Facebook-Lợi và hại

Theo ông Nguyễn Khánh Hòa, Tổng Giám đốc của AZ Marketing Solutions (AMS), thế giới hiện có 28 loại hình mạng xã hội khác nhau và ở Việt Nam có đến 22 loại hình. Trong đó, nổi bật nhất là mạng xã hội Facebook với 8,5 triệu người sử dụng, với mức tăng trưởng khoảng 150%/năm. Nghĩa là, khoảng 10% dân số Việt Nam đang ngày đêm “sống chung với facebook”. 

Sự ra đời của mạng xã hội nói chung và facebook nói riêng thể hiện sự phát triển của nền văn minh nhân loại trong kỷ nguyên thông tin. Thông qua facebook, các thành viên ở các quốc gia, dân tộc dù cách xa nhau về mặt địa lý vẫn có thể kết bạn với nhau, cùng trò chuyện, chia sẻ, bày tỏ ý kiến về nhiều chủ đề một cách trực tiếp với chi phí cực thấp. Trên facebook, quyền tự do ngôn luận của người dân được tôn trọng.

Với “dân số” đông đảo (hơn 900 triệu người tham gia trên toàn thế giới), facebook là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp trong việc quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, theo thống kê, mới chỉ có 0,4% doanh nghiệp làm marketing trên Facebook (ở Mỹ con số này là 70,3%). Điều đó cho thấy, đại đa số người dùng facebook tại Việt Nam chủ yếu cho việc kết nối, trao đổi thông tin, mà theo cách nói dân dã là “chém gió”, “buôn dưa lê”.

Với chi phí sử dụng thấp, tiện ích cho việc trò chuyện trực tuyến, facebook đang là một kênh giải trí không thể thiếu của số đông nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên. Rất nhiều người có thói quen mỗi sớm mai thức dậy là vào facebook, lướt qua các comment, nhấn like những điều yêu thích và bất kỳ thời gian rảnh rỗi nào trong ngày, người ta đều lên facebook để tán gẫu. Cái “hay” của facebook là “buôn dưa lê” ngay trong giờ làm việc mà không bị ai giám sát, cũng không làm phiền ai. Chỉ có thời gian của nhà nước, của gia đình, của xã hội bị lãng phí mà thôi. Để phục vụ cho nhu cầu “chém gió” trên facebook, không ít người vung tay sắm các thiết bị đắt tiền như laptop, iPhone, iPad…

Điều nguy hại nhất đến từ facebook là lợi dụng tự do ngôn luận trên mạng xã hội này, nhiều tổ chức, cá nhân đã lập những nhóm, hội tập trung chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao, gây tâm lý bất ổn trong xã hội. Nhiều học sinh, sinh viên sống xa gia đình thường thức thâu đêm để chát trên facebook. Gái mại dâm, các loại tội phạm, buôn bán trái phép…cũng dùng facebook làm diễn đàn trao đổi, quảng bá, show hàng... Gần đây, “chát sex” trên facebook cũng đang làm cho mạng xã hội này thêm mảng màu u ám.

Có người ví von, sử dụng facebook như sử dụng dao. Có thể làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, cũng có thể làm cho cuộc sống bất ổn hơn. Bản thân facebook không có lỗi. Lỗi nằm ở khâu quản lý và khai thác. Nhà quản lý cần có các biện pháp, công cụ để làm lành mạnh môi trường facebook; từng gia đình, thầy cô giáo và lãnh đạo các cơ quan cần quan tâm giáo dục, định hướng, nhắc nhở các thành viên sử dụng facebook một cách hữu ích. Và cuối cùng, người sử dụng facebook cần biết “gạn đục, khơi trong” để facebook thực sự có ích cho bản thân, gia đình, xã hội, nếu không sẽ “lợi bất cập hại”.

Bùi Trí Dũng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn