Đón Tết ở quê hương

Xa quê rồi lấy vợ, sinh con. Bận bịu với công việc, gia đình, con cái ăn học nên đã mấy cái Tết trôi qua Quang không về quê. Trời mưa phùn, gió bấc, những cánh đồng lúa, đồng khoai tắm mình trong sương sớm và những cuộc vui tụ tập cùng bạn bè đã không còn giữ hồn anh nữa.

Quang nhớ quê nhà, nhớ ba mẹ, nhớ Tết ở quê hương đến da diết. Ký ức tuổi thơ với những cái Tết quê như đeo bám tâm hồn, thúc giục và Quang đã quyết định về quê đón Tết.

Khỏi nói niềm vui của gia đình, nhất là hai trẻ nhỏ khi nghe Quang thông báo Quyết định đón Tết ở quê hương”. Bảo Duy, cậu trai lớn nhảy lên, nhảy xuống ở sân nhà mấy lần, rồi chạy đến bồng em gái Lê Na lên trong sung sướng:

- Tết này về quê anh em mình tha hồ xuống đồng chơi nghe. Em biết không, những cánh đồng ở quê mình rộng bạt ngàn và đẹp làm sao. Khi mùa xuân đến, cũng là lúc những ruộng lúa lên xanh mơn mởn. Gió nhẹ chao nghiêng, những sóng lúa uốn bay theo vạt nắng. Mùa hè lúc bà con thu hoạch xong, cánh đồng chỉ còn những gốc rạ khô, là nơi tốt nhất để bọn trẻ thả diều, đá banh… Chưa được về quê những mùa này, nên nghe anh kể Lê Na cứ ngơ ngác và muốn Tết đến nhanh hơn để được về quê.

Lấy chồng, về quê và đã nghe Quang kể nhiều về quê hương, nhưng lần đầu tiên về quê chồng đón Tết nên chị Thúy, vợ của Quang cũng thấy lo lo, hồi hộp. Tuy có đơn giản hơn, nhưng việc chuẩn bị cho cái Tết ở quê cũng khiến gia đình Quang bận rộn.

Hằng ngày xong công việc, Quang sửa chữa, thay thế lại những thứ trong nhà đã cũ, hư hỏng. Chị Thúy thì lên kế hoạch và tất bật chuẩn bị cho gia đình về quê đón Tết. Ngoài quần áo và một số thứ “phần ăn” không thể thiếu cho chồng con, chị còn chuẩn bị quà cho bà con họ hàng và những lễ vật đem về thăm mộ, cúng viếng ông bà tổ tiên. Cũng không có gì nhiều nhưng cái gì cũng phải sạch sẽ, đầy đủ.

Người ở quê thường kỹ tính, nhất là các ông bà già, ngày Tết trên bàn thờ phải có mâm ngũ quả đẹp, tươi, hương trầm thơm, khói trắng bay cuộn… Người ở nơi khác đến, ở thành phố về đến dâng hương ở các nhà thờ tộc mà không mang theo lễ vật, hoặc đơn giản là coi như không tôn trọng ông bà quá cố, không quan tâm người ở quê. Chính vì thế, vợ Quang rất cẩn thận trong việc mua sắm mọi thứ đem về quê. Chị cũng không quên đổi tiền mới và mua những túi quà lì xì cho người già và trẻ con.

Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày trước tháng Chạp ở quê tôi hay bị mưa bão, kéo theo những thiệt hại nặng nề cho người dân. Năm nay trong làng, nhất là trong họ tộc có hơn 10 gia đình bị nước lũ đến thăm hỏi, nhiều tài sản bị ngập ướt, hư hỏng nên về phải đến thăm và có chút quà hỗ trợ cho ngày Tết thêm tươm tất. Lại thêm ông chú vừa dựng nhà mới dịp cuối năm, về Tết cũng phải có món quà mừng tân gia; đứa cháu ruột cưới nhau hơn 10 năm “mới chịu sinh con” trước thềm năm mới... Thế rồi quà cáp cho người này, người nọ khiến cả chiếc xe nhà Quang không còn chỗ trống, chật ních.

Tuy bận rộn nhưng Quang rất vui, vì sau mấy năm vất vả, nay vợ chồng, con cái cùng về quê ăn Tết nên rất vui và thấy mình hạnh phúc. Đây cũng là dịp để họ hàng đoàn viên, tụ tập, ôn lại kỷ niệm, nói với nhau những câu chuyện cũ khiến tình thân thêm gắn bó.

Sau thời gian ngồi quây quần làm bánh, rồi những đêm ngồi thức trông nồi bánh đang luộc, cái rét của ngày cuối năm chẳng thể nào bì được với không khí ấm áp gia đình. Tiếng củi lửa tí tách trên bếp, tiếng nồi bánh đang sôi, tiếng mọi người trò chuyện... tất cả mang đến những ngày giáp Tết thật tuyệt vời.

Nhà anh trai trưởng (anh Hai) lâu rồi mới đón gia đình em trai đông đủ ở thành phố về thăm, cùng ăn Tết. Anh bê hũ rượu bọc lá chuối khô, ủ gần cả năm rồi mời cả họ uống mừng. Quang cũng đem về và góp thêm mấy chai rượu vang. Anh vui vẻ bật nắp rồi mời mỗi người nhấp một ly rượu đón xuân mới. Cậu cả con bà chị cũng làm con lợn “chân đất” mời gia đình cậu mợ ở thành phố về làng ăn Tết. Mọi người thân tình, vui vẻ hơn mọi ngày, cùng nhau trò chuyện, huyên náo cả một khoảng sân nhà.

Khác với Tết ở thành phố, sáng mùng Một ở quê bà con ra đường rất đông. Gặp nhau tay bắt mặt mừng và không quên chúc nhau những lời đẹp và may mắn nhất. Hai đứa nhỏ con Quang thì lúc nào cũng vòng tay lễ phép:

- Chúc ông bà, chúc hai bác, chúc anh chị năm mới!

Tết về quê là phải đến thăm bà con nội ngoại, thành kính đốt nén nhang thắp lên bàn thờ gia tiên. Đến nhà nào cũng có rượu, thịt, nên men tửu cũng làm cho gương mặt Quang đo đỏ, chị Thúy đi bên sợ chồng say lâu lâu cũng “liếc mắt, nhắc nhở”. Anh vừa chia quà cho mọi người vừa cười nói vui vẻ và không quên mừng tuổi người già, trẻ nhỏ. Bảo Duy và Lê Na, hai đứa con của vợ chồng Thúy chạy quanh sân làng.

Đã lâu rồi chúng mới lại thấy cảnh đồng quê nên không bỏ lỡ cơ hội tận hưởng cái cảm giác về quê ăn Tết. Đám trẻ ở quê, con của mấy người thân vừa chạy nhảy, vừa rủ rê bọn trẻ lạ leo lên mấy cái cây ổi ở góc sân hái trái ăn chơi. Rồi cả bọn lại cùng nhau chạy ra cánh đồng tìm châu chấu, bắt chuồn chuồn… Mùi cỏ úa, hương lúa thơm thơm, tỏa khắp cánh đồng thật lôi cuốn và mới lạ với chúng. Chơi chán ở cánh đồng rồi chúng rủ nhau chơi ú tim, bịt mắt trốn tìm rồi cười vang mỗi khi tóm được một đứa trốn trong đống rơm khô.

Đón Tết ở quê hương

Tết ở quê hương là niềm vui với con trẻ

Vốn là người thân tình, cởi mở, chị Thúy vui vẻ ngồi trò chuyện với mấy chị em, cùng nhau ôn lại chuyện xưa, vừa chia sẻ bí quyết nấu mấy món ăn đồng quê. Chị cũng không quên hỏi và tìm mua mấy món nguyên liệu để hôm sau mang về nấu cho cả nhà cùng ăn những món ngon quê hương. Không khí nhà nào cũng rôm rả tiếng người cười nói. Người thành phố trở về thì vui với cảnh vật ở quê, còn người quê thì vui với hương vị những món ăn của gia đình Quang từ thành phố mang về, khiến những ngày xuân ngập tràn tiếng cười và những niềm vui lan tỏa.

Những ngày Tết ở quê, được sống lại trong ngôi nhà một thời gắn bó, khung cảnh làng quê mở ra trước khung cửa, Quang cảm thấy quê hương mình, gia đình mình đẹp quá, gần gũi quá. Buổi tối, làng quê tĩnh mịch mờ mờ sương, nghe đâu đây mùi hương của cây và đất càng khiến khung cảnh thêm phần hấp dẫn. Mấy đứa con nhà Quang lại chạy chơi với đám bạn, lại cười, lại nói có lúc còn nghe cả tiếng cãi nhau, nhưng rất vui vẻ… ngày Tết và trẻ thơ thiệt đẹp. Còn vợ chồng Quang thì hàn huyên, kể cho nhau nghe chuyện tuổi thơ êm ả ở quê nhà. Vợ Quang bảo:

- Ngày mai em theo mấy cô đi chợ làng để tận hưởng không khí chợ quê. Gặp lại bà con và mua thêm mấy món ăn đang còn thiếu. Nếu trời không mưa gió, thì cho hai đứa nhỏ theo cùng cho vui.

Quang thì không quên hẹn với mấy anh em cùng tuổi tối mai ra đồng cắm câu, thả lưới. Anh muốn trải nghiệm lại cảm giác thích thú của cánh đồng quê ngày thơ bé. Đã bao năm xa quê, Quang vẫn còn nhớ như in những quả dưa trên cát mà ngày bé anh đã cùng với mấy bạn học hái ăn ngọt nước, rồi cùng nhau vẽ nên những giấc mơ cho ngày mai lập nghiệp. Dạo đó, trong lớp đứa nào cũng nuôi “giấc mơ đại học” rồi đến một thành phố nào đó công tác. Để rồi sau này khi ước mơ đã thành hiện thực, lại ngồi nhớ về quê hương và mong có ngày được trở lại.

Hôm trở lại thành phố, gia đình Quang cứ bịn rịn mãi như không muốn rời xa. Quay trở lại nhịp sống nơi phố phường, Thúy và hai đứa nhỏ cứ ngỡ như mới ngày hôm qua còn ở quê. Đón Tết ở quê đoàn tụ, vui vẻ nhưng cũng ít tốn kém. Mặc dù vợ chồng anh đã chi tiêu và mua sắm nhiều thứ, nhưng cuộc sống ở quê mọi thứ đều rẻ, nên sau Tết gia đình Quang vẫn còn một khoản tiền kha khá so với mọi năm. Thúy cười và bảo với chồng:

- Ăn Tết ở quê vừa ít tốn kém, lại vui và thích, năm sau cả nhà lại về quê ăn Tết và ở lại lâu hơn mọi năm để tận hưởng thỏa thích “hương đồng, gió nội”.

Những ngày không Tết sau đó của cả nhà Quang vẫn thấy vui như Tết. Đặt tay lên bờ vai của vợ, Quang cười bảo:

- Quê hương đẹp và hấp dẫn, bà con thân tình, giản dị, lại ấm áp mộc mạc, chân chất thì chẳng thể nào lẫn vào đâu được. Các món ăn đồng quê lại ngon, sạch nên việc gì phải đi đâu xa đón Tết. Cứ về quê tận hưởng niềm vui là nhất.

Bảo Duy và Lê Na hai đứa nhỏ của vợ chồng Thúy thì lúc nào cũng nhắc đến quê hương, nhắc đến hương vị Tết quê với một ước mơ gặp lại. Duy nói:

- Con nhớ bữa cơm tất niên được quây quần với mọi người. Nhớ đêm Giao thừa ở quê mình, nhớ tiếng lũ trẻ bạn con râm ran cười đùa, chạy chơi từ nhà này đến nhà khác. Nhớ cánh đồng lúa khoe màu xanh trong nắng xuân, nhớ cả nhà mình đi lễ chùa đầu năm, rất ý nghĩa.

Thế là cả nhà Quang lại lên kế hoạch cho năm sau...

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn