Đừng để nét đẹp rạn san hô trên biển Hòn Mun trở thành ký ức

HQVN -

Vịnh Nha Trang được xem là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Nơi đây không chỉ có những ngọn núi hùng vĩ, bãi biển thơ mộng mà còn sở hữu những hòn đảo hoang sơ như chưa từng biết đến dấu chân người với biển xanh, mây trắng và những rặn san hô lung linh sắc màu. Hòn Mun là một trong những đảo như vậy.

Đảo Hòn Mun nằm ở phía Nam vịnh Nha Trang. Sở dĩ có tên gọi Hòn Mun vì phía Đông Nam của đảo có những mỏm đá màu đen tuyền rất đặc biệt tạo thành những hang động kỳ vĩ.  Bên cạnh nét đẹp hoang sơ đó thì Hòn Mun cũng được mệnh danh là hòn đảo thơ mộng nhất trong hệ thống đảo của vịnh Nha Trang. Tổ chức Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) đã từng đánh giá đây là khu vực đa dạng sinh học biển bậc nhất ở Việt Nam, đặc biệt rất phong phú về san hô với khoảng 350 loài.

Ảnh minh họa

Vậy mà tiếc thay, thời gian gần đây, nhiều thông tin và hình ảnh các thợ lặn chuyên nghiệp ghi lại được khiến chúng ta không khỏi xót xa, chạnh lòng khi những rạn san hô đủ màu sắc ngày càng trở nên hoang vu, cằn cỗi. Việc suy thoái rạn san hô có thể do nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố gây ra như nhiệt độ nước biển tăng, mưa bão, sự bùng phát của các loài dịch bệnh gây hại. Khi khí hậu trái đất nóng lên, nhiệt độ nước biển tăng nên xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô, gây những tác động nghiêm trọng với hệ sinh thái rạn san hô trên toàn thế giới.

Điều mọi người quan tâm chính là bàn tay con người góp phần phá huỷ nét đẹp vốn có của môi trường sinh thái biển phong phú bậc nhất vịnh Nha Trang. Theo thống kê của Ban quản lý vịnh Nha Trang, một trong những minh chứng rõ ràng nhất là thời gian dịch bệnh Covid -19 bùng phát khoảng giữa năm 2020 khiến dịch vụ du lịch giảm, độ phủ san hô sống lúc này lên đến 61%. Song hiện nay, khu vực Đông Nam đảo Hòn Mun, độ bao phủ san hô chỉ còn 14,5%. Thậm chí khu vực Tây Nam của hòn đảo nay, tỉ lệ bao phủ san hô chỉ còn 7,8%. Các khu vực khác, tình trạng cũng chẳng khá hơn…

Trái với khung cảnh các chú cá đùa vui lượn quanh những dải san hô đủ màu sắc dập dềnh uốn lượn theo con sóng trong chương trình quảng cáo các tour du lịch lặn biển ngắm san hô thì giờ đây, đáy biển chỉ thấy bùn, rác thải và hàng ngàn mẩu vụn san hô loang lổ phủ kín như xương cá. Như vậy, một lần nữa, chính bàn tay con người là nhân tố chính góp phần vào sự sụp đổ của hàng ngàn loài san hô và sinh vật biển nơi đây.

May thay, các nhà chức trách, các nhà khoa học, cơ quan bảo vệ môi trường biển bắt đầu vào cuộc để cứu vãn tình trạng hiện tại. Rất nhiều giải pháp đưa ra như tạm dừng dịch vụ lặn biển, cấm đổ các loại hoá chất, rác thải xuống vùng biển này hay nuôi cấy thành công nhiều loài san hô mềm, hải quỳ … góp phần bảo tồn, lưu giữ nguồn gene một cách hợp lý và bền vững. Đây cũng có thể là nguồn nguyên liệu cho quá trình phục hồi rạn san hô.

Hồ Anh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn