Đi anh em nhớ, ở anh em thương

HQVN -

Khi đất liền rộn ràng trong không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ, cán bộ, nhân viên Xí nghiệp sửa chữa Hải đoàn 129 vẫn miệt mài làm nhiệm vụ. Dù công việc thầm lặng và ít người biết đến, nhưng những gì mà người lính thợ Hải đoàn đang cống hiến lại mang ý nghĩa rất quan trọng, đó là góp phần bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

“Tô điểm” cho “lâu đài sắt”

Chúng tôi có mặt tại khu vực Nhà giàn DK1/11 khi Tàu Trường Sa 02, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân thả neo, chuẩn bị chuyển quà và nhu yếu phẩm lên nhà giàn. Trong không khí nhộn nhịp ấy, cánh phóng viên khá bất ngờ gặp cán bộ, nhân viên Hải đoàn 129 đang chăm chú sửa chữa, bảo dưỡng các khung gầm của nhà giàn. Từ xa, tiếng hàn, cắt, tiếng máy nén khí, máy phun cát hòa lẫn với tiếng sóng biển tạo nên một không gian rộn ràng, thể hiện tinh thần lao động khẩn trương và nghiêm túc.

Nhiều người trong đoàn cảm thấy may mắn khi được chứng kiến công việc đầy gian nan và thử thách ấy. Chờ cho đến đại biểu sau cùng lên nhà giàn, những người lính thợ mới lặng lẽ trở về với công việc của mình. Là “người nhà”, tôi có cơ hội đến gần khu vực thi công, dù phải đứng cách xa hàng chục mét. Với khoảng cách đó, tôi vẫn cảm nhận được từng động tác tỉ mỉ và nghiêm túc của các anh, như thể mỗi nhịp tay làm việc là nhịp đập của trái tim hướng về Tổ quốc.

Cấp hàng lên Nhà giàn DK1/14

Giữa những cơn gió mạnh và từng con sóng dữ, các anh như những cánh chim nhỏ bé, đu mình trên giàn giáo chênh vênh giữa biển khơi, âm thầm “tô điểm” cho “lâu đài sắt” của đất nước. Mỗi khi muốn trao đổi điều gì, tôi phải hét lớn để át đi tiếng sóng gió. Đáp lại, chỉ là những nụ cười bình thản của các anh, như thể hiểm nguy đã trở thành điều quen thuộc. Chính sự quả cảm và hy sinh thầm lặng ấy đã khắc họa thêm ý chí kiên cường của những người lính biển.

Đội sửa chữa số 3 do Đại úy Lê Quang Đạt, Thuyền trưởng Tàu 640 làm đội trưởng, đã có mặt tại đây hơn một tháng. Để hoàn thành công việc trước tết, các anh phải tranh thủ cả buổi trưa, tối và sáng sớm. Đại úy Lê Quang Đạt chia sẻ: “Cuối năm, điều kiện sóng gió khắc nghiệt, chúng tôi thường xuyên phải tận dụng từng khoảng thời gian thời tiết thuận lợi để triển khai thi công, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình theo đúng yêu cầu kỹ thuật”.

Công việc trên cao giữa biển luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là trong điều kiện thời tiết thất thường và sóng lớn. Tuy nhiên, các đội sửa chữa đã triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn và tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn kỹ thuật khi thi công công trình trên biển. “Ngay từ khi còn ở đất liền, cán bộ, nhân viên kỹ thuật đã được huấn luyện bài bản các kỹ năng như thắt dây an toàn, xử trí tình huống khi rơi xuống nước, cùng các kỹ thuật về giàn giáo, đu dây và làm việc trên cao với nhiều dụng cụ chuyên dụng. Ngoài ra, những người tham gia sửa chữa và bảo dưỡng nhà giàn còn phải có sức khỏe dẻo dai, khả năng chịu đựng sóng gió và thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thay đổi thất thường” - Thượng tá Trần Xuân Hòa, Phó Hải đoàn trưởng cho biết.

Nhờ được huấn luyện nghiêm túc, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Hải đoàn 129 không chỉ làm chủ nhiều công nghệ hiện đại mà còn thực hiện thành thạo các nhiệm vụ quan trọng. Từ việc sửa chữa và bảo dưỡng hệ thống pin năng lượng mặt trời, sửa chữa hệ thống cẩu, đến lặn thi công phần ngầm, cạo hà, siêu âm chân đế... mỗi công việc đều đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo độ bền và chất lượng của công trình giữa biển đồng thời bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại các nhà giàn.

Mang theo niềm vui

Sự có mặt của cán bộ, nhân viên kỹ thuật Hải đoàn 129 không chỉ mang lại sự yên tâm cho các chiến sĩ tại nhà giàn mà còn tạo nên niềm vui và sự gắn kết. Thiếu tá Nguyễn Hoàng Vẹn, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/11 xúc động chia sẻ: “Ở đây quanh năm chỉ có sóng và gió, rất ít khi được gặp người từ đất liền ra thăm. Mỗi lần đoàn bảo dưỡng tới, anh em rất phấn khởi, cứ cảm giác như tết đến sớm”.

Niềm vui mà những người lính thợ Hải đoàn 129 mang đến không chỉ là sự tận tụy trong công việc mà còn là những lời thăm hỏi, động viên, và những câu chuyện từ đất liền yêu thương. Một số chiến sĩ nhà giàn, khi biết đội sửa chữa chuẩn bị ra khơi, thường nhờ mua giúp một vài đồ dùng cá nhân. Cán bộ, nhân viên Hải đoàn mỗi lần ra nhà giàn lại mang theo đủ thứ để chia sẻ với anh em, từ dao cạo râu, bộ kéo, đến vài cây hoa cảnh. Có những món đồ mang theo dù người nhờ đã rời nhà giàn từ trước, các anh vẫn cẩn thận đưa ra, bởi họ nghĩ, biết đâu người khác sẽ cần đến.

Thợ bảo dưỡng điện năng lượng mặt trời của Hải đoàn 129 tại các nhà giàn

Thời gian sửa chữa nhà giàn thường kéo dài từ 1-3 tháng, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Dù không phải khoảng thời gian quá dài, nhưng cũng đủ để những người lính thợ và các chiến sĩ nhà giàn gắn bó, hiểu nhau hơn, cùng chia sẻ khó khăn và động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Câu nói “Đi anh em nhớ, ở anh em thương” đã trở thành tinh thần chung của cán bộ, nhân viên kỹ thuật Hải đoàn 129. Nhiều người trong số họ tâm sự rằng, nếu một năm không được ra nhà giàn họ lại thấy nhớ nhung, như thể năm đó công việc chưa trọn vẹn. Với họ, việc ra thăm nhà giàn mỗi năm giống như trở về thăm quê hương.

Có người mỗi năm đều đặn đến các nhà giàn, dù mỗi lần ở một nhà giàn khác nhau nhưng bất cứ nơi đâu, họ cũng cảm thấy như được trở về chính “nhà mình”. Nơi ấy, mọi thứ đều đơn sơ, giản dị, nhưng tình cảm giữa những người lính thợ và các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn luôn dạt dào, nồng ấm. Đại úy Lê Quang Đạt chia sẻ: “Chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của từng công việc. Đây không chỉ là việc bảo dưỡng, sửa chữa đơn thuần, mà còn góp phần giúp anh em vững tâm, vững tin vào đất liền, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Khi mặt trời gần đứng bóng, chúng tôi tạm biệt Nhà giàn DK1/11 và những người lính thợ tận tụy của Xí nghiệp sửa chữa Hải đoàn 129. Tàu rời xa dần. Từ phía đông, màu sơn mới của nhà giàn nổi bật dưới ánh nắng, khiến công trình hiện lên, như một thành lũy kiên cố giữa thềm lục địa. Nhờ sự đóng góp thầm lặng của những người lính thợ “một hai chín”, các nhà giàn sẽ mãi vững chãi trước sóng gió Biển Đông.

Bài, ảnh: Xuân Hương

Năm 2024 Hải đoàn 129 triển khai 5 đội, đã sửa chữa hệ thống năng lượng mặt trời cho 4 nhà giàn; sửa chữa kết cấu thượng tầng cho 6 nhà giàn và sửa chữa hệ thống cẩu của 4 nhà giàn. Đây là công việc do Bộ Tư lệnh Hải quân giao cho Hải đoàn 129 triển khai hằng năm và luân phiên giữa các nhà giàn trên cơ sở khảo sát tình trạng các nhà giàn.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn