Đề phòng rủi ro sức khỏe trong những ngày giá rét

HQ Online -

Thời gian này, miền Bắc đang xảy ra rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, người lao động. Do đó, các địa phương, cơ quan y tế và người dân cần có các giải pháp để phòng tránh tác hại của giá rét đến sức khỏe.

Tăng cường cơ sở, vật chất giữ ấm

Tại công văn gửi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập, Sở Y tế TP Hà Nội nêu rõ, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết tại miền Bắc đang xuống thấp. Dự báo sẽ có những ngày rét đậm trong mùa đông năm nay và những tháng đầu năm 2024. Thời tiết giá lạnh ảnh hưởng tới tình hình sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ em, những người có bệnh mạn tính về hô hấp, xương khớp, tim mạch, huyết áp... Do đó, Sở Y tế TP Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường công tác phòng, chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh.

Để giảm thiểu tác hại của thời tiết đối với sức khỏe nhân dân, người bệnh và người nhà chăm sóc người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh, tại công văn, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Nguyễn Đình Hưng đã đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời những trường hợp cấp cứu thường gặp như các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp... có nguy cơ xảy ra nhiều hơn trong thời tiết giá lạnh.

Bên cạnh đó, bảo đảm việc phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện như: Nơi xếp hàng chờ khám, khoa khám bệnh, chẩn đoán hình ảnh, buồng bệnh... cần bảo đảm kín gió, có đủ chăn đệm, lò sưởi và phương tiện giữ nhiệt độ phù hợp. Mặt khác, thực hiện phòng, chống rét cho người nhà người bệnh hợp lý; không để người nhà người bệnh nằm ở hành lang hoặc ghế đá ngoài trời, gây nguy hại đến sức khỏe.

Đặc biệt, các cơ sở khám, chữa bệnh cần tăng cường tập huấn kỹ năng chẩn đoán, xử lý đột quỵ, đánh giá tình trạng bệnh và nguy cơ để chuyển viện cứu chữa kịp thời trong “giờ vàng”. Sở Y tế thành phố cũng đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh phối hợp với các đơn vị thực hiện tuyên truyền cho người dân địa phương về nguy cơ của thời tiết tới sức khỏe, tăng cường phòng, chống rét; đặc biệt là các đối tượng người già và trẻ em; nhà cửa được che chắn kỹ, bảo đảm quần áo đủ ấm.

Tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người lao động trong mùa lạnh

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, lãnh đạo Bệnh viện cũng đã yêu cầu các khoa, phòng phải rà soát, sửa chữa, bổ sung các thiết bị, vật tư giữ ấm cho người bệnh; bảo đảm giữ ấm cho người bệnh trong quá trình vận chuyển bệnh nhân, đặc biệt với trẻ em, trẻ sơ sinh, người già. Các buồng khám bệnh, buồng điều trị phải bảo đảm kín gió, có đủ chăn đệm, phương tiện giữ ấm như quạt sưởi. Đồng thời bảo đảm cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh hoặc thời tiết thay đổi bất thường gây ra các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, cúm, viêm đường hô hấp cấp...

Tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để sưởi ấm

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã cấp cứu cho hai vợ chồng đốt than hoa sưởi ấm trong nhà. Khi người nhà phát hiện, người chồng (61 tuổi) đã rơi vào tình trạng mê man, gọi hỏi không biết, tím tái toàn thân. Bệnh viện cũng đang điều trị cho một bệnh nhân 12 tuổi, cấp cứu do ngộ độc khí CO. Trước đó ở nhà, mẹ bé đặt than củi trong buồng tắm kín cho trẻ đi tắm. Khoảng 40 phút sau gọi không thấy trẻ trả lời. Gia đình phát hiện trẻ nằm bất tỉnh trong phòng tắm và đã đưa đi cấp cứu. Về ngộ độc khí CO, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cũng đã có khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để bảo đảm thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng.

Ngoài ra, không nên để các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại (quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi...) gần trẻ nhỏ, người già vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da, vừa gây khô da, khô mũi, vừa gây nguy cơ bỏng và cháy cao. Khoảng cách tốt nhất khi đặt các máy sưởi này là khoảng 1-2m và nên để chế độ quay với mục đích làm ấm phòng là chính, không nên chiếu sưởi trực tiếp vào người bởi các nguy cơ nói trên. Trước khi sử dụng chăn điện phải kiểm tra kỹ, đề phòng hư hỏng, bảo đảm cách điện và cách nhiệt của dây; không giặt ướt để tránh tình trạng chập điện; bật chế độ ấm vừa đủ và khi đủ ấm thì tắt trước khi sử dụng.

Khi xuất hiện các triệu chứng như: Đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó chịu, tê bì chân tay... người dân cần lưu ý giữ ấm cơ thể ngay và đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe. Thời tiết lạnh sẽ tăng thêm gánh nặng cho tim, do vậy với người bị bệnh tim, huyết áp nên khám và làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Mọi người đều nên kiểm tra, theo dõi huyết áp thường xuyên, kể cả người trẻ, người chưa có tiền sử bệnh lý tim mạch, huyết áp.

Chú ý khi tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ rất lạnh có thể gây giảm thân nhiệt, nhất là người già, gầy ốm, bị bệnh mạn tính, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ sơ sinh. Các biểu hiện giảm thân nhiệt là run rẩy, kiệt sức, nhầm lẫn, mất trí nhớ, nói lơ và buồn ngủ... Ở trẻ sơ sinh có dấu hiệu da đỏ tươi hoặc da lạnh. Run rẩy là một dấu hiệu quan trọng đầu tiên cho thấy cơ thể đang mất nhiệt, vì vậy cần phải sưởi ấm ngay. Khi bị nhiễm lạnh xuất hiện ho, sốt cần đi khám bác sĩ để có chẩn đoán và điều trị phù hợp. Không nên tự ý mua thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh để uống.

PV (Tổng hợp)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn