnh nặng đều cơ bản được điều trị thành công. Trong số các bệnh nhân nặng hiện đang điều trị tại hai bệnh viện nêu trên, trường hợp bệnh nhân nặng nhất là bệnh nhân phi công người Anh (BN91) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã có nhiều tiến triển.

* Sáng 23-4, Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) đã công bố khỏi bệnh cho bệnh nhân số 206, 48 tuổi, quận 2, TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân vào viện ngày 27-3. Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhiều lần và được công bố khỏi bệnh. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi, cách ly thêm 14 ngày dưới sự giám sát của y tế địa phương.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh đã có 53/54 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh.

* Ngày 23-4, căn cứ vào những chuyển biến tích cực của dịch Covid-19 tại Hà Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành công điện số 1208/CĐ-CTUBND chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo đó, việc phong tỏa thị trấn Đồng Văn và thôn Tả Kha thuộc thị trấn Phố Bảng (huyện Đồng Văn) đã được dỡ bỏ. Các địa phương này phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngày 22-4, UBND huyện Đồng Văn đã phong tỏa thị trấn Đồng Văn và phong tỏa thôn Tả Kha thuộc thị trấn Phó Bảng (huyện Đồng Văn) để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

* Ngày 23-4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

Theo đó, trong điều kiện nới lỏng giãn cách xã hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, căng tin ăn uống) phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Chỉ những cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định mới được phép hoạt động. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đeo khẩu trang khi chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; giữ khoảng cách tiếp xúc giữa nhân viên chế biến, phục vụ và người sử dụng thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; những người có ít nhất một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở không được bố trí làm việc tại cơ sở; khu vực chế biến thức ăn phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay, có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay cho người sơ chế, chế biến thực phẩm.

Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp hoặc túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển; khu vực ăn uống phải có nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay sạch và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay; đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, đủ bàn ghế và bố trí khoảng cách giữa những người ăn uống; có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng người ăn uống và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng. Có đủ thùng đựng rác thải, có nắp đậy và có lót túi.

Đối với bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, chế xuất, doanh trại các đơn vị, bệnh viện, cơ sở giáo dục, trường học có đông người ăn uống cần bố trí ăn theo nhiều ca để bảo đảm khoảng cách giữa những người ăn uống.

Đối với người ăn uống, yêu cầu phải rửa tay sạch bằng xà phòng, sử dụng dung dịch khử khuẩn bàn tay trước và sau khi ăn uống; giữ vệ sinh, hạn chế di chuyển, không nói to, cười đùa trong khi ăn uống.

Đối với việc kinh doanh thức ăn đường phố phải phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với thực phẩm, thức ăn; giữ khoảng cách tiếp xúc trực tiếp với khách hàng; thực phẩm, thức ăn ăn ngay phải được bao gói trong hộp hoặc túi kín, an toàn trước khi giao cho khách hàng.

Cùng với đó, các sở y tế và ban quản lý an toàn thực phẩm các địa phương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm theo các tiêu chí nêu trên và các quy định pháp luật có liên quan.

PV tổng hợp