Dự án tàu tuần tra biết lặn Strazh
HQVN -
Tàu tuần tra biết lặn Strazh là dự án do Cục Thiết kế kỹ thuật hàng hải Trung ương Rubin (St.Petersburg), một đơn vị thuộc Tập đoàn đóng tàu thống nhất (OSK) của Nga đề xuất từ tháng 4/2021.
Xuất phát điểm là một đề án đóng tàu xuất khẩu, mặc dù ý tưởng rất hay và độc đáo nhưng chưa tìm được khách hàng. Theo thông tin từ truyền thông Nga, vào thời điểm hiện nay phiên bản thứ hai của Strazh đã nhận được sự quan tâm của Hải quân Nga.
Về cơ bản Strazh là một sự kết hợp giữa tàu ngầm và tàu mặt nước. Vì vậy, nó có khả năng hoạt động như một tàu ngầm khi lặn và như một tàu mặt nước. Viện Rubin là viện thiết kế chuyên về tàu ngầm. Ở phiên bản 1, họ đã phát triển Strazh từ thiết kế của tàu ngầm lớp 613 của Hải quân Liên Xô, thêm vào đó một số đặc điểm và đi kèm là những tính năng của tàu mặt nước như mở rộng boong ngoài, trang bị pháo, tên lửa, xuồng công tác...
Strazh phiên bản 1
Tuy nhiên, có thể thấy về tổng thể Strazh 1 cơ bản vẫn là một tàu ngầm được bổ sung thêm một vài tính năng hạn chế của tàu tuần tra mặt nước. Đây có thể là lý do mà dù ý tưởng táo bạo nhưng Strazh 1 vẫn chưa nhận được sự quan tâm của khách hàng nước ngoài. Tàu ngầm đã phức tạp nay lại thêm những tính năng mới của tàu mặt nước thì sự phức tạp (cả về cấu tạo và vận hành tàu) phải tăng lên có khi là theo cấp số nhân.
Ở Strazh 2, Viện Rubin đã đưa vào một số sửa đổi làm cho nó mang nhiều đặc tính của tàu mặt nước hơn. Tuy nhiên, để có ai đó đặt hàng loại tàu thì còn nhiều vấn đề cần giải quyết, biến nó thành một con tàu tuần tra mặt nước theo đúng nghĩa.
Một số đặc điểm của Strazh 2:
Về hình dạng, Strazh 2 mang nhiều đường nét của tàu mặt nước, mạn khô cao, mạn tàu có tính “tàng hình”, mũi tàu vát ngược hiện đại... do cải biến từ thân tàu ngầm. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ vì là tàu mặt nước thì khả năng tác chiến trên mặt nước phải mạnh như: Hệ thống ăng-ten vô tuyến điện quan sát mặt nước, trên không, điều khiển hỏa lực (pháo tàu, tên lửa...) phải mạnh. Hệ thống ăng-ten của Strazh 2 cơ bản vẫn là của tàu ngầm, chủ yếu để liên lạc và dẫn đường.
Ảnh 3D Tàu tuần tra biết lặn Strazh (Phiên bản 2)
Như vậy, việc cần làm là tăng cường hệ thống ăng-ten nhưng nếu tăng cường thêm ăng-ten thì bảo đảm thu vào trong tàu thế nào để không ảnh hưởng đến di chuyển ngầm. Đồng thời, chiều cao ăng-ten cũng là một vấn đề, chiều cao ăng-ten như của Strazh 2 vẫn còn quá thấp sẽ ảnh hưởng đến tầm quan sát, phát hiện của các loại ra đa và thiết bị vô tuyến điện khác, độ cao đặt ăng-ten trên tàu mặt nước thường có thể lên đến ¼ chiều dài của tàu.
Như vậy, Strazh 2 vẫn còn là một dạng concept (khái niệm) do Viện Rubin đề xuất và viện này còn rất nhiều việc phải làm để có thể hiện thực hóa concept của mình (đóng tàu mẫu) trước khi có thể nghĩ đến việc cung cấp nó cho một lực lượng hải quân nào đó, kể cả là Hải quân Nga.
Minh Ngọc
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Shadow Seal-Tàu ngầm siêu nhỏ - ( 17-09-24 04:00 )
- Khai mạc Diễn tập Kakadu năm 2024 - ( 10-09-24 07:00 )
- Dòng tên lửa đối hạm Type 12 của Nhật Bản - ( 29-07-24 08:00 )
- Đoàn công tác Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn chào xã giao chính quyền TP.Surabaya và một số đơn vị Hải quân Indonesia - ( 18-07-24 07:00 )
- UAV và phòng vệ chống tên lửa/UAV - ( 14-07-24 08:00 )