Đến hẹn Hội Chọi trâu Đồ Sơn

“Dù ai buôn đâu, bán đâu
Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng chín tháng tám nhớ về chọi trâu”.

 Nghi lễ thỉnh chuông tại đền Nam Hải Thần Vương cầu mong một mùa lễ hội chọi trâu truyền thống được an vui. Ảnh: AN

Câu ca lưu truyền ấy nhắc nhớ, giục giã người dân Hải Phòng và du khách khắp nơi cứ đến dịp 9-8 âm lịch là nô nức về tham dự Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Đây là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, không chỉ mang đậm nét văn hóa truyền thống của nền văn minh lúa nước miền châu thổ Bắc bộ gắn với tục thờ thủy thần và tục hiến sinh, mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, đề cao tinh thần thượng võ của người dân miền biển.

Từ thế kỷ 18, Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn xuất hiện để cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương. Người dân ở đây vẫn truyền nhau thần tích rằng vào một đêm rằm tháng 8, dân miền biển Đồ Sơn nhìn thấy một tiên ông đang say sưa ngắm hai chú trâu chọi nhau trên những con sóng bạc. Cũng có thời gian dài Lễ hội bị gián đoạn và mãi đến năm 1990 được khôi phục trở thành lễ hội có ý nghĩa quan trọng với người dân địa phương.

Ở Đồ Sơn, mỗi phường đều có đại diện tham gia chọi trâu. Việc chuẩn bị cho lễ hội này thật công phu. Để có được “đại diện” tốt nhất thì ngay từ sau Tết Nguyên Đán, các phường đã phải đi tìm mua trâu về chăm sóc và huấn luyện. Trâu chọi là trâu từ 4 đến 5 năm tuổi trở lên, phải có “ức rộng, hang to, cổ cò, đuôi trai, đít nhọn, sừng cánh cung, đùi trường…”. Trâu được nuôi ở chuồng riêng, không tiếp xúc với trâu thường và được nuôi dưỡng bằng chế độ đặc biệt. Mọi tâm huyết, kinh nghiệm được các chủ trâu và huấn luyện viên dồn vào các chú trâu để có thể lực tốt nhất, miếng đòn hay nhất và chiến thuật hợp lý nhất khi gặp đối thủ.

Lễ hội chọi trâu cũng như nhiều lễ hội khác có hai phần, phần lễ và phần hội. Năm nay phần lễ vẫn giữ nguyên những nghi thức truyền thống trang trọng. Trước hết là lễ dâng hương ngày 1-8 âm lịch tại đền Nghè ở phường Vạn Hương (thờ vị thủy thần cũng là Thành hoàng làng của vùng đất Đồ Sơn), đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương ở đảo Dấu để xin phép mở Lễ hội và cầu mong thời tiết thuận lợi, các trận đấu diễn ra suôn sẻ, an toàn.

Đoàn của phường Vạn Hương rước nước tại lễ hội. Ảnh: Văn Lượng

Trước hội chính 2 ngày cũng tại đền Nghè diễn ra lễ rước nước. 16 chủ trâu chiến thắng trong vòng loại của 7 phường sẽ cho trâu ra làm lễ rồi tiến hành rước kiệu, rước nước từ nguồn nước ở Suối Rồng về đình làng của mỗi phường. Từ đó, trâu chọi sẽ chính thức được tôn gọi là "ông trâu".

Sớm ngày 9-8 âm lịch, người dân trong phường đều kéo ra đình và rước các “ông trâu” ra sới đấu với kiệu bát cống, long đình bát biểu, cờ thần phấp phới, rộn rã tiếng nhạc bát âm.

Mở đầu phần hội chính là nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Điệu múa khai hội được 24 tráng niên của làng chia thành hai hàng trình diễn vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, màu sắc biến hoá linh hoạt và huyền ảo trong những âm thanh của trống, thanh la. Ông Đinh Đắc Nga, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao quận Đồ Sơn cho biết: Theo cách nói của các lão làng, tiếng trống, tiếng thanh la có tác dụng tạo không khí trong sân bãi thúc giục các “ông trâu” thi đấu thêm phần quyết liệt. Với màn múa cờ, những lá cờ vung lên quật xuống mạnh mẽ, dứt khoát, nhịp nhàng, có lúc đan chéo vào nhau như hai đội quân đang giao chiến, thể hiện sự dũng cảm của con người chống chọi với biển khơi.

Đúng 8 giờ, tiếng trống, tiếng chiêng khai hội, dịch loa gọi các “ông trâu” vào trận vang lên. Từ hai cổng bắc - nam của sới đấu, từng đôi trâu được dắt ra đứng dưới chân cột cờ Ngũ Phụng. Hiệu lệnh phát ra thì hai trâu từ hai phía di chuyển lại gần nhau hơn, cách nhau chừng 20 mét. Hiệu lệnh tiếp theo người dắt trâu đột nhiên rút dây mũi, hai trâu liền lao vào nhau bắt đầu trận so tài.

Một “ông trâu” đang được chăm sóc, huấn luyện sẵn sàng xung trận vòng chung kết lễ hội. Ảnh: Văn Lượng

Khi đã phân thắng bại, cảnh "thu trâu" cũng diễn ra vô cùng hấp dẫn với màn rượt đuổi bắt bằng được con thắng để phải thi đấu xếp loại, phân ngôi nhất nhì...Theo quan niệm, nếu trâu làng nào thắng trận trong lễ hội, năm ấy cả làng sẽ gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mọi người bình yên trong suốt hành trình đi biển. Và đặc biệt hơn nữa là cho dù thắng hay thua, sau khi kết thúc lễ hội, các trâu đều được mổ thịt tế lễ trời đất, cầu mùa màng thuận hoà. Người ta cũng tin rằng, nếu được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, sẽ gặp nhiều điều may mắn.

Theo ông Hoàng Trung Hiếu, Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, trưởng ban tổ chức lễ hội chia sẻ: Năm nay, Ban tổ chức Lễ hội đã rút kinh nghiệm những tồn tại của năm ngoái, quyết tâm nỗ lực cùng các ban ngành sâu sát chỉ đạo công tác tổ chức, an ninh trật tự, siết chặt việc giết mổ gia súc bừa bãi, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách trong và ngoài nước đến với Đồ Sơn tham dự lễ hội.

Trong số 16 trâu lọt vào vòng chung kết năm nay, ngoại trừ cặp đấu thứ 2 không diễn ra vì trâu số 12 của ông Hoàng Gia Thoan (phường Ngọc Xuyên) bát ngờ bị ốm chết, nhường lại quyền vào vòng sau cho trâu số 14 của ông Phạm Văn Lưỡng (phường Minh Đức); các cặp đấu còn lại đều diễn ra theo bảng bốc thăm. Giới chuyện môn đánh giá, dự đoán trâu chiến thắng năm nay thường dựa trên thể hình, lối đánh và sức mạnh của các trâu. Tuy nhiên, từ các mùa lễ hội trước cho thấy, các kháp đấu ở vòng chung kết rất khó đoán trước. Điều đó lý giải vì sao lễ hội chọi trâu Đồ Sơn luôn hấp dẫn, độc đáo và cuốn hút người xem.

Phúc Vinh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn