ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN: Chiến công xuất sắc của Hải quân nhân dân Việt Nam

HQVN -

Đường Hồ Chí Minh trên biển, một biểu tượng sáng ngời về tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân độc đáo, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng. Con đường là một huyền thoại có thật và mãi mãi là niềm tự hào của Quân đội, Hải quân và nhân dân Việt Nam anh hùng.

Độc đáo, sáng tạo

Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển, hai tuyến vận tải chiến lược, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, giải quyết nhu cầu của hai hướng chiến lược của chiến trường miền Nam, tạo nên hệ thống “mạch máu” giao thông chủ đạo và hoàn chỉnh chi viện kịp thời, hiệu quả cho miền Nam đánh thắng quân thù.

Điểm nổi bật về sự sáng tạo của Đường Hồ Chí Minh trên biển là việc mở đường vận tải trên biển đúng thời cơ, sử dụng tàu giả dạng vận tải, tàu đánh cá, kết hợp hoạt động bí mật và công khai. Tàu có thể xuất phát từ nhiều bến đi (kể cả ở nước ngoài) và cập nhiều bến đến. Cán bộ điều động tàu đi trên nhiều tuyến đường khác nhau, có giai đoạn đi vòng ra biển xa, vùng biển quốc tế. Địch phong tỏa đường trong ta đi đường ngoài, địch ngăn chặn đường dài ta đi phân đoạn, địch bám đuôi, ta đi thẳng ra vùng biển quốc tế. Nhất là khi địch phát hiện, áp sát tiến công hoặc cướp tàu, ta đánh trả quyết liệt, có lúc cán bộ, chiến sĩ phải phá hủy tàu và hàng để giữ bí mật nhiệm vụ được giao.

Đại tá Trần Phong giới thiệu về Đường Hồ Chí Minh trên biển

Đại tá Trần Phong, nguyên Thuyền trưởng Tàu 55, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 125, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hậu cần Hải quân, dù đã ở ngoài 90 tuổi nhưng nói chuyện về Đường Hồ Chí Minh trên biển thì ông vẫn nhớ rất nhiều sự kiện, chi tiết và luôn tri ân những đồng đội... Ông cũng là thuyền trưởng có những chuyến đi đáng nhớ.

Đại tá Trần Phong chia sẻ: Chuyến đi sáng 19/10/1963, khi Tàu 55 đi chuyến thứ hai chở 61 tấn vũ khí vào Cà Mau. Khi vào bến thì phát hiện có máy bay Mỹ. Tôi ra lệnh “Báo động chiến đấu”. Mọi người theo mệnh lệnh. Còn tôi (đang trong bộ trang phục dân bến) gọi tín hiệu lên đài chỉ huy kéo cờ ngụy Sài Gòn và tập trung quan sát. Tôi ở trên đỉnh đài chỉ huy, vẫy tay, làm động tác chào đón máy bay, như thể hiện “chào buổi sáng”… Tàu ta ngụy trang kín đáo, từ trên không địch chỉ nhìn thấy loang lổ màu của bạt che, màng trắng, màng sẫm. Từ nóc đài chỉ huy không phải ngụy trang gì ngoài cờ ba sọc bay phấp phới và tôi đứng vẫy chào máy bay. Máy bay đến bay lượn ba vòng, nghiêng ngó rồi đi thẳng…

Tàu 55 phối hợp chặt chẽ với quân dân bến Cà Mau bốc hết hàng. Đây là phần quà quyết thắng dâng lên Lễ kỷ niệm 3 năm Ngày thành lập Đoàn 759 - Đoàn tàu Không số (23/10/1961 - 23/10/1963) - Đại tá Trần Phong chia sẻ thêm.

Chiến đấu anh dũng

Trung tá Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, là người con của quê hương Phú Yên. Ông tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; riêng Đường Hồ Chí Minh trên biển ông tham gia 12 chuyến, là một trong những thuyền trưởng tham gia nhiều chuyến đi nhất. Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh chia sẻ: Tàu 41, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên được chọn vận chuyển vũ khí vào bến Khu 5. Đêm 14/11/1964, tàu rời bến Bãi Cháy, đến khoảng 16 giờ ngày 26/11/1964, tàu vượt qua giới tuyến tạm thời trên biển. Lúc này tình hình trên biển phức tạp, tàu thuyền địch hoạt động nhiều, trên không máy bay trinh sát liên tục, sóng gió càng lớn. Để đánh lừa địch, Tàu 41 kéo cờ ngụy lên đỉnh cột, đồng thời anh em xâu cá, mực đã chuẩn bị và cùng chai rượu giơ lên mời máy bay địch “xuống nhậu”.

Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh chia sẻ ký ức về 3 chuyến tàu cập bến Vũng Rô trong một buổi giao lưu năm 2024

Cán bộ, thủy thủ Tàu 41 đã đánh lừa được đối phương để bảo toàn lực lượng. Một tình huống “cân não” đối với thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh trong xử trí tình huống gặp địch… Chuyến đó, Tàu 41 đã vào bến Vũng Rô thành công đã mở ra một bến mới trên Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Cũng tại bến Vũng Rô, chuyến thứ hai của Tàu 41, Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy, ngoài vũ khí, còn chở 3 tấn gạo thơm - quà của Bộ Tư lệnh Hải quân tặng cho cán bộ, chiến sĩ Vũng Rô. Chuyến thứ ba, Tàu 41 tiếp tục chở hàng vào Vũng Rô, đúng giao thừa Xuân Ất Tỵ (1965), tàu thả trôi nghe Bác Hồ chúc tết, bốc xong hàng tàu nhanh chóng cơ động rời bến trở về miền Bắc an toàn.

Còn Cựu chiến binh Lưu Đình Lừng, ở phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng có 10 chuyến trực tiếp vận chuyển vũ khí vào miền Nam. Trong đó, ông có 5 chuyến thành công, 5 chuyến bị máy bay, tàu chiến Mỹ theo dõi ở vùng biển quốc tế, tàu được lệnh của trên phải trở lại bến. Cựu chiến binh Lưu Đình Lừng cho biết: Đêm 15/10/1965, Tàu 42 được cải dạng giống tàu đánh cá song của Philippines, do Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng và Bí thư Chi bộ Nguyễn Ngọc Ẩn chỉ huy, chở 61 tấn vũ khí trong đó có 4 quả thủy lôi vào Cà Mau. Tàu đi từ Bến K15 về phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) ra vùng biển quốc tế… Chuyến đi liên tục gặp sóng gió lớn, rồi máy bay trinh sát của Mỹ, nhưng bằng sự mưu trí, sáng tạo, tập thể Tàu 42 đã nắm chắc quy luật tuần tra của máy bay, tàu chiến Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn ở vùng biển quốc tế, để ứng phó đưa tàu vào bến an toàn.

Trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, đúng vào phút giao thừa, Đoàn 125 Hải quân đã nhận lệnh điều 4 tàu C43, C56, C165, C235 đi làm nhiệm vụ đặc biệt vận chuyển vũ khí chi viện khẩn cấp cho các mặt trận từ miền Trung đến miền Tây Nam Bộ. Trong cuộc chiến bi hùng đêm mùng 1/3/1968 trên vùng biển phía Nam, chỉ còn Tàu C56 quay trở về được miền Bắc, còn 3 tàu C43, C165, C235 mãi mãi nằm lại trong lòng biển; nhiều cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh.

Tàu bảo vật quốc gia

Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã Ban hành Quyết định số 2089/QĐ-TTg về việc công nhận Bảo vật quốc gia (đợt 6). Tàu vận tải quân sự số hiệu HQ-671 (niên đại kháng chiến chống Mỹ, lưu giữ tại Bảo tàng Hải quân) là 1 trong 24 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng công nhận Bảo vật quốc gia.

Cựu chiến binh Đoàn tàu Không số và các chiến sĩ tham quan Tàu HQ-671 (Bảo vật quốc gia)

Tàu 671 (còn có phiên hiệu là C41 và 641) từ khi được biên chế vào đội hình tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam, tập thể tàu qua các thời kỳ đều lập những chiến công đặc biệt xuất sắc. Đây là con tàu Không số duy nhất còn lại. Tàu được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân lần thứ nhất năm 1973, lần thứ hai năm 1989; 4 Huân chương Quân công, 8 Huân chương Chiến công và 8 cán bộ, thủy thủ qua các thời kỳ được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân. 

Tàu HQ 671 hiện đang được trưng bày trong khuôn viên ngoài trời Bảo tàng Hải quân, một “chứng nhân lịch sử”, điểm nhấn độc đáo luôn thu hút đông đảo khách đến tham quan, tìm hiểu.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1473 xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 16 năm 2024). Có 6 di tích được xếp hạng đợt này, trong đó, có Cụm di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển (TP. Hải Phòng, tỉnh Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau).

Hiện nay, TP. Hải Phòng đang thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo quần thể di tích Bến K15 Đồ Sơn. Dự án do thành phố đầu tư gần 235 tỷ đồng, tu bổ, tôn tạo tổng thể khu di tích trên diện tích 2,28 ha gồm các hạng mục: đền thờ các anh hùng liệt sĩ, cầu tàu kết hợp thả hoa đăng, tàu mô phỏng kết hợp tượng lễ truy điệu sống các chiến sĩ Đoàn tàu Không số; phù điêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lực lượng Hải quân; sân quảng trường, cổng vào di tích và các công trình phụ trợ. Chúng tôi tới thăm khu di tích vào những ngày giữa tháng 4, trên công trường các đơn vị thi công đang chạy đua với thời gian để hoàn thành công trình trong năm 2025.

Phối cảnh Khu di tích Bến K15 đang được tu bổ

Cựu chiến binh Hoàng Gia Nhi, quê ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng, là người đã gắn bó 16 năm với Bến K15 để trông coi, hương nhang cho các anh hùng liệt sĩ. Chia sẻ với chúng tôi ông bày tỏ: Là người dân địa phương, có những năm tháng làm người lính biển, tôi rất vui mừng, phấn khởi khi khu di tích được tu bổ, xứng tầm với sự kiện. Công trình cũng là sự tri ân của đất nước, thành phố với các anh hùng liệt sĩ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nơi đây là điểm tham quan, học tập truyền thống cho mỗi người dân khi về với kilômét số không của Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Bài, ảnh: VŨ HƯỞNG

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn