Đầu năm mua muối…
HQ Online -
Ngày còn sống, bố chồng tôi cứ dặn đi dặn lại con cháu về một tập tục lâu đời của người Việt Nam: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Bố bảo, lời khuyên của người xưa được chắt gạn từ cuộc sống, được chứng minh và trải nghiệm qua nhiều năm tháng, nhiều thế hệ, nên những kinh nghiệm ấy vô cùng quý giá và có cơ sở thực tế để tin theo.
Từ ngàn đời nay, cha ông ta quan niệm rằng: muối mặn nên có thể chống xú uế, xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn. Mua muối đầu năm chính là để giữ cho quanh năm tình cảm vợ chồng, con cái luôn mặn mà như muối, cho gia đình thêm hòa thuận và gắn bó keo sơn.
Ngược lại, thường tránh mua vôi đầu năm vì dân gian cho rằng vôi màu trắng, là biểu tượng của sự bạc bẽo và tang tóc. Hồ Xuân Hương viết: “Có phải duyên nhau thì thắm lại/Đừng xanh như lá, bạc như vôi” cũng vì lẽ ấy. Tránh mua vôi vào đầu năm là tránh đi những rủi ro trong năm mới, tránh những mối hiểm nguy, hiềm khích và rạn nứt cho các thành viên trong gia đình.
Vôi chỉ được mua vào cuối năm, dùng để quét tước lại nhà cửa, trang hoàng tường cổng cho sạch sẽ tinh tươm, chuẩn bị đón Tết. Ngôi nhà được quét vôi mới cũng là để xóa đi những rủi ro, đen đủi của năm cũ, thể hiện một sự khởi đầu đầy tin tưởng và hy vọng.
Ở Bắc Bộ xưa, vào dịp đầu xuân, dễ dàng bắt gặp những gánh muối rong ruổi trên khắp đường làng, ngỏ hẻm, người mua kẻ bán tấp nập. Muối có một vị trí rất quan trọng và chỉ đứng sau gạo nên bát muối khi mua sẽ đong đầy tới tận ngọn, chứ không bao giờ gạt ngang miệng bát. Ngày nay, người dân ít mua muối ở gánh hàng rong mà thường đi lễ chùa vào sáng mùng Một, rồi xin lộc là những gói muối xinh xinh được bọc trong giấy đỏ do nhà chùa chuẩn bị, với hy vọng đón một năm mới an lành, thịnh vượng hơn.
Tôi nhớ có lần đã hỏi bố: “Bố ơi, rất nhiều quan niệm đúng với ngày xưa mà chưa chắc đúng với ngày nay, bố ạ. Vì xã hội thay đổi thì tư duy và nhận thức cũng thay đổi theo. Những quan niệm trước đây các cụ cho là chuẩn xác, đến thời con cháu lại trở thành lỗi thời, lạc hậu. Bố có thấy thế không?”.
Bố cười hiền hậu: “Con nói đúng. Vạn vật đều chảy trôi, biến đổi, nhưng cái ẩn sâu bên trong văn hóa, lễ nghĩa thì thường rất khó đổi thay. Muối bây giờ không còn là đồ ăn quý hiếm, vôi cũng không còn là vật liệu duy nhất để sơn sửa lại căn nhà. Song những giá trị sống đích thực và những khao khát của lứa đôi về gừng cay muối mặn, về cuộc sống hôn nhân ấm áp, đậm đà yêu thương thì vẫn luôn đúng trong ước vọng và tâm tưởng của mỗi người, con ạ”.
Hôm nay là mùng 1 Tết Giáp Thìn, tôi dậy sớm chuẩn bị đồ cúng dâng lên bố và tổ tiên trong ngày đầu xuân năm mới. Ngoài cổng, có tiếng rao nhẹ nhẹ: “Ai mua muối không?”. Tôi mở cửa, vẫy hàng muối lại gần. Những hạt muối trắng tinh nhìn tôi lấp lánh. Lòng tôi thầm gọi: “Bố ơi!”…
Nguyễn Ánh Nguyệt
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn