Đọc sách trong lòng biển - Thói quen nuôi dưỡng tinh thần của thủy thủ tàu ngầm

HQ Online -

Giữa lòng đại dương sâu thẳm, những thủy thủ tàu ngầm Lữ đoàn 189 vẫn duy trì một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng - thói quen đặc biệt: đọc sách. Đối với họ, sách không chỉ là công cụ giải trí mà còn là người bạn đồng hành nuôi dưỡng đời sống tinh thần và trí tuệ.

Trong lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, tàu ngầm là lực lượng hoạt động trong môi trường đặc thù và đòi hỏi tính kỷ luật, chính xác cao. Không gian sinh hoạt nhỏ gọn, không có kết nối internet, sóng điện thoại, tivi… đó là những thách thức đặt ra đối với các thủy thủ tàu ngầm trong việc tìm kiếm hình thức giải trí phù hợp sau những giờ làm việc căng thẳng.

Thượng tá Hoàng Văn Đồng, Bí thư Đảng ủy, Phụ trách Chính ủy Lữ đoàn cho biết: Lữ đoàn đã triển khai và duy trì hoạt động hiệu quả của nhiều mô hình, hoạt động như: tủ sách pháp luật, mỗi tuần một cuốn sách, đọc sách trong lòng biển, mỗi ngày 10 trang sách... Hằng tuần, các cơ quan, đơn vị làm clip giới thiệu sách và trình chiếu cho bộ đội xem, tổ chức tọa đàm sách, gắn phong trào đọc sách với mô hình “Mỗi ngày một lời Bác Hồ dạy”, “Mỗi tuần một tình huống pháp luật”…

Văn hóa đọc đã góp phần xây dựng nhân cách, hình ảnh người thủy thủ tàu ngầm mẫu mực, đẹp từ trong đơn vị, gia đình đến ngoài xã hội, với những phẩm chất tiêu biểu “Vinh dự, trách nhiệm, lịch thiệp, kỷ cương, đoàn kết, khiêm nhường, kiên cường, quyết thắng”.

 Thư viện Lữ đoàn 189 lưu giữ hàng trăm đầu sách phục vụ cán bộ, thuỷ thủ tàu ngầm

Trên tàu ngầm, việc đọc sách không đơn thuần là thú vui hay giải trí. Nó còn là phương pháp hữu hiệu để cán bộ, thủy thủ tự học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Thiếu tá Trần Trung Nguyên, Trưởng ngành rađa - sôna (Tàu 187 - Bà Rịa-Vũng Tàu) chia sẻ: Tàu ngầm kilo 636 tích hợp nhiều công nghệ kỹ thuật tiên tiến, đòi hỏi thủy thủ phải có trình độ chuyên môn cao, sự hiểu biết toàn diện và khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy. Trong bối cảnh đó, đọc sách đã trở thành một hình thức tự học tập có hiệu quả, giúp tôi củng cố kiến thức chuyên ngành, cập nhật kiến thức mới, kinh nghiệm khai thác, bảo quản, bảo dưỡng, làm chủ vững chắc vũ khí trang bị kỹ thuật, làm cơ sở vận dụng cho quá trình huấn luyện, công tác, nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Thời gian qua, việc đọc sách trên tàu không hề ngẫu nhiên hay bộc phát, mà đã hình thành như một thói quen, một nếp văn hóa được cán bộ, thủy thủ duy trì nghiêm túc, có kỷ luật. Nhiều thủy thủ đã tự đặt ra cho mình mục tiêu đọc sách mỗi ngày, lựa chọn đầu sách theo từng chủ đề để bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, rèn luyện tư duy logic, hoặc đơn giản là tìm một chút cảm xúc nhẹ nhàng từ những vần thơ, áng văn về quê hương, đất nước, để cân bằng cuộc sống sau những giờ huấn luyện căng thẳng.

Sắp xếp các mô hình sách theo chủ đề giúp cán bộ, thuỷ thủ dễ tìm đồng thời tạo không gian đẹp mắt, lôi cuốn bộ đội

Thượng úy QNCN Lê Mạnh Hoàng, Nhân viên lái tín hiệu, Kíp tàu ngầm số 8 chia sẻ: Tôi dành ít nhất 30 phút cho việc đọc sách mỗi ngày, khi thực hiện nhiệm vụ trên biển thì thời gian mà tôi đọc sách sẽ nhiều hơn. Trong quá trình đọc tôi thường ghi chép lại các nội dung mà tôi tâm đắc và sau đó chia sẻ lại cho đồng chí, đồng đội hoặc giới thiệu cuốn sách đó cho đồng đội cùng đọc. Tôi thường đọc các sách về lịch sử, văn học nghệ thuật, trước mỗi lần đi biển thực hiện nhiệm vụ tôi lên thư viện lựa chọn và mượn những cuốn sách mà mình yêu thích để mang đi đọc.

Không chỉ là hành trình “đơn độc” giữa người với sách, việc đọc còn trở thành cầu nối tình cảm giữa các thủy thủ. Họ cùng nhau chia sẻ, trao đổi sách, thảo luận về nội dung, kể cho nhau nghe những điều thú vị vừa đọc được. Chính điều đó góp phần xây dựng một không khí đoàn kết đặc biệt - điều vô cùng quý giá trong môi trường khép kín như tàu ngầm và trong những hải trình dài ngày trên biển.

Trung tá Nguyễn Văn Thuân, Chính trị viên Tàu ngầm 183-TP. Hồ Chí Minh cho biết: Sách không chỉ thường xuyên bổ sung từ thư viện của Lữ đoàn, mà còn do đơn vị kết nghĩa tặng, một số khác là sách được chính các thủy thủ trong tàu đóng góp trong những lần phát động. Những cuốn sách mà các thủy thủ yêu thích, từng gắn bó trong thời gian học tập, công tác hoặc được người thân tặng, giờ đây trở thành tài sản chung cho đồng đội cùng đọc.

Đồng thời với việc phát động ủng hộ sách, chúng tôi còn khuyến khích các thủy thủ đọc sách bằng việc tặng cho cán bộ, thủy thủ những cuốn sách mà họ yêu thích vào những dịp sinh nhật hoặc đạt các thành tích cao trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và công tác tại đơn vị.

Đọc sách tại câu lạc bộ tàu ngầm

Chia sẻ về những kỷ niệm khi gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu và lan tỏa giá trị sách và văn hóa đọc với các thủy thủ tàu ngầm Lữ đoàn 189, Tiến sĩ giáo dục học, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đọc sách cùng con cho biết: Qua việc tiếp xúc, khảo sát và tìm hiểu về những câu chuyện đọc sách tại Lữ đoàn 189, tôi thấy việc đọc sách và phát huy giá trị của sách được sự quan tâm đặc biệt của thủ trưởng Lữ đoàn cũng như chỉ huy các cơ quan, đơn vị và việc đọc sách đã trở thành thói quen của rất nhiều cán bộ, thủy thủ. Với thủy thủ tàu ngầm, đọc sách không đơn thuần chỉ là cách giải trí nhẹ nhõm sau những giờ huấn luyện vất vả và trong những chuyến công tác trong lòng biển, mà còn là phương pháp tự học, nâng cao trình độ một cách hiệu quả.

Những câu hỏi sắc sảo được nêu lên khi trong những buổi trao đổi về sách do đơn vị tổ chức, cho thấy các thủy thủ đang rèn luyện cho mình kỹ thuật cá nhân liên quan đến việc đọc nhanh, đọc sâu, ghi chép và phản biện. Tôi nghĩ, đây chính là các bước cơ bản của việc xây dựng văn hóa đọc hiệu quả và bền vững trong Quân đội. Đọc sách đối với thủy thủ tàu ngầm không phải là một phong trào bề nổi mà đã và đang trở thành hoạt động bề sâu, thực chất, mang lại ích lợi có thật cho công việc và cho cuộc sống của họ”.

Đồng hành với những thủy thủ tàu ngầm ở giữa lòng đại dương sâu thẳm, sách vẫn âm thầm lên tiếng - không phải bằng lời, mà bằng sức mạnh nuôi dưỡng tinh thần, hun đúc trí tuệ và bồi dưỡng lòng yêu nước cho những thủy thủ tàu ngầm. Lẫn trong tiếng máy rì rầm và sự tĩnh lặng đặc trưng của lòng biển, những trang sách vẫn tiếp tục được lật mở - như những ánh sáng nhỏ bé nhưng mạnh mẽ, đồng hành với những thủy thủ tàu ngầm Lữ đoàn 189 trong hành trình làm chủ đại dương.

Tin, ảnh: Ngọc Đức, Thành Trí

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn