ĐẤU TRANH LÀM THẤT BẠI ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN PHÁ HOẠI BẦU CỬ: Bài 3-Để bầu cử thực sự là ngày hội dân chủ của toàn dân

HQVN -

Trước âm mưu, thủ đoạn chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, chúng ta cần chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thực sự là ngày hội dân chủ của toàn dân.

Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị trọng đại, diễn ra ngay sau khi Đại hội XIII của Đảng thành công tốt đẹp. Đất nước sau 35 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định là “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy nhiên, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đó là tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định; là đại dịch Covid-19 vẫn chưa bị đẩy lùi, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội; và đặc biệt là các thế lực thù địch vẫn ra sức chống phá nước ta bằng những âm mưu và thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc…

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân nghiên cứu tiểu sử ứng cử viên trước khi bầu cử. Ảnh: Quang Tiến

Trước tình hình đó, để cuộc bầu cử thực sự là ngày hội dân chủ của toàn dân, hơn lúc nào hết chúng ta cần quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị Khóa XII về lãnh đạo công tác bầu cử cũng như các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai bầu cử của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị cần xây dựng kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, bảo đảm cho cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thành công.

Công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, có sự đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức để mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của bầu cử; vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân, của Quốc hội và HĐND trong bộ máy nhà nước. Phải làm sao để mọi cử tri nắm chắc các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân khi tham gia xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh; từ đó phấn khởi, tự giác, tích cực đi bầu cử với tỷ lệ cao nhất.

Các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương thường xuyên bám sát thực tiễn và các vấn đề liên quan tới cuộc bầu cử để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, minh bạch, có định hướng theo quan điểm của Đảng cho người dân, không để “khoảng trống thông tin” cho các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần chủ động nắm bắt dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật những vấn đề bức xúc, nổi cộm, khiếu nại, tố cáo của công dân; đảm bảo cho mọi công dân có điều kiện thuận lợi để thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định.

Công dân, trước hết là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm trong tham gia và vận động mọi người dân tích cực đi bầu cử, đồng thời phải luôn cảnh giác, tỉnh táo, thận trọng khi tiếp nhận thông tin, nhất là những thông tin chưa được kiểm chứng trên không gian mạng. Đặc biệt, trong xã hội bùng nổ thông tin đa chiều như hiện nay, mỗi người cần nâng cao khả năng “tự miễn dịch”, “tự đề kháng” trước các luồng thông tin xấu độc, tránh để các thế lực thù địch dẫn dắt, kích động, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc bầu cử. Khi phát hiện những đối tượng phát tán thông tin sai trái, xuyên tạc, chúng ta cần thông báo ngay cho lực lượng chức năng để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Chuyển thùng phiếu lên đảo Sinh Tồn Đông, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa để chuẩn bị bầu cử. Ảnh: Tuấn Anh

Quá trình tổ chức chuẩn bị và tiến hành bầu cử cần được thực hiện chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng luật, không để kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng, tạo cớ vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Đối với những hành vi phạm pháp luật về bầu cử hoặc cố tình lợi dụng tự do, dân chủ để chống phá Đảng, Nhà nước, lợi dụng bầu cử để gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chia rẽ đại đoàn kết dân tộc, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh vạch trần và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Các địa phương, cơ quan chức năng, đơn vị lực lượng vũ trang cần phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ; xây dựng và luyện tập kỹ các phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau bầu cử và có kế hoạch chủ động ứng phó với những tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra. Qua đó, bảo đảm cho cử tri tham gia bầu cử thuận lợi, an toàn, dân chủ, đúng luật; tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong toàn xã hội về kết quả bầu cử; củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Cùng với chuẩn bị chu đáo cho cuộc bầu cử, các địa phương cần tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với phòng, chống dịch Covid-19”, giữ vững ổn định chính trị trong nước. Các cấp, các ngành quan tâm bảo đảm tốt chính sách an sinh xã hội, kết hợp với đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi, rộng khắp, thiết thực lập thành tích chào mừng thành công bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đưa đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Kao Dân (Bài cuối)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn